Bàn về sự chân thành: Cách đưa ra lời xin lỗi có ý nghĩa
Một lời xin lỗi chân thành sẽ xoa dịu được cả hai bên và xóa bỏ sự khó xử hoặc tổn thương vì những lỗi lầm mà một người đã gây ra. Câu nói “Tôi xin lỗi” hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của câu “Tôi xin lỗi” để biết được tại sao ba từ ngắn gọn này lại có tác dụng tuyệt vời đến như vậy.
Thừa nhận thiếu sót của bản thân
Từ đầu tiên của câu “Tôi xin lỗi” là từ “Tôi”. Có nghĩa là ngay từ đầu bạn nên thừa nhận thiếu sót của mình: “Tôi rất xin lỗi vì…”. Bạn nên tránh xin lỗi bằng cách nói bị động theo kiểu như “sai lầm đã mắc phải” hoặc “mọi thứ đã diễn ra không đúng.” Bạn đừng bao giờ cố gắng nói đùa hoặc phủ nhận những gì mình đã phạm phải và cũng đừng làm nghiêm trọng vấn đề một cách thái quá, những cụm từ như “Tôi thật tồi tệ” chỉ khiến mọi người cảm thấy khó xử hơn.
Cho dù bạn có thiếu sót gì đi nữa thì cũng đừng đổ lỗi cho người khác. Ngoài ra, nếu bạn đã chân thành xin lỗi rồi mà tình hình vẫn còn nghiêm trọng, chẳng hạn như tình huống xảy ra tại nơi làm việc, thì bạn nên kể hết sự tình với người mình muốn xin lỗi.
Bày tỏ sự hối lỗi
Nhà báo và tác giả Mignon McLaughlin đã có câu nói rất hay về điều này: “Sự hối lỗi chân thành không chỉ là về hậu quả mà còn về động cơ.” Đó là về cảm giác bị tổn thương và bạn nên bày tỏ để người kia biết rằng mình cảm thấy rất ân hận khi làm tổn thương họ hoặc khiến họ thất vọng và thực sự mong rằng bạn có thể chuộc lại lỗi lầm đó. Không giống như sự hối tiếc – ví dụ: một hãng hàng không thấy hối tiếc vì đã hủy chuyến bay do thời tiết – sự hối lỗi chân thành thường giúp con người có những thay đổi về hành vi để tránh làm tổn thương những người thân yêu hoặc khiến người quản lý công việc của mình thất vọng trong tương lai.
Tôi sẽ sửa lỗi
Hãy nghĩ về những gì chúng ta dạy con cái của mình. Nếu một đứa trẻ đã làm hỏng đồ chơi của bạn bè, cho dù đó là vô tình hay cố ý thì chúng ta không những bảo con trẻ phải xin lỗi bạn mà còn trừ vào khoản tiền bé được phép chi tiêu để mua một món đồ chơi khác trả lại cho bạn. Chúng ta dạy các con cách bù đắp cho người khác. Tương tự như thế, nếu ai đó bị tổn thương thì chúng ta cũng cần bày tỏ rằng họ được yêu thương. Nếu vấn đề liên quan đến công việc thì chúng ta nên đưa ra giải pháp khả thi hoặc đề nghị làm thêm giờ để xử lý vấn đề. Khi chưa rõ cách khắc phục thì ít nhất bạn cũng nên nói “Xin vui lòng cho tôi biết cần phải làm gì để giải quyết vấn đề này?”
Cách chấp nhận lời xin lỗi
Khi có người trong gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp can đảm đứng ra thừa nhận thiếu sót của họ thì chúng ta đừng nên để việc này kết thúc bằng sự im lặng từ phía mình. Chỉ cần một câu đơn giản “Tôi chấp nhận lời xin lỗi của bạn” là đủ. Mặc dù đó là lỗi nghiêm trọng nhưng bạn vẫn muốn tha thứ thì bạn có thể nói rằng “Tôi đã bị tổn thương, nhưng tôi vẫn tha thứ cho bạn.” Nếu chưa sẵn sàng để tiếp tục mối quan hệ với người đó thì bạn có thể nhắn một số tin có nội dung như “Tôi đã nghe thấy lời xin lỗi của bạn rồi, cảm ơn bạn” hoặc “Tôi chấp nhận lời xin lỗi của bạn, nhưng tôi cần thêm một chút thời gian.”
Trường hợp người phạm lỗi thường xuyên tái phạm thì bạn cũng cần phải xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, bạn không nên tỏ thái độ bực bội hay gay gắt nhưng cần làm rõ sự việc.
Khi nào bạn không nên xin lỗi
Đúng vậy, thực sự có những lúc bạn không nên nói lời “xin lỗi” lịch sự. Đó là khi bạn cần bổ sung thêm thông tin quan trọng vào cuộc trò chuyện. Thay vì nói “Tôi xin lỗi, tôi có thể ngắt lời được không?” thì chúng ta nên nói “Xin phép bạn, tôi có thể ngắt lời một chút được không?”. Nếu bạn đi họp muộn, không nên nói “Xin lỗi, tôi đến muộn” vì nó thể hiện thái độ tiêu cực mà thay vào đó, bạn nên nói “Cảm ơn bạn đã chờ”, điều đó thể hiện rằng bạn hiểu sự kiên nhẫn của những người tham dự khác. Khi bạn thông báo một tin xấu, thông thường mọi người hay nghĩ rằng bắt đầu bằng câu xin lỗi có thể làm dịu nỗi đau của người nghe, nhưng thực tế dường như lại làm cho nỗi đau đó trở nên tồi tệ hơn. Đơn giản bạn chỉ cần báo tin với một giọng bình thường là đủ.
Sandy Lindsey là nhà văn từng đoạt giải thưởng, hay viết về các chủ đề liên quan đến nhà cửa, làm vườn, những dự án DIY (tự làm), vật nuôi và chèo thuyền. Cô đã cho ra đời hai cuốn sách được nhà xuất bản McGraw-Hill phát hành.