Bản chất con người và những tấm chi phiếu từ chính phủ
Sách và báo—khoa học cũng như thần học—đã viết về bản chất của con người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không hiểu nó, hoặc từ chối học hỏi từ nó, hoặc tệ hơn, thuận theo mặt tối của nó.
Một số chính trị gia lợi dụng mặt tối trong bản chất của con người vì nó tiếp thêm sức mạnh cho họ và giúp họ thăng tiến với chi phí từ tiền thuế của người dân. Họ chẳng bao giờ phải giải quyết một vấn đề; họ chỉ phải tỏ ra quan tâm đến một vấn đề. Nghi ngờ tôi ư? Thế thì tại sao sau nhiều năm với những phát ngôn, xây dựng luật pháp, nghiên cứu rồi chi tiêu ngân sách mà lại có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết?
Tờ Wall Street Journal đã đưa tin về việc một số tiểu bang đã ngừng hoặc sẽ sớm ngừng gửi chi phiếu trợ cấp thất nghiệp. Điều này dẫn đến kết quả là nhiều người đã từng nhận tiền của người khác nay phải đi kiếm việc hoặc quay trở lại làm việc. Ai đã biết nhỉ?
Điều này khiến tôi nhớ đến dự luật cải cách phúc lợi do Tổng thống Bill Clinton và Diễn giả Newt Gingrich đưa ra cách đây 25 năm. Khi đó, một số nhà chỉ trích cho rằng biện pháp này sẽ khiến người dân chết đói trên đường phố. Điều này đã không xảy ra. Hầu hết mọi người đều tìm được việc làm khi họ nhận ra rằng những tấm chi phiếu của chính phủ sẽ không còn nữa.
Ở khắp mọi nơi đều có biển báo “hiện đang tuyển dụng.” Một số cửa hàng và công ty đang khuyến khích nhân viên quay trở lại làm việc, bao gồm thưởng tiền mặt và các thiết bị điện tử. Điều này khiến người ta tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với điều từng được gọi là “đạo đức lao động” khi lao động được coi là cao quý và có một việc làm nuôi sống bản thân và gia đình là một biểu hiện của nhân cách tốt.
Trong khi các trường hợp nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm một cách đáng mừng, các báo cáo cho thấy nhiều người đã từ chối đi làm trở lại, vì đối với một số người trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác của chính phủ cao hơn mức lương trước đây của họ. Đó là bản chất của con người.
Như tờ Wall Street Journal đã lưu ý, “Hỗ trợ đại dịch của liên bang đã nâng các khoản chi trả cho thất nghiệp lên 300 USD một người mỗi tuần và kéo dài các khoản thanh toán đó lên đến 18 tháng, lâu hơn nhiều so với khoảng 26 tuần thông thường.”
Tạp chí Forbes đã tính toán rằng các khoản trợ cấp thất nghiệp bao gồm của cả tiểu bang và liên bang dao động từ giữa 500 USD một tuần đến gần 800 USD mỗi tuần, tùy thuộc vào từng tiểu bang. Con số đó nhiều hơn so với số tiền mà một số người kiếm được nhờ làm việc. Được trả tiền để không làm việc có thể gây nghiện.
Kèm theo đó là sự miễn cưỡng quay trở lại làm việc, là một sự phản ánh khác về mặt tối của bản chất con người. Đó là sự lười biếng, được định nghĩa là: “không thích lao động hoặc không thích nỗ lực; biếng nhác; không làm gì.” Đành rằng, không phải tất cả những người miễn cưỡng trở lại làm việc đều nhất thiết phải là những người lười biếng—ít nhất là trong khi chi phiếu tiếp tục được gửi đến—nhưng nhiều người dường như là vậy và đó là một điều kiện không tốt nếu muốn tạo động lực cho một cá nhân và một quốc gia.
Tôi nghĩ một phần của điều này cũng liên quan đến những cuộc tấn công không có hồi kết của phe Cánh tả vào “những người giàu có” và thành công. Quan niệm cho rằng một người được hưởng những thứ nhất định mà không cần phải làm việc để đạt được nó, cùng với sự đố kỵ với những người đã giúp cho đạo đức lao động trở nên hữu hiệu đối với họ, cũng là một tính cách xấu, bởi vì nó làm suy giảm sự trân trọng đối với những thành công và lại cổ súy cho những thất bại.
Những gì chúng ta khuyến khích sẽ là những thứ mà chúng ta nhận được nhiều hơn, và những gì mà chúng ta lên án sẽ là những thứ chúng ta nhận được ít hơn. Khi lên án sự giàu có và thành công, chúng ta có thể sẽ có ít hơn những người nỗ lực để có được những thứ giúp cải thiện cuộc sống của chính họ và cuộc sống của người khác. Điều đó cũng phản ánh mặt tối trong bản chất con người.
Chúng ta không thể nói rằng chúng ta đã không được nhắn nhủ từ sự thông thái của cổ nhân, bao gồm lời khuyên này: “Bàn tay lười biếng làm cho nghèo đói, nhưng bàn tay siêng năng đem lại sự giàu có.” (Châm ngôn 10:4).
Tác giả John Calvin Thomas là một ký giả, tác giả và nhà phát thanh bình luận trong hơn 35 năm. Cuốn sách mới nhất của ông là “America’s Expiration Date: The Fall of Empires and Superpowers and the Future of the United States.”
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Calvin Thomas thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: