BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Cuộc bầu cử năm 2024 sẽ trở nên đắt đỏ nhất với các PAC lớn, tiền mờ ám, và ‘nhân tố Trump’
Các chuyên gia thảo luận về cách chi tiêu của các ủy ban hành động chính trị (PAC) lớn, tiền mờ ám, và ‘nhân tố Trump’ có thể khiến năm 2024 trở thành kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Chỉ còn hơn một năm nữa là kỳ bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ đến thời điểm kết thúc. Trong khi đó, một số chuyên gia dự đoán rằng sự kết hợp giữa chi tiêu các ủy ban hành động chính trị (PAC) lớn, các khoản quyên góp có nguồn gốc từ tiền mờ ám, và cái gọi là “nhân tố Trump” sẽ khiến năm 2024 trở thành kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Theo như tình hình hiện tại, cuộc thăm dò hiện nay cho thấy ứng cử viên Đảng Cộng Hòa có khả năng sẽ đối đầu với Tổng thống (TT) đương nhiệm Joe Biden vào năm 2024 là cựu TT Donald Trump.
Ủy ban hành động chính trị (PAC) lớn nhất ủng hộ TT Joe Biden là Priorities USA.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), Priorities USA đã kêu gọi quyên góp được 533,465 USD kể từ tháng Một.
PAC liên kết với ủy ban này, Priorities USA Action, có tổng đóng góp thu về là 1,001,803 USD từ tháng Một đến tháng Sáu.
Priorities USA Action cũng kêu gọi được hàng triệu USD từ các PAC rất lớn khác của Đảng Dân Chủ như ActBlue. ActBlue đã thu về tổng số tiền đóng góp là 312,174,821 USD từ tháng Một đến tháng Sáu.
Một PAC khác ủng hộ ông Biden, Future Forward PAC, đã công bố tổng quyên góp thu về là 67,163 USD trong cùng thời kỳ. Tổ chức Future Forward USA Action đã nhận được 55,798 USD.
Cựu TT Trump dựa nhiều hơn vào các khoản quyên góp mà các tổ chức của ông thu thập được từ các nhà tài trợ cá nhân hơn là trở nên phụ thuộc vào các PAC bên ngoài.
Một trong số các PAC ủng hộ cựu TT Trump là ủy ban hành động chính trị của chính ông ấy — PAC Cứu Lấy Hoa Kỳ (Save America PAC). Dữ liệu của FEC cho thấy PAC này đã thu về 53,869,268 USD từ các khoản đóng góp cá nhân kể từ ngày 01/01 đến ngày 03/06. Trong đó, 2,233,831 USD đã được giải ngân cho PAC Cứu Lấy Hoa Kỳ, và 29,235,083 USD khác đã được trao cho PAC mang tên Bầu Ông Donald J. Trump Làm Tổng Thống Vào Năm 2024 (Donald J. Trump for President 2024 PAC).
PAC Bầu Ông Donald J. Trump Làm Tổng Thống Vào Năm 2024 đã nhận được tổng cộng là 32,164,175 USD trong giai đoạn này.
Hôm 04/10, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã tự hào thông báo về số tiền quyên góp thu về “hơn 45.5 triệu USD trong quý 3 với hơn 37.5 triệu USD tiền mặt trong tay.”
Câu hỏi vẫn còn đọng lại là: Chi tiêu của PAC sẽ có tác động như thế nào đến kết quả của cuộc bầu cử?
‘Tại sao họ lại làm điều này?’
Một phân tích về các tiết lộ cuối năm của OpenSecrets, được đệ trình lên FEC và công bố vào ngày 07/02, cho thấy cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 tiêu tốn hơn 8.9 tỷ USD, vượt qua con số 6.7 tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát mà các PAC đã chi trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018.
Trong kỳ bầu cử năm 2021-2022, OpenSecrets cho biết 2,476 PAC lớn đã kêu gọi được 2.7 tỷ USD và chi 1.4 tỷ USD.
Các PAC theo phái bảo tồn truyền thống đã chi nhiều hơn đáng kể so với các PAC thiên tả, với chi tiêu tương ứng của mỗi bên lần lượt là 832,350,737 USD và 468,316,299 USD.
Mặc dù chi tiêu của các PAC đã tăng lên đáng kể trong vài kỳ bầu cử vừa qua, nhưng bà Sarah Bryner cho biết việc các PAC bỏ ra các khoản chi tiêu lớn không phải lúc nào cũng mang lại chiến thắng cho các ứng cử viên chính trị mà họ đã chọn.
Bà Bryner là giám đốc nghiên cứu và chiến lược của OpenSecrets. Bà có nhiều kinh nghiệm trong quản lý cơ sở dữ liệu, nghiên cứu thực nghiệm, mô hình thống kê, và phân tích khảo sát, cũng như kiến thức sâu rộng về vận động hành lang và chính sách tài chính cho chiến dịch tranh cử.
OpenSecrets là một tổ chức bất vụ lợi, độc lập, phi đảng phái, đóng vai trò là “nhóm nghiên cứu hàng đầu của quốc gia, chuyên theo dõi nguồn tài chính trong nền chính trị Hoa Kỳ và ảnh hưởng của ngân quỹ đó đối với các cuộc bầu cử và chính sách công.”
“Chúng tôi giả định rằng nếu quý vị càng chi tiêu nhiều thì quý vị càng có nhiều khả năng đạt được kết quả như mong đợi. Nhưng thực tế thì không phải vậy,” bà Bryner nói với The Epoch Times. “Quý vị chỉ cần nhìn vào ông Mike Bloomberg để biết điều đó không phải như vậy bởi vì ông ấy đã chi một tỷ USD và về căn bản số tiền đó chẳng tạo ra sự khác biệt nào.”
Ông Mike Bloomberg, một tỷ phú đã tự mình lập nên cơ nghiệp và là cựu thị trưởng thành phố New York, đã chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2020 vào ngày 24/11/2019. Bốn tháng sau, vào ngày 24/03/2020, ông đột ngột đình chỉ chiến dịch tranh cử của mình. Theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang ngày 20/04/2020, chiến dịch thất bại đó đã khiến ông thiệt hại hơn 1 tỷ USD.
Với hàng tỷ USD được chi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, đổi lại Đảng Dân Chủ chỉ giành được một ghế trong Thượng viện Hoa Kỳ và Đảng Cộng Hòa hầu như chỉ vừa đủ xoay xở giành được đa số với chênh lệch năm thành viên trong Hạ viện.
Khi quý vị nhìn vào chi tiêu của các PAC vào năm 2022 và những gì thực sự đã đạt được trong các cuộc đua vào Quốc hội, bà Bryner cho biết một số người có thể hỏi: “Tại sao họ lại làm điều này?”
“Sẽ là ngây thơ khi nói rằng những người này chỉ là những người giàu có tiêu tiền của họ,” bà cho biết. “Họ làm như vậy là có lý do.”
‘Ảnh hưởng’ của PAC
Bà Bryner đề cập đến một trong những lý do PAC chi tiêu như vậy, đó tất nhiên là để bầu ra những ứng cử viên ủng hộ các mục tiêu chính sách của PAC và những người này sẽ vận động xây dựng luật để tạo thuận lợi cho các mục tiêu đó.
“Ở Hoa Kỳ, chúng ta có đa số mỏng trong cả lưỡng viện Quốc hội và chức vụ tổng thống có thể thay đổi trong khoảng thời gian ngắn, như chúng ta đã chứng kiến,” bà Bryner lưu ý. “Vì vậy, ngay cả khi mọi chuyện không rõ ràng kiểu như ‘Tôi tiêu nhiều tiền hơn và đạt được kết quả như mong muốn’, thì việc chi tiêu đó có thể có ảnh hưởng, ngay cả khi đó chỉ là một ghế đa số trong Thượng viện, và điều đó đã tạo ra sự khác biệt cho Đảng Dân Chủ nắm giữ Thượng viện.”
Ngoài nỗ lực bầu chọn các ứng cử viên ưa thích, PAC còn chi hàng tỷ USD để tác động đến cuộc tranh luận của công chúng về các chủ đề từ biến đổi khí hậu đến phá thai.
Như bà Bryner giải thích, việc tác động đến cuộc tranh luận của công chúng và đưa một số chủ đề nhất định lên hàng đầu là một “kế hoạch phối hợp” được Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ sử dụng để truyền cảm hứng cho các cơ sở cử tri tương ứng của họ ủng hộ cho bất kỳ ứng cử viên nào ủng hộ quan điểm của PAC.
Bà nói rằng: “Quý vị không muốn trở thành bên chi tiêu ít hơn. Vì vậy, tùy thuộc vào cách quý vị nhìn nhận việc này, sẽ có cuộc đua lên đỉnh hoặc xuống đáy với việc chi tiêu cho một số cuộc đua này.”
Hướng tới năm 2024, The Epoch Times đã hỏi bà Bryner rằng liệu chi tiêu của các PAC có lớn hơn và có tác động nhiều hơn đối với chu kỳ bầu cử tổng thống năm 2024 so với năm 2020 hay không.
Bà nói: “Tôi không nghĩ việc đó nhất thiết sẽ có nhiều tác động hơn vào năm 2024. Đó là một điều mơ hồ để đo lường theo nhiều cách.”
Như OpenSecrets đã đưa tin hồi tháng 02/2021, kỳ bầu cử tổng thống năm 2020 là “đắt nhất từ trước đến nay”, với 14.4 tỷ USD chi tiêu cho chính trị, cao hơn gấp đôi tổng số chi tiêu kỷ lục của kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.
Tuy nhiên, vào ngày 24/04, OpenSecrets báo cáo rằng Đảng Dân Chủ dự đoán họ sẽ “vượt mức 2 tỷ USD rất xa” vào năm 2024, khiến đây trở thành “kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử” của họ.
“[Chi tiêu cho] cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hoàn toàn một con số thiên văn, phá vỡ các kỷ lục bằng một khoảng cách rất lớn,” bà Bryner nói. “Liệu chúng ta có chứng kiến sự chi tiêu giảm bớt trong năm 2024 không? Thật khó để nói. Thực sự vẫn còn quá sớm. Nhưng tôi nghĩ điều này sẽ liên quan nhiều đến cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ của Đảng Cộng Hòa.”
‘Cánh tả đang chiến thắng’
Với những thành tựu có vẻ ít ỏi như vậy, ông Dennis Prager — một người chủ trì chương trình trò chuyện tổng hợp trên toàn quốc và là người sáng lập tổ chức bất vụ lợi theo phái bảo tồn truyền thống PragerU — đã chia sẻ suy nghĩ của mình về động lực đằng sau việc chi tiêu của PAC ngày càng tăng.
“Bởi vì chính phủ của chúng ta, đặc biệt là chính phủ liên bang, rất lớn và nhúng tay vào hầu hết mọi lĩnh vực trong xã hội, nên họ nắm giữ quyền lực to lớn,” ông Prager nói với The Epoch Times, đồng