Báo cáo 2024: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh nỗ lực chống buôn người và những thách thức khác
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo thường niên theo dõi nỗ lực của 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc giải quyết nạn buôn người.
Hôm thứ Hai (24/06), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Buôn người 2024, trong đó 13 quốc gia được đánh dấu là kém nhất trong việc bảo vệ chống lại nạn buôn người.
“Báo cáo Buôn người 2024 là một bảng đánh giá toàn diện, khách quan về hiện trạng của nỗ lực chống buôn người trên 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả Hoa Kỳ,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết tại sự kiện công bố báo cáo mới hôm 24/06.
“Trong hơn hai thập niên qua, báo cáo này đã ghi lại các xu hướng mới xuất hiện, nhấn mạnh các lĩnh vực tiến bộ và thụt lùi, đồng thời xác định các sáng kiến hiệu quả chống lại nạn buôn người.”
Hàng năm, Bộ Ngoại giao đưa ra báo cáo về nạn buôn người để theo dõi việc tuân thủ trên toàn cầu với các tiêu chuẩn chống buôn người được quy định trong Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân của Nạn buôn người năm 2000 (TVPA). Báo cáo này chấm điểm các quốc gia dựa trên việc tuân thủ các tiêu chuẩn TVPA này và nỗ lực cải thiện việc tuân thủ.
Các quốc gia Cấp 1 trong báo cáo là những quốc gia có chính phủ hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA.
Các quốc gia Cấp 2 là những quốc gia không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA, nhưng Bộ Ngoại giao đánh giá “đang có những nỗ lực đáng kể để tuân thủ các tiêu chuẩn đó.” Cấp 2 còn bao gồm một Danh sách Theo dõi (Watch List) Cấp 2 dành cho các quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA và được Bộ Ngoại giao đánh giá là có số lượng lớn hoặc ngày càng tăng số nạn nhân của nạn buôn người hoặc không cung cấp đầy đủ bằng chứng về những nỗ lực của họ trong việc chống lại nạn buôn người như vậy.
Các quốc gia Cấp 3 là những quốc gia có chính phủ không đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA mà Bộ Ngoại giao không đánh giá là đang có những nỗ lực cải thiện đáng kể.
Trong số các xu hướng buôn người mới xuất hiện được xác định trong báo cáo, ông Blinken lưu ý sự gia tăng đặc biệt trong các âm mưu nhắm mục tiêu vào nạn nhân trên mạng, thường là trên các ứng dụng truyền thông xã hội, trò chơi, và hẹn hò. Ông đưa ra ví dụ như sau.
“Những kẻ buôn người đã sử dụng danh sách việc làm giả mạo để dụ dỗ các cá nhân rời khỏi nhà bằng lời hứa hẹn về công việc được trả lương cao. Thay vào đó, họ được đưa đến một khu nhà biệt lập, được canh gác ở Miến Điện, tại đây điện thoại của họ bị tịch thu,” ông Blinken nói. “Ở đó, những người bị bắt giữ bị buộc phải làm việc lừa đảo người khác qua mạng trực tuyến, kể cả công dân Mỹ — lừa họ đầu tư vào mã kim giả, điển hình là thông qua các trò lừa đảo tình cảm.”
Bà Cindy Dyer, Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về Giám sát và Chống Buôn người, cho biết, trước đây khu vực Đông Nam Á từng là trung tâm của các loại lừa đảo lao động cưỡng bức trực tuyến như vậy, báo cáo năm nay lưu ý các mô hình mới xuất hiện tương tự ở Nam Mỹ, châu Âu, Nam Á, Trung Đông, và châu Phi.
Các quốc gia Cấp 3
Trình bày tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao hôm thứ Hai, bà Dyer cho biết có năm quốc gia trước đây nằm trong danh sách Cấp 3 đã có những cải thiện và được nâng cấp về phương pháp chấm điểm tuân thủ TVPA của Bộ Ngoại giao kể từ năm 2023. Những quốc gia đó gồm Algeria, Curacao, Chad, Equatorial Guinea, và Guinea Bissau.
Tuy nhiên, bà Dyer cho biết có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn còn nằm trong danh sách Cấp 3 ít nhất là năm thứ hai liên tiếp gồm Afghanistan, Brunei, Miến Điện, Cambodia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và lãnh thổ Ma Cao, Cuba, Djibouti, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Papua New Guinea, Nga, Sint Maarten, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan, và Venezuela.
Trong năm nay, Brunei đã bị hạ cấp từ Danh sách Theo dõi Cấp 2 xuống Cấp 3. Lần đầu tiên, Sudan cũng rơi vào danh sách Cấp 3, sau những gì bà Dyer nhận định là “sự hạ cấp kép” khiến quốc gia Đông Bắc Phi này hạ cấp khỏi Cấp 2, vượt quá Danh sách Theo dõi Cấp 2 và rơi vào danh sách thấp nhất của Bộ Ngoại giao trong hệ thống tính điểm về buôn người kể từ năm 2023.
Belarus cũng quay trở lại danh sách Cấp 3, sau khi vượt ra khỏi danh sách đó giữa các báo cáo năm 2020 và 2021 của Bộ.
Tại Trung Quốc, bà Dyer cho biết Bộ Ngoại giao vẫn đặc biệt lo ngại về các chương trình lao động cưỡng bức nhắm vào người dân Tây Tạng, cũng như cái gọi là chuyển giao lao động ở khu vực Tân Cương ảnh hưởng đến người dân Duy Ngô Nhĩ. Báo cáo mới nhất này cũng bao gồm một phần vấn đề đặc biệt tập trung vào các cáo buộc thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
“Việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc dường như nhắm vào các nhóm thiểu số sắc tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo cụ thể đang bị giam giữ, thường không được giải thích lý do bắt giữ hoặc đưa ra lệnh bắt giữ ở các địa điểm khác nhau,” trích báo cáo. “Chúng tôi lo ngại sâu sắc trước các báo cáo về việc đối xử mang tính phân biệt đối với các tù nhân hoặc người bị tạm giam dựa trên sắc tộc, tôn giáo, hoặc tín ngưỡng của họ.”
Bà Dyer cho biết chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraine cũng làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nạn buôn người vì chiến tranh đã khiến nhiều phụ nữ và trẻ em phải đào thoát khỏi đất nước và đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng cao hơn. Bà còn nêu ra những cáo buộc về âm mưu chiêu mộ công dân ngoại quốc để chiến đấu cho Nga.
“Các báo cáo cho thấy rằng chính quyền Nga, các công ty quân sự tư nhân trung gian, và các lực lượng liên kết của Nga đang sử dụng biện pháp cưỡng ép và lừa dối và có thể sẽ dùng vũ lực để chiêu mộ công dân ngoại quốc,” bà nói.
Hân Nhi lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times