Bạn thành công khi bạn nghĩ rằng mình có thể
Sẽ thật là tốt khi chúng ta có thể kiểm soát được những suy nghĩ của mình một cách tỉnh thức, thay vì phải chịu đựng những hệ quả mà chúng mang đến trong khi bản thân không thể kiểm soát được…
Bài viết này thảo luận về những lợi ích chúng ta có được về mặt tinh thần và cảm xúc khi có thể kiểm soát suy nghĩ của mình trước những thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, người ta thường thấy quá khó để kiểm soát suy nghĩ của bản thân hoặc không muốn thực hiện nó khi đang trong hoàn cảnh thử thách.
Thông thường khi đứng trước một thử thách, người ta chỉ tập trung vào mức độ khó khăn mà thử thách gây ra cho họ mà không nghĩ gì đến việc kiểm soát suy nghĩ. Bởi vì mọi người thường cho rằng kiểm soát suy nghĩ chẳng giúp gì cho việc giải quyết thử thách ấy. Vì vậy, người ta không coi kiểm soát suy nghĩ là việc quan trọng và khẳng định rằng có những suy nghĩ không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các suy nghĩ cứ tự nhiên nhảy ra trong đầu, thậm chí luôn phán xét họ trong các vấn đề quan trọng.
Barry Gordon, giáo sư về thần kinh học tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, đã đưa ra nhận định rằng: khó có thể kiểm soát suy nghĩ của bản thân, thậm chí người ta còn không ý thức được chúng. Tuy nhiên, giáo sư cũng cho biết con người vẫn có thể kiểm soát những suy nghĩ mà bản thân nhận thức được bằng cách đặt tâm vào những suy nghĩ ấy, giống như chiếu đèn vào chúng vậy.
Bill Petit, cựu bác sĩ tâm thần của Đại học West Virginia, đã đưa ra một nhận định tương tự: Hãy xem dòng suy nghĩ liên tục của bản thân như một bữa ăn. Bạn có thể tùy chọn một ý nghĩ tích cực đối với mình. Nếu bạn không quan tâm hoặc không chú ý đến những suy nghĩ của bản thân, có thể một ý nghĩ có hại cho bạn sẽ mặc nhiên nổi lên.
Các nhà tâm lý học có uy tín như Martin Seligman và Chris Peterson cũng ủng hộ phát hiện rằng: suy nghĩ tạo ra cảm xúc và những suy nghĩ là nền tảng cho động lực và hiệu suất làm các việc của chúng ta.
Trên thực tế, các lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới về tâm lý tích cực, ý niệm và điều tiết cảm xúc… phần nào đều dựa trên việc chúng ta hiểu rằng: tự giám sát suy nghĩ và tạo ra cảm xúc tích cực… là rất quan trọng.
Việc kiểm soát suy nghĩ cũng không giúp bạn giải quyết các vấn đề như: chi trả các hóa đơn khi bạn thất nghiệp, dừng việc bị tịch thu nhà, hay khiến người thân quá cố của bạn sống lại. Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Susan Folkman, kiểm soát những suy nghĩ tỉnh thức của bản thân sẽ giúp tăng khả năng phục hồi, ứng phó… cũng như giải quyết tốt hơn những khó khăn, thách thức mà bạn đang đối mặt.
Nhà tâm lý học Jeffrey Nevid nhận định rằng:
“Đằng sau mọi trạng thái cảm xúc xáo trộn đều ẩn giấu một suy nghĩ tiêu cực. Mọi người thường nhận thức được cảm xúc của bản thân chứ không chú ý đến những suy nghĩ đã tạo ra chúng. Chúng ta không liên hệ suy nghĩ và cảm xúc với nhau, điều này khiến việc kiểm soát suy nghĩ của chúng ta trở nên khó khăn”.
Ngày nay chúng ta ưu tiên dạy học sinh, sinh viên cách suy nghĩ để phát triển các “kỹ năng cứng” về nghề nghiệp, ví dụ: suy nghĩ như một bác sĩ, kỹ sư, đầu bếp, giáo viên phổ thông, v.v. nhưng lại không ưu tiên dạy cách suy nghĩ để phát triển các “kỹ năng mềm”, hoặc cách suy nghĩ để có thể duy trì sự ổn định cảm xúc.
Chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây, các nhà giáo dục đã thừa nhận rằng các kỹ năng mềm mới là những kỹ năng khó nhất và quan trọng nhất cần phát triển. Giờ đây chúng ta bắt đầu coi tư duy là một kỹ năng cơ bản có thể phát triển thông qua rèn luyện ý niệm.
Trong quá khứ, các nhà hiền triết và triết gia cổ đại cũng đã hướng dẫn con người cách kiểm soát tâm trí của bản thân. Ngày nay, bác sĩ John Kabat-Zinn thuộc Đại học Y Massachusetts đã biên soạn một chương trình giảng dạy hiện đại trên cơ sở nghiên cứu y học của ông qua nhiều thập kỷ.
Khóa học rèn luyện tư duy, ý niệm giúp bạn quản lý căng thẳng và tránh việc tạo ra những cảm xúc không mong muốn. Bạn học cách chú ý đến những suy nghĩ tỉnh thức của mình, duy trì trạng thái không phán xét và chấp nhận những thách thức trong cuộc sống. Việc nắm vững các kỹ năng này đòi hỏi thực hành hàng ngày với các bài tập đơn giản nhưng hiệu quả.
Cho dù con người đã chú ý tới “cuộc cách mạng tư duy, ý niệm” trong những năm gần đây, chủ đề này vẫn chưa thực sự phổ biến rộng rãi. Ngay cả những người đăng ký lớp học tư duy, ý niệm… cũng thường trở nên mau chán và nhiều người không bao giờ hoàn thành khóa luyện tập tám tuần ấy.
Mọi người cho rằng vì họ có thể nghĩ, nên không cần đầu tư thời gian hay tiền bạc để hoàn thiện cách suy nghĩ. Cuộc sống cứ trôi đi, và những người không được rèn luyện này khăng khăng rằng rất khó để kiểm soát được những suy nghĩ của họ. Họ hình thành thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác về cảm giác của họ, mà không nhận ra rằng chính những suy nghĩ không được giám sát của bản thân đã gây ra những cảm giác tiêu cực đó.
Công việc của tôi là đào tạo những người đang tìm việc chán nản và những nhân viên không hài lòng; tôi giúp những người muốn hình thành thói quen suy nghĩ tốt hơn. Tôi không để họ quá bận lòng về suy nghĩ của mình, đặc biệt là khi họ đã có đủ vấn đề trong đầu rồi. Tôi mong giúp họ củng cố quyết tâm và chủ động kiểm soát những suy nghĩ của mình, điều đó sẽ khiến họ thêm phần tự tin.
Những trích dẫn sau đây của hai nhà sáng chế sẽ giúp cuộc sống của chúng ta thoải mái hơn khi biết cách kiểm soát suy nghĩ. Đầu tiên là Henry Ford, ông nói: “Nếu bạn nghĩ bạn có thể làm được một việc gì đó hoặc nghĩ bạn không thể làm được một việc gì đó, thì bạn đều đúng”.
Ford rõ ràng đã hiểu về động lực của con người trước khi các nhà khoa học có thể xác nhận. Như đã thảo luận ở trên, suy nghĩ của bạn không chỉ phản ánh ý định của bạn, chúng còn tạo ra những cảm xúc thúc đẩy bạn thực hiện những ý định đó. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng quá khó để kiểm soát suy nghĩ của bạn, bạn sẽ không thử hay cố gắng thực hiện vì bạn thiếu động lực. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể kiểm soát suy nghĩ của mình, thì nhiều khả năng bạn sẽ có đủ động lực để làm điều đó.
Do đó, cả hai suy nghĩ trên đều đúng và sự lựa chọn là của bạn. Vì lợi ích sức khỏe tinh thần và động lực của bản thân, hãy ngừng suy nghĩ rằng “không thể làm được”, ngừng suy nghĩ về những khó khăn trong việc kiểm soát suy nghĩ của bạn và tập trung vào những điều “có thể làm được” giống như Henry Ford đã tài trợ cho việc phát minh ra máy bay dân dụng lớn.
Liên quan đến sự hoài nghi và thách thức đối với chuyến bay chạy bằng năng lượng, Orville Wright nói: “Nếu chúng ta làm việc với giả định rằng những gì được chấp nhận đúng là thực sự đúng, thì sẽ có rất ít cơ hội để tiến bộ”.
Bạn không nên chấp nhận rằng thách thức tạo ra cảm xúc cho mình, cũng như suy nghĩ của mình quá khó để kiểm soát, những ý tưởng đó vừa không đúng vừa lỗi thời. Với một chút nghiền ngẫm và thực hành, bạn có thể kiểm soát một số suy nghĩ mà mình ý thức được, từ đó sẽ điều chỉnh được cảm xúc mà chúng gây ra. Ít nhất, bạn có thể điều chỉnh một cảm xúc không mong muốn hoặc thay thế nó bằng cách suy nghĩ có chủ ý. Khả năng bẩm sinh này thực sự là một món quà và nên được sử dụng.
Hai nhà phát minh tiên phong này đã thành công vì họ đã không cho phép những thách thức điều khiển suy nghĩ hoặc làm suy yếu quyết tâm của họ. Thay vào đó, họ đã chinh phục những thử thách bằng cách kiểm soát những suy nghĩ có ý thức của mình, và họ đã không thèm để tâm vào những khó khăn khi làm việc này.
Vì bạn có khả năng kiểm soát những gì bạn nói với người khác, để không làm mất lòng họ, bạn cũng có thể kiểm soát những suy nghĩ có ý thức của mình khi nói với chính mình. Và mặc dù điều này đôi khi có thể khó khăn, nhưng ít nhất bạn cũng biết bạn có thể và có lợi khi làm nó. Làm như vậy không chỉ là một cơ hội, các nhà tâm lý học sức khỏe khuyến nghị rằng chúng ta hãy coi việc kiểm soát suy nghĩ là trách nhiệm của bản thân.
Nguyễn Minh (biên dịch)
Quý vị xem bản gốc tại The Epoch Times