BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Tại sao Bộ trưởng Canada Steven Guilbeault lại liên quan tới một tổ chức của chính quyền Trung Quốc
Với việc ông Steven Guilbeault sắp trở thành bộ trưởng nội các Canada đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018, công chúng đặt ra những câu hỏi về vai trò của ông trong một cơ quan môi trường của chính quyền Trung Quốc.
Từ ngày 26 đến ngày 31/08, ông Guilbeault, Bộ trưởng đặc trách Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, sẽ đến Trung Quốc để tham gia cuộc họp chung thường niên của Hội đồng Hợp tác Quốc tế về Môi trường và Phát triển Trung Quốc (CCICED).
Năm 1992, CCICED được thành lập với sự giúp đỡ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada thời đó với sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc.
Theo điều lệ của CCICED, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc chịu trách nhiệm “cung cấp hướng dẫn cho các hoạt động, thực hiện, và quản trị hàng ngày của cơ quan này.”
Một biên bản ghi nhớ năm 2017 giữa Canada và Trung Quốc về vai trò của cả hai quốc gia bên trong CCICED, bao gồm cả tài chính, cho biết Canada là nhà tài trợ quốc tế hàng đầu cho cơ quan này.
Chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm hầu hết các vị trí lãnh đạo của CCICED, còn đối tác tài trợ chính có thể bổ nhiệm phó chủ tịch điều hành quốc tế. Sự hiện diện của ông Guilbeault trong ủy ban điều hành là phù hợp với thỏa thuận này. Trước đó, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Jonathan Wilkinson, lúc đó phụ trách danh mục đầu tư về môi trường, đã đảm nhận vị trí này trong CCICED.
Ông Guilbeault là quan chức chính phủ ngoại quốc duy nhất trong ủy ban này và là một trong năm thành viên không phải người Trung Quốc (trong đó có hai người là quan chức Liên Hiệp Quốc).
Ban lãnh đạo cao nhất bao gồm các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do Phó Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) làm chủ tịch. Bộ trưởng Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu (Huang Runqiu) làm phó chủ tịch điều hành.
Ca ngợi ông Tập
CCICED không ngại công khai về việc thay mặt cho các lợi ích của Bắc Kinh, và đã ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong các thông tin liên lạc của cơ quan này.
Một bài đăng hồi tháng Một trên trang web của tổ chức này cho biết, “Trong báo cáo của Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tóm tắt một cách toàn diện và có hệ thống những thành tựu lớn và những thay đổi lớn nổi tiếng thế giới trong việc xây dựng nền văn minh sinh thái trong kỷ nguyên mới.”
Bài đăng cho biết thêm rằng ông Tập “đã giải thích sâu sắc rằng sự tồn tại hài hòa giữa con người và thiên nhiên là một đặc điểm quan trọng của quá trình hiện đại hóa mang bản sắc Trung Quốc, đồng thời thực hiện một bước khai triển chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển xanh và thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên.”
Trong năm nay, trương mục WeChat chính thức của CCICED đã đăng một bài báo của cơ quan ngôn luận thuộc sở hữu nhà nước Nhân dân Nhật báo, trong đó dẫn lời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) cho biết khi đề cập đến vấn đề Đài Loan, cần phải kiên quyết phản đối độc lập và thay vào đó phải thúc đẩy thống nhất. Bắc Kinh không công nhận nền độc lập của Đài Loan và thường gây áp lực buộc các quốc gia khác xem Đài Loan là thuộc thẩm quyền hợp pháp của chính quyền Bắc Kinh.
Phiên bản Hoa ngữ của trang web CCICED cũng cho biết cơ quan này tập trung vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, một nỗ lực to lớn nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng để giúp Trung Quốc có sự hiện diện tại các địa điểm chiến lược.
Một báo cáo tóm tắt được chuẩn bị cho Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Canada hồi năm 2022 cho biết có “rất nhiều lo ngại” “đã được nêu ra về việc liệu BRI có tuân thủ các nguyên tắc, quy tắc, và chuẩn mực đã được thiết lập về phát triển quốc tế xung quanh các vấn đề nhân quyền, tính bền vững tài chính, và bảo vệ môi trường hay không.”
The Epoch Times đã hỏi văn phòng của ông Guilbeault rằng liệu vai trò của ông với tư cách là giám đốc điều hành cao cấp của tổ chức này có đồng nghĩa với việc ông tham gia vào những tuyên bố như vậy của tổ chức này hay không. Văn phòng của ông không trực tiếp trả lời câu hỏi, nhưng cho biết chính phủ tiền nhiệm của Đảng Bảo Thủ “gần như đã đóng góp một lượng tương đương cho diễn đàn này.”
Văn phòng của ông cũng tuyên bố rằng tổ chức này là “một diễn đàn quốc tế độc lập, tương tự như các diễn đàn do Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu thành lập,” nhưng không giải thích được tại sao diễn đàn này lại nằm dưới sự lãnh đạo của các quan chức cao cấp của ĐCSTQ, đồng thời quảng bá thông điệp và chính sách chính thức của nhà cầm quyền này.
Việc ông Guilbeault vẫn là thành viên của tổ chức này và chuyến đi sắp tới của ông diễn ra vào một thời điểm mà Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường thù địch với Canada.
Tuần này (14-20/08), Trung Quốc đã loại Canada ra khỏi danh sách các điểm đến du lịch được chấp thuận cho các nhóm du lịch. Trong những năm gần đây, các phi cơ Trung Quốc cũng đã nhiều lần bay áp sát các phi cơ và chiến hạm hải quân Canada ở khu vực Châu Á–Thái Bình Dương.
Năm 2018, Trung Quốc đã bỏ tù hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor hơn 1,000 ngày để trả đũa vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) ở Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ, hơn nữa nước này còn chặn nông sản nhập cảng từ Canada.
Ngoài ra, các vụ rò rỉ thông tin tình báo gần đây cho thấy Bắc Kinh đã thực hiện những nỗ lực sâu rộng nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Canada và các khía cạnh khác của xã hội Canada.
Kinh phí tài trợ
Theo báo cáo tóm tắt năm 2022 gửi cho bộ trưởng bộ phát triển quốc tế, Canada cung cấp 1.6 triệu USD cho CCICED mỗi năm với ngân quỹ được phân bổ cho đến năm 2027. Báo cáo cho biết Canada và Trung Quốc cung cấp khoảng ⅔ số tiền tài trợ, phần còn lại là do các đối tác khác bao gồm Liên minh Âu Châu, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, và Na Uy cung cấp.
Năm 2013, Canada đã chấm dứt chương trình viện trợ song phương của mình cho Trung Quốc, nhưng vẫn tiếp tục tài trợ cho các sáng kiến nhỏ hơn như CCICED và các chương trình khác do đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh quản lý.
Trong giai đoạn 2020–2021, Canada đã cung cấp tổng cộng 7.23 triệu USD viện trợ quốc tế cho Trung Quốc. The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Sự vụ Toàn cầu Canada về các số liệu cập nhật nhưng chưa nhận được phản hồi ngay lúc này.
Chuyến thăm
Văn phòng của ông Guilbeault cho biết chuyến thăm Trung Quốc của ông phù hợp với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố hồi năm ngoái (2022) của Canada. Chiến lược này công nhận hành vi gây rối của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhưng tìm cách thu hút nước này trong các vấn đề kinh tế và môi trường.
Văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi sẽ thách thức Trung Quốc khi chúng tôi phải làm như vậy, và hợp tác với Trung Quốc khi chúng tôi phải làm. Hành động bảo vệ môi trường là một điều bắt buộc.”
Ông Guilbeault cũng nói trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Pháp với Radio-Canada rằng chuyến đi có thể là cơ hội để hàn gắn lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm công chúng Canada nhận thức rõ hơn về sự can thiệp của Trung Quốc vào nền dân chủ của họ, nhưng ông Guilbeault nói với Radio-Canada rằng ông hy vọng việc Trung Quốc trải qua một mùa thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến nước này sẵn lòng hơn trong việc tham gia vào vấn đề biến đổi khí hậu.
Những lời chỉ trích
Đảng Bảo Thủ đã kêu gọi ông Guilbeault từ chức khỏi vị trí trong CCICED và ngừng để tiền tài trợ của Canada chảy vào “tổ chức do cộng sản lãnh đạo” này.
“Canada không nên cho tổ chức này mượn uy tín của mình,” Đảng Bảo Thủ cho biết trong một tuyên bố hôm 17/08. “Đối với ông Đinh [Tiết Tường] và CCICED, lợi ích của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh được đặt lên hàng đầu.”
Điều lệ của CCICED nêu rõ rằng cơ quan này hoạt động để hoàn thành các mục tiêu chính trị của ĐCSTQ, chẳng hạn như trợ giúp các kế hoạch năm năm của đảng này.
Đảng Bảo Thủ cho biết thêm Đảng Tự Do “thường xuyên” quảng bá cho người dân Canada và các đồng minh dân chủ về tác động của khí hậu đối với cuộc sống thường nhật. “Vì điều này, chúng tôi hoàn toàn mong đợi Bộ trưởng Guilbeault sẽ lên tiếng về sự mở rộng dường như không tiết chế của Bắc Kinh trong việc sản xuất điện than.”
Tuyên bố cũng lưu ý về rạn nứt gần đây ở Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu (AIIB), với việc Canada tạm dừng tham gia sau khi một quan chức Canada từ chức cho biết ngân hàng này là công cụ của ĐCSTQ.
Tuyên bố này viết, “Chính phủ của ông Justin Trudeau vẫn chưa học được bất kỳ bài học nào.”
Một số người cũng bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc sử dụng phong trào xanh để đạt được lợi ích chính trị.
Nhà phân tích Trung Quốc Filip Jirouš viết cho Quỹ Jamestown, “Khi thế giới đón nhận các sáng kiến xanh ở quy mô chưa từng có, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — có lẽ đáng ngạc nhiên — cũng đón nhận phong trào xanh, nhưng chủ yếu làm như vậy để trợ giúp cho các mục tiêu chính trị của riêng mình.”
Ông nói thêm rằng “nhiều” cố vấn và thành viên hội đồng của CCICED “có kinh nghiệm trong các hoạt động gây ảnh hưởng.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times