Bằng chứng về người tí hon được tìm thấy trên khắp thế giới, nhưng họ có thật không?
Phải chăng trong suốt chiều dài lịch sử, đã từng có một chủng người khác — những người nhỏ bé như người tí hon hay người lùn trong truyền thuyết — cư trú trên trái đất?
Một số bằng chứng xuất hiện trong nhiều năm qua cho thấy người tí hon có thể đã sống ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Họ thường được mô tả là cao khoảng 3 feet và có xu hướng tránh tiếp xúc với con người.
Kenya, Hawaii, và Indonesia là một số nơi mà người ta đã tìm thấy các bằng chứng đó.
Người ‘Hobbit’ của Indonesia
Năm 2003, hài cốt của một phụ nữ cao 1 mét ở độ tuổi 30 được khai quật tại hang Liang Bua trên đảo Flores của Indonesia. Căn cứ theo vóc dáng, cô được mệnh danh là “người hobbit.”
Cô được khai quật cùng với các cá thể khác nhưng hài cốt của cô là bộ xương hoàn chỉnh duy nhất. Tám người khác được tìm thấy cùng với cô nhưng người ta chỉ tìm thấy những mảnh xương của họ. Người ta đặt tên cho chủng người của cô, là Homo floresiensis, một chủng người có vóc dáng nhỏ bé mà gần như được xem là đã tuyệt chủng.
Nhà khảo cổ học tại Viện Blue Marble Space (Không gian Đá Cẩm thạch Xanh) Selene Cannelli cho biết: “Một bộ xương phụ nữ gần như hoàn chỉnh đã được tìm thấy và được đặt biệt danh là người hobbit vì kích thước đặc biệt nhỏ của nó.”
“Dựa trên quá trình mọc răng, và mòn răng, có vẻ như LB1 [tên lưu trữ của bộ xương] là một người trưởng thành tại thời điểm qua đời, và dựa trên giải phẫu vùng chậu, có thể khẳng định đó là một phụ nữ,” bà Cannelli cho biết thêm.
Nhưng làm sao chúng ta biết rằng cô thực sự là một chủng người khác chứ không phải là một người bị thấp lùn? Các nghiên cứu tiếp theo về bộ xương cho thấy bộ não của cô có kích thước bằng khoảng một phần ba bộ não người bình thường.
“Nghiên cứu gần đây cho thấy bộ não của chủng người H. floresiensis có kích thước 426 cm khối,” bà Cannelli viết.
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Quốc tế về Văn học So sánh & Nghiên cứu Dịch thuật, nhà nghiên cứu độc lập Yok Man Khei cho biết: “Phát hiện này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về sự tồn tại của người tí hon như đã được ghi nhận trong các tài liệu viết tay ở cả thế giới phương Tây và phương Đông qua nhiều thế kỷ.”
Chủng người Homo floresiensis có bộ não nhỏ và chiếc cằm không rõ ràng, và mặc dù gần đây không ai nhìn thấy họ, nhưng không thể khẳng định chắc chắn rằng họ đã tuyệt chủng.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Live Science vào năm 2022, giáo sư nhân chủng học đã về hưu Gregory Forth cho biết: “Chúng ta thực sự không biết chủng người này tuyệt chủng khi nào hoặc quả thực tôi dám nói — chúng ta thậm chí không biết họ đã tuyệt chủng hay chưa, vì vậy có khả năng là chủng người này vẫn còn.”
Người Agumba của Kenya
Bằng chứng khác về người tí hon được phát hiện ở Kenya, Châu Phi. Họ được gọi là Agumba, và trong những năm gần đây, người ta không biết họ đã đi đâu. Chúng ta chỉ biết rằng không có báo cáo nào về việc nhìn thấy họ nữa.
Trong một bài báo do Hiệp hội Bảo tàng Kenya (Kenya Museum Society) công bố, nhà nghiên cứu của Viện Anh Quốc ở Đông Phi Angela W. Kabiru cho biết: “Bởi vì họ sống trong rừng, nên rất ít người ngoài có cơ hội gặp trực tiếp những người có vóc dáng thấp bé này, và câu hỏi về kích thước của họ vẫn còn gây tranh cãi.”
“Ước lượng chiều cao của họ dao động từ 2 feet đến khoảng 4.5 feet [từ ~ 0.6m đến ~ 1.4m],” bà nói, và tiếp tục trích dẫn nhiều nguồn khác nhau gọi người Agumba là “chắc nịch và lanh lợi,” “giàu có, hung dữ, và dễ xúc động,” với “nét mặt dữ tợn,” có “đầu to, da nâu nhạt,” và để râu dài. Người ta cho rằng họ đã nói một ngôn ngữ “giống như tiếng chim hót líu lo.”
