Báo cáo: 83% thương hiệu Úc dường như đang theo dõi khách hàng trực tuyến
Một báo cáo mới đây về quyền riêng tư đã phát hiện ra 83% các thương hiệu của Úc dường như đang theo dõi hoạt động trực tuyến của khách hàng, trong khi 82% người tiêu dùng không thoải mái với việc dữ liệu vị trí của họ bị chia sẻ với các công ty khác.
Theo báo cáo thường niên của Deloitte năm 2022 về Chỉ Số Quyền Riêng Tư Của Người Úc, người tiêu dùng đang yêu cầu sự minh bạch, bảo đảm và kiểm soát việc sử dụng dữ liệu bị chia sẻ với chính phủ và các công ty.
Hơn một nửa số người tiêu dùng không hài lòng với việc hoạt động trực tuyến của họ bị theo dõi, nhưng 43% số người sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân của họ khi biết dữ liệu của họ sẽ được sử dụng như thế nào. Trong khi đó, chỉ những người trẻ tuổi hơn (18-34 tuổi) mới thấy giá trị của việc cá nhân hóa trực tuyến.
Cô Daniella Kafouris, đối tác chính về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu quốc gia của Deloitte, cho biết rõ ràng là có một sự “ngắt quãng” giữa kỳ vọng của người tiêu dùng và cách các thương hiệu thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân.
Cô Kafouris lưu ý rằng sự ngắt quãng này lớn hơn trong các nhóm độ tuổi lớn hơn, nơi người tiêu dùng coi các trải nghiệm được cá nhân hóa là vượt qua một “lằn ranh đáng sợ” cản trở trải nghiệm của họ và uy tín của một thương hiệu.
Luật sư bảo mật dữ liệu nói với hãng thông tấn NCA rằng: “Nhiều người có thể thấy giá trị của việc lập hồ sơ và cá nhân hóa mà công nghệ theo dõi và quảng cáo mang lại, nhưng không phải ai cũng muốn làm vậy với họ.”
“Do đó, cần có sự cân bằng tốt hơn giữa việc người tiêu dùng nhận thấy hoạt động cá nhân hóa hữu ích và điều gì có thể bị coi là tiếp cận quá mức.”
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt – “Mối quan tâm lớn” của xã hội
Những phát hiện này được đưa ra sau khi nhóm người tiêu dùng Choice tuần trước tiết lộ ba nhà bán lẻ lớn của Úc là Kmart, Bunnings, và The Good Guys đã đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đối với khách hàng của họ.
Ông Edward Santow, giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney và là một cựu ủy viên nhân quyền, cho biết việc sử dụng rộng rãi công nghệ nhận dạng khuôn mặt là “mối quan tâm lớn” của xã hội.
Ông nói với Choice, “Ngay cả khi công nghệ đó hoàn toàn chính xác — và nó không phải như vậy — nhưng ngay cả khi đúng như vậy, điều đó cũng đưa chúng ta vào lĩnh vực giám sát hàng loạt.”
Tuy nhiên, ông Simon McDowell, Giám đốc Điều hành của Bunnings, lập luận rằng các biện pháp được đưa ra nhằm để đối phó với hành vi trộm cắp và “hành vi chống đối xã hội.” Ông nói thêm rằng những khách hàng biết đến việc sử dụng camera quan sát và công nghệ nhận dạng khuôn mặt thông qua bảng chỉ dẫn tại các lối vào cửa hàng Bunnings và trong chính sách bảo mật trên trang web của hãng này.
“Dữ liệu là tài nguyên có giá trị nhất”
Bà Dhakshayini Sooriyakumaran, Giám đốc Chính sách Công nghệ tại Reset Australia, một tổ chức tư vấn độc lập làm việc để chống lại các mối đe dọa kỹ thuật số, cho biết việc ra quyết định dựa trên dữ liệu là “một loại triết lý mà các tổ chức đang áp dụng trên tất cả các lĩnh vực và ngành nghề.”
Bà nói với The Epoch Times: “Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế nơi dữ liệu là một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất mà bất kỳ tổ chức cơ quan nào có thể thực sự nắm được.”
“Chính phủ, cũng như các tập đoàn, đã đang cố gắng lách luật và khai thác càng nhiều dữ liệu càng tốt.”
Bà Sooriyakumaran cũng nói rằng thông tin cá nhân có thể được mua và bán thông qua hợp đồng giữa các cơ quan chính phủ và nhà cung cấp tư nhân, được chia sẻ thông qua các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu, hoặc bán cho bất kỳ ai bởi các nhà môi giới dữ liệu. Bà cảnh báo thêm rằng dữ liệu thuộc sở hữu của các công ty đa quốc gia có thể “đi xuyên biên giới.”
Cô Nina Nguyen là một phóng viên tại Sydney. Cô đưa tin về Úc với trọng tâm là các vấn đề xã hội và văn hóa. Cô thông thạo tiếng Việt. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected]
Bản tin có sự đóng góp của Daniel Y. Teng