Bạn bị bệnh động mạch chi dưới? Hãy đi bộ với cường độ cao
Một nghiên cứu mới cho thấy cụm từ “không đau, không có lợi” có thể thực sự áp dụng cho những người bị bệnh động mạch ngoại vi (PAD).
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị PAD đi bộ với tốc độ gây khó chịu hoặc thậm chí đau đớn đã cải thiện khả năng đi bộ của họ.
Tác giả cao cấp, Tiến sĩ Mary McDermott, giáo sư tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở Chicago, cho biết: “Bài tập làm đau chân rất hữu ích, mặc dù đầy thách thức.”
Bà nói: “Hiện chúng tôi đang làm việc để xác định các giải pháp can thiệp có thể làm cho bài tập cường độ cao dễ dàng hơn nhưng vẫn có lợi cho những người bị PAD.”
PAD xảy ra khi các động mạch vận chuyển máu từ tim đi khắp cơ thể bị thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu và oxy [đến các cơ quan]. Căn bệnh này có thể gây chuột rút, suy nhược, mệt mỏi, đau nhức chân và bàn chân khi đi bộ. Các triệu chứng sẽ giảm dần sau khoảng 10 phút nghỉ ngơi.
Mặc dù các nhà nghiên cứu biết rằng đi bộ trên máy chạy bộ giúp cải thiện mức độ và khoảng cách đi bộ của người bị PAD, nhưng họ không biết tốc độ sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào.
Nghiên cứu mới được công bố ngày 27/07 trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bao gồm 264 người bị PAD được phân ngẫu nhiên vào một trong ba nhóm. Họ là những người tham gia thử nghiệm “Can thiệp bằng bài tập cường độ thấp ở người bệnh PAD (LITE)” bao gồm 305 người tại bốn trường đại học Hoa Kỳ.
Trong 12 tháng, nhóm đầu tiên đi bộ ở nhà với tốc độ thoải mái. Nhóm thứ hai đi bộ với tốc độ gây ra các triệu chứng [đau đớn] ở chân. Nhóm thứ ba không đi bộ. Các nhóm tập thể dục đeo một thiết bị để theo dõi cường độ và thời gian đi bộ.
Mỗi người tham gia tập thể dục có một ngưỡng cường độ cao hoặc thấp. Bệnh nhân đã tải dữ liệu về tần suất, cường độ và thời lượng tập thể dục lên một trang web nghiên cứu.
Những người tham gia đã hoàn thành các bài kiểm tra chức năng chi dưới vào thời điểm ban đầu và một lần nữa sau 6 và 12 tháng. Các bài kiểm tra đo tốc độ đi bộ thường và nhanh nhất có thể của những người tham gia trong khoảng cách 13 feet (3,96m). Họ cũng đã hoàn thành một bài kiểm tra hoạt động thể chất ngắn bao gồm đi bộ với tốc độ ưa thích, kiểm tra thăng bằng khi đứng và nâng ghế.
Những người tham gia nhóm đi bộ nhanh có thể đi với tốc độ nhanh hơn 11 feet/phút (3,35m/phút) sau 6 tháng và nhanh hơn 16 feet/phút (4,88m/phút) sau 12 tháng so với những người đi bộ với cường độ thấp. Họ đi nhanh hơn gần 13 feet/phút (3,96m/phút) so với những người không đi bộ sau sáu tháng. Sự gia tăng này không có ý nghĩa thống kê ở thời điểm sau một năm.
Nghiên cứu cũng cho thấy, sau 12 tháng, những người đi bộ bị đau hoặc khó chịu ở chân có tổng điểm cao hơn gần một điểm trong ba bài kiểm tra chức năng chi dưới so với những người đi bộ với tốc độ thoải mái mà không bị đau chân.
Những người đi bộ với tốc độ thoải mái không cải thiện tốc độ đi bộ trong sáu hoặc 12 tháng so với những người không đi bộ.
McDermott cho biết trong một bản tin trên một tạp chí: “Chúng tôi rất ngạc nhiên với kết quả này vì đi bộ với tốc độ gây đau chân ở những người bị PAD được cho là có liên quan đến tổn thương cơ chi dưới.”
Bà nói: “Dựa trên những kết quả này, các bác sĩ nên khuyên bệnh nhân đi bộ với tốc độ gây khó chịu ở chân, thay vì tốc độ thoải mái không gây đau.”
Tuổi trung bình của những người tham gia là 69.
Tại Mỹ, có khoảng 9 – 10 triệu mắc chứng PAD, trong đó người Da đen, người Mỹ da đỏ và người nghèo bị ảnh hưởng một cách không tương xứng. Khoảng 150,000 người mỗi năm phải cắt cụt chi vì tình trạng này.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ cần được xác nhận trong các nghiên cứu trong tương lai và kết quả từ việc đi bộ tại nhà có thể khác với kết quả đi bộ trên máy chạy bộ dưới sự giám sát chuyên nghiệp.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và 24 cộng tác viên đã khởi động Kế hoạch Hành động Quốc gia PAD vào tháng 05, nhằm giúp ngăn ngừa các biến chứng của PAD, giải quyết các nguy cơ về sức khỏe tim mạch và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh.
NGUỒN: Bản tin ngày 27/07/2022 trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ có nhiều thông tin hơn về bệnh động mạch ngoại vi.