Phần lớn lịch sử về người tí hon được truyền miệng, nhưng có bằng chứng cụ thể về sự tồn tại của họ trong các tàn tích tại nơi họ ở. Người Agumba được cho là đã sống trong các hố tự đào trên cao nguyên. Nhiều hố trong số này đã bị phá hủy do mở rộng hoạt động nông nghiệp. Các hố khác nằm trong rừng Aberdeen, hiện là khu bảo tồn.
Bên trong những môi trường sống dưới lòng đất này, người ta có thể tìm thấy đồ gốm và các công cụ khác nhau. Độ sâu của các hố đều dưới 5 feet (~ 1.5m), một số chỉ sâu 1 foot (~ 0.3m).
“Các hố cho thấy dấu hiệu có một số lối vào, tất cả các lối vào hướng về phía Núi Kenya, và chúng có thể có tính chất giống như đường hầm. … Có ý kiến cho rằng các hố này có thể đã được sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn như trò chơi đặt bẫy, nhưng bằng chứng hiện có ủng hộ truyền thuyết rằng các hố này thực sự có người ở,” cô Kabiru viết.
Mọi bộ lạc trên Núi Kenya đều có truyền thuyết về họ, ông Jeffrey Fadiman chia sẻ trong cuốn sách của ông có nhan đề “Buổi Đầu, Có Những Phù Thủy: Lịch Sử Truyền Miệng từ Núi Kenya” (When We Began, There Were Witchmen: An Oral History from Mount Kenya).
Họ được mô tả trong truyền thuyết là “những người nhỏ bé” hoặc “những chú lùn lông lá, nhút nhát.” Tuy nhiên, ông Fadiman lưu ý rằng một số truyền thuyết đối lập kể rằng những người cao, mảnh khảnh, chăn nuôi gia súc trong khu vực này sống trong các hố hoặc hang động.
Những người Pygmy nổi tiếng vẫn sống ở Châu Phi ngày nay có chiều cao trung bình đối với nam giới là khoảng 4 feet 11 inch (~1.5m). Mặc dù điều này có thể giống với một số mô tả về chiều cao của người Agumba, nhưng những mô tả khác về người lùn Agumba không đúng với người Pygmy.
Người Menehune ở Hawaii
Dù nhiều người có thể nhận ra tên của những người tí hon ở Hawaii này, người Menehune, nhưng họ vẫn còn là một ẩn số bí ẩn.
Một người Úc tên là Thomas George Thrum di cư đến Hawaii vào năm 1853. Ông đã tích lũy những câu chuyện truyền miệng về người Menehune từ Kauai và Oahu.
Truyền thuyết kể rằng người Menehune cao khoảng 3 feet (~0.9m) và họ hoạt động vào ban đêm, nhanh chóng trở về nơi trú ẩn vào lúc bình minh. Họ được biết đến với những thành quả lao động đáng kinh ngạc, đặc biệt là đối với những người nhỏ bé như vậy.
Bách khoa Toàn thư Lịch sử Thế giới cho biết rằng người Menehune “được cho là những thợ đá lành nghề, họ mạo hiểm ra ngoài sau khi trời chạng vạng để đóng canoe, xây đường xá, dựng ao hồ, và tường nhà hoặc để hát và chơi nhạc cụ. Họ tránh xa ánh sáng mặt trời và những nỗ lực xây dựng phi thường của họ, cho dù đã hoàn thành hay chưa, luôn dừng lại trước bình minh khi họ biến mất.”
Người ta cho rằng Kīkīaola, một kênh tưới lịch sử cao 24 foot (7.3m), là do họ thực hiện.
“Kênh tưới này được coi là một kỳ quan kỹ thuật nhờ có 120 khối đá bazan được cắt gọn gàng, đòi hỏi phải có các công cụ và kỹ thuật chính xác để cắt, đường thoát nước của mương dài khoảng 200 feet (61m), dẫn nước đến các ao tưới trồng khoai môn. Nó cũng khác với các công trình xây dựng tường đá điển hình của người Hawaii, mặc dù người Hawaii có tay nghề vô cùng cao trong việc xây đá,” bách khoa toàn thư này nêu rõ.
Người tí hon ở Iceland
Ở Iceland, người tí hon và môi trường sống của họ đã được pháp luật bảo vệ. Năm 2014, ấn phẩm địa phương Ice News đưa tin một thẩm phán đã ra phán quyết rằng việc xây dựng đường cao tốc phải bị hủy bỏ do người tí hon có thể đang sinh sống trong khu vực này.
Trang thông tin Guide to Iceland cũng chia sẻ về việc người tí hon hoặc “những người giấu mặt” được cho là đã can thiệp vào việc xây dựng trên vùng đất của họ như thế nào.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times