Bằng chứng tiết lộ quân đội đã hợp tác với phòng thí nghiệm ở thành phố bắt nguồn đại dịch COVID-19
Trung Cộng cho biết viện virus học gây tranh cãi của họ không có liên hệ gì với quân đội, nhưng trong nhiều năm viện này đã làm việc với các nhà lãnh đạo quân đội trong một dự án do chính phủ tài trợ.
Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã tham gia vào một dự án, vốn được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NSFC)—một tổ chức nghiên cứu khoa học do chính quyền tài trợ—từ năm 2012 đến năm 2018. Đội dự án này gồm năm chuyên gia quân sự và dân sự, vốn là những người đã thực hiện nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của WIV, phòng thí nghiệm quân sự và các phòng thí nghiệm dân sự khác nhằm “phát hiện ra mầm bệnh động vật [nhân tố sinh học gây bệnh] trên động vật hoang dã.”
WIV nằm ở trung tâm thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi khởi điểm của đại dịch COVID-19. Là một tổ chức virus học tân tiến, WIV sở hữu phòng thí nghiệm P4—phòng thí nghiệm có cấp độ an toàn sinh học cao nhất—duy nhất ở Trung Quốc và là kho lưu trữ virus corona từ dơi lớn nhất ở Á Châu. Trong một bài nghiên cứu được đăng vào tháng 02/2020, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã viết rằng virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới, “có toàn bộ bộ gen giống với virus corona từ dơi đến 96%.”
Trong những tháng gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và bà Thạch Chính Lệ, nhà virus học WIV có biệt danh “Nữ nhân Dơi” vì những nghiên cứu về virus corona có nguồn gốc từ dơi của bà, đã phủ nhận mối liên hệ giữa viện WIV và quân đội, đồng thời nói rằng không có nhà nghiên cứu WIV nào bị nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hiện, “một số nhà nghiên cứu trong WIV đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi ca bùng phát đầu tiên được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả COVID-19 và các bệnh thông thường theo mùa.”
Thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, “WIV đã tham gia vào các nghiên cứu tuyệt mật, bao gồm các thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm, nhân danh quân đội Trung Quốc ít nhất kể từ năm 2017.”
Tuy nhiên, bà Thạch đã phủ nhận việc WIV tham gia nghiên cứu với quân đội Trung Quốc. Tại một hội thảo công khai trên web vào ngày 23/03, bà Thạch cho biết, “Tôi không biết về bất kỳ hoạt động quân sự nào tại WIV. Thông tin đó không chính xác.” [Nhưng] bà Thạch đã không đề cập về việc WIV đã được một đội quân y Trung Quốc sử dụng vào đầu năm 2020 để phát triển vaccine COVID-19.
Bà Thạch nói với tạp chí Khoa học vào tháng 07/2020 rằng không xảy ra sự rò rỉ mầm bệnh nào hay nhân viên nào bị nhiễm bệnh cả. Tạp chí này đưa tin rằng theo bà Thạch, “không nhân viên hoặc sinh viên nào bị lây nhiễm với SARS-CoV-2 [virus corona chủng mới 2019] hoặc các virus liên quan đến SARS.”
Vào cuối tháng Ba, giới truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại đưa tin rằng, vào đầu tháng 11/2019, ba nhân viên của WIV bắt đầu có các triệu chứng tương tự như COVID-19. Ngay sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc China News đã đưa tin rằng tin tức này là dựa trên những lời đồn.
China News đưa tin cho hay, một chuyên gia Trung Quốc nói với nhóm điều tra của WHO—nhóm chuyên gia đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 02/2021 để điều tra nguồn gốc của virus Trung Cộng—rằng ca nhiễm có từ năm 2019 là các bệnh nhân tại các bệnh viện liên quan đến WIV, chứ không phải là nhân viên của WIV.
Hợp tác quân sự-dân sự
Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia của Trung Quốc (NSFC) đã đưa kết quả nghiên cứu về các mầm bệnh động vật lên trang web của mình vào ngày 01/02/2018. Tổ chức này cũng tuyên bố rằng dự án “đã phát hiện ra hơn 1,640 loại virus mới bằng cách sử dụng công nghệ metagenomics” và nghiên cứu được thực hiện bởi sự hợp tác quân sự-dân sự.
Ông Tào Ngũ Xuân (Cao Wuchun), 58 tuổi, một thành viên của đội quân sự của dự án, là đại tá và là nhà dịch tễ học đứng đầu trong quân đội Trung Quốc. Ông là nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân y kể từ tháng 09/2017, nhưng đã làm việc ở đó trong 21 năm qua. Theo lý lịch chính thức của ông này, ông từng là giám đốc của học viện từ năm 2007 đến năm 2017. Ông Tào phục vụ trong đội với tư cách là chỉ huy thứ hai sau Thiếu tướng Trần Vĩ (Chen Wei), chuyên gia chiến lược sinh học hàng đầu của Trung Quốc.
Vào ngày 26/01/2020, ông Tào đi cùng ông Trần đến Vũ Hán. Vào tháng 02/2020, họ nắm quyền chỉ huy WIV. Vào thời điểm đó, các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, mục đích chính của việc quân đội tiếp quản là để phát triển một loại vaccine chống lại virus Trung Cộng.
Ông Tào cũng là đồng lãnh đạo dự án NSFC với bà Thạch (nhà virus học của WIV), và nhóm Trần-Tào đã tiếp quản WIV khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán.
Ba trưởng nhóm khác của dự án NSFC là Lương Quốc Đống (Liang Guodong), Trương Vĩnh Trân (Zhang Yongzhen) và Từ Kiến Quốc (Xu Jianguo), vốn là các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC). Trong đó, ông Từ là trưởng nhóm dự án hoặc là quản lý của bốn thành viên còn lại trong nhóm.
Ông Từ, 69 tuổi, là giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm của CDC, là học giả tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là giám đốc Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Nam Khai. Lý lịch của ông Từ cho biết ông ta đã nhận được 987,820 USD tài trợ từ NSFC cho dự án này.
Là một trong những chuyên gia virus hàng đầu của Trung Quốc, vào đầu năm 2020, ông Từ đã đến Vũ Hán để làm trưởng nhóm. Vào ngày 14/01/2020, ông Từ nói với tạp chí Khoa học của Trung Quốc rằng, “Tất cả 763 người tiếp xúc gần đều không bị nhiễm. Đại dịch không nghiêm trọng và có thể chấm dứt vào tuần tới nếu không có thêm ca nhiễm mới.”
Trên thực tế, từ đầu tháng 01/2020, người dân Vũ Hán bắt đầu tụ tập trong các bệnh viện vì các triệu chứng viêm phổi, nhưng chính quyền đã không chịu thừa nhận rằng virus có thể lây truyền từ người sang người cho đến ngày 20/01/2020. Những thông báo muộn màng đã đánh lừa để người dân đi du lịch và khiến cho virus từ Vũ Hán lan rộng khắp thế giới.
Nữ nhân dơi
Bà Thạch, 56 tuổi, là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu các Bệnh truyền nhiễm Mới nổi thuộc WIV. Năm 2000, bà nhận bằng tiến sĩ về virus học tại Đại học Montpellier II ở Pháp, sau bốn năm theo học tại đây.
Bà Thạch bắt đầu nghiên cứu về virus corona khi Trung Quốc bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào những năm 2002 và 2003.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết virus SARS đã lây truyền từ cầy hương (một loài động vật ăn thịt) sang người ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào tháng 11/2002, và lây lan sang các thành phố khác của Trung Quốc và Hồng Kông, bởi vì chính quyền đã không cho phép người dân bàn luận về bệnh truyền nhiễm này trong hai tháng đầu. SARS cuối cùng đã khiến ít nhất 774 người tử vong và lây nhiễm cho 8,096 người tại 31 quốc gia.
Đài CCTV của Trung Cộng đưa tin vào ngày 29/12/2017 cho biết bà Thạch và nhóm của bà không nghĩ rằng cầy hương là vật chủ tự nhiên của SARS mà chỉ là vật chủ trung gian. Họ bắt đầu nghiên cứu dơi từ các vùng khác nhau của Trung Quốc vào năm 2004.
Vào năm 2011, nhóm của bà Thạch đã phát hiện ra một loại virus giống SARS từ những con dơi sống trong một hang động ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Sau đó, họ đặt tên cho loại virus này là “WIV1” và tiến hành các nghiên cứu sâu hơn. CCTV không báo cáo chi tiết về loại virus này, nhưng cho biết nhóm của bà Thạch đã tiếp tục lấy mẫu từ cùng một hang động trong năm năm.
Kể từ năm 2015, nhóm của bà Thạch đã công bố kết quả thí nghiệm của họ trên các tạp chí quốc tế, bao gồm Virologica Sinica, Nature và Lancet.
Nhiều tuần sau khi Trung Cộng công khai công bố sự bùng phát COVID-19, bà Thạch và nhóm của bà đã công bố một bài viết trên tạp chí Nature, liên kết COVID-19 với loài dơi.
Nhóm của bà Thạch đã phát hiện ra virus corona trong bầy dơi mà họ bắt được từ một mỏ đồng bị bỏ hoang ở thị trấn Thông Quan, huyện Mặc Giang thuộc tỉnh Vân Nam. Các nhà nghiên cứu của WIV đã đến thăm khu mỏ trong vài ngày, ngay cả khi trước đó sáu công nhân làm việc tại đây đã bị nhiễm bệnh.
Vào ngày 15/07/2020, nhà virus học Jonathan Latham cùng nhà sinh học phân tử Allison Wilson đến từ thành phố Ithaca thuộc tiểu bang New York đã đồng công bố một bài viết trên tờ Independent Science News sau khi dịch luận văn thạc sỹ dài 66 trang của ông Lý Húc (Li Xu), một bác sĩ Trung Quốc đã điều trị cho các thợ mỏ và gửi mẫu mô của họ đến WIV để làm thí nghiệm.
Luận văn của ông Lý được đệ trình vào tháng 05/2013. Ông viết rằng sáu thợ mỏ đã dọn phân dơi ra khỏi mỏ vào tháng 04/2012. Sau khi làm việc ở đó 14 ngày, tất cả công nhân này đều cảm thấy mệt mỏi với các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốt cao, ho khan và đau nhức chân tay.
Trường Đại học Y Côn Minh, là trường y học lâm sàng, nơi ông Lý nghiên cứu, đã tiếp nhận và điều trị cho các thợ mỏ này. Cuối cùng, ba trong số những người thợ mỏ đã tử vong. Các mẫu vật của họ đã được gửi đến WIV để tiến hành nghiên cứu thêm.
Do Nicole Hao thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Xem thêm: