Bạn quá vội vàng? 4 cách để sống chậm lại
Bạn đang nhận thấy lối sống vội vàng khiến chất lượng cuộc sống giảm sút và đang muốn thay đổi? Dưới đây là 4 cách giúp bạn sống chậm lại để có thể tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.
Trong cuộc đời luôn có những lúc bạn cần phải vội vàng. [Chẳng hạn như] khi con bạn kêu cứu, nhà của bạn bị cháy, bạn đang tham gia một cuộc đua, hoặc khi máy bay của bạn sắp khởi hành sau 7 phút nữa mà bạn thì vừa mới đến nơi làm thủ tục. Trong những trường hợp đó, bạn chắc chắn nên gấp rút lên.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi cuộc sống quá bộn bề khiến bạn luôn gấp gáp mọi lúc mọi nơi? Khi bạn cảm thấy mình khó có thể tìm được thời gian để hoàn thành công việc, trách nhiệm, yêu cầu, cũng như những việc cần làm trong khoảng thời gian hữu hạn của một ngày, thì bạn làm việc một cách nhanh chóng và qua loa.
Bạn lướt nhanh qua ứng dụng aisle nine tại tiệm tạp hóa, dọn dẹp nhà bếp một cách mau lẹ, và gõ email thần tốc đến mức số chữ của bạn nhiều gấp đôi. Bạn đảo qua một bữa trưa nhanh gọn cho các con mình, nhấp từng ngụm cà phê mỗi khi đi lướt qua chiếc tách, và nói như gió cuốn trong [những] cuộc trò chuyện. Bạn hối hả ở đây rồi hối hả ở kia. Tối đến, bạn lại vội vàng thu dọn mọi thứ để có thể nhanh chóng lên giường. [Bạn nghĩ mình cần] phải nghỉ ngơi một chút để có thể thức dậy và chuẩn bị cho một ngày vội vã vào hôm sau.
Nếu bạn thường xuyên gấp gáp như vậy mỗi ngày, thì bạn có nhận thấy rằng sự vội vàng của bản thân mình đơn thuần là do thói quen không?
Cái giá phải trả của vội vàng
Tất cả chúng ta đều quý tiếc và muốn tận dụng tối đa quỹ thời gian của mình. Tuy nhiên, việc hối hả lướt qua từng khoảnh khắc cuộc sống lại hoàn toàn phản tác dụng.
Khi vội vàng, chủ tâm của bạn thường là ích kỷ. Bạn muốn hoàn thành mọi việc, và khi muốn làm mau lẹ cho xong, bạn bỏ qua sự dụng tâm, chú ý và chất lượng. Bạn chắc chắn đang làm tăng nguy cơ mắc lỗi, cũng như tạo ra kết quả kém chất lượng. Nếu những người khác cùng thực hiện công việc với bạn, mà thường thì là vậy, bạn sẽ tạo cho họ ấn tượng rằng bạn là người vô tâm và bất cẩn.
Có lẽ bạn cũng không thích việc bản thân mình luôn ở trong trạng thái gấp gáp như vậy. Sự tất bật từ lúc này sang lúc khác khiến bạn ít cảm nhận được sự tự nhiên, gắn kết, niềm vui, sự bình yên, hay thú vị. Giá trị cuộc sống của bạn không tương đương với số công việc bạn đã hoàn thành.
Vào cuối mỗi ngày, nếu bạn cố gắng nhớ lại những sự kiện nổi bật, hay thậm chí là những điều cơ bản mình đã làm trong ngày hôm đó, thì bạn có thể thấy được giá trị của việc sống chậm lại, thay vì hối hả vội vã.
Dưới đây là một số ý tưởng để phá vỡ thói quen sống gấp và khiến cuộc sống của bạn chậm rãi lại.
Sắp xếp lại lịch làm việc của bạn
Hãy mở lịch làm việc của bạn ra và để ý đến những việc bạn đã làm theo cảm tính, cũng như những gì đã diễn ra lúc đó. Nếu [phản ứng của bạn là] bụng quặn lên hoặc cảm thấy lo sợ, thì đã đến lúc cần thực hiện một số thay đổi. Hãy cân nhắc lại các cam kết, lịch sự hủy bỏ các kế hoạch. Chỉ nên để lại những điều quan trọng hoặc ý nghĩa nhất trên bảng làm việc của bạn.
Giảm thiểu số việc cần làm mỗi ngày
Tiếp theo, hãy xem xét những công việc bạn cố gắng hoàn thành mỗi ngày. Giống như đa số mọi người, bạn có quá nhiều việc cần làm. Mỗi ngày, hãy chọn 1 nhiệm vụ quan trọng nhất để hoàn thành. Danh sách làm việc trong ngày của bạn chỉ nên có 3 nhiệm vụ. Khi những công việc đó được hoàn thành mỗi ngày, bạn sẽ cảm thấy được giải thoát và tự do!
Xác định các ưu tiên của bạn
Bây giờ, sau khi đã dọn dẹp được một chút mớ hỗn độn, hãy dừng lại và suy ngẫm về các lĩnh vực ưu tiên trong cuộc sống của bạn. Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn? Bạn muốn dành thời gian và sự quan tâm cho những khía cạnh nào? Gia đình, các mối quan hệ, sự nghiệp, quê nhà, và hành trình tâm linh? Đây là những điều mà lịch làm việc và danh sách những việc cần làm của bạn nên có để phát huy tác dụng trợ giúp và đối chiếu.
Thực hành chánh niệm
Cuối cùng, với mỗi ngày bạn trải qua, chỉ cần cố gắng trở nên chậm rãi hơn và chú tâm đến những gì bạn đang làm một cách rõ ràng hơn.
Nếu bạn đang rửa chén, hãy tập trung vào việc rửa chén. Trân trọng và cảm nhận dòng nước nóng đang chảy mà bạn may mắn được có, cũng như mùi thơm dễ chịu của xà phòng và những bong bóng xà phòng đang giúp làm sạch chén dĩa cho bạn và gia đình. [Khi chén dĩa được rửa xong] bạn hãy xếp chúng ngay ngắn trên khay úp chén. Sau đó cẩn thận làm khô và đặt chúng về đúng vị trí. Hãy trân quý bữa ăn mà bạn đang dọn dẹp, cũng như những món ăn mà bạn được thưởng thức. Việc rửa chén đơn giản, nhàm chán có thể là một hành động thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.
Hãy tưởng tượng bạn có thể thực hiện bao nhiêu công việc khác với tư duy này, cuộc sống sẽ trở nên khác biệt ra sao, và thái độ bình tĩnh hơn của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường và những người xung quanh bạn như thế nào.
Cuộc sống không phải là đích đến nào đó mà bạn phải gấp gáp tiến tới. Cuộc sống chính là những phút giây hiện tại. Chính là ngay bây giờ đây. Hãy sống chậm lại để bạn không bỏ lỡ nó.
Barbara Danza là một bà mẹ hai con, có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô thường đi sâu vào những thách thức và cơ hội nuôi dạy con cái trong thời hiện đại. Đặc biệt là những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục trong gia đình, sự nhận thức mới về sự đơn thuần của trẻ nhỏ, lợi ích của việc du lịch gia đình và tầm quan trọng của lối sống gia đình trong xã hội ngày nay.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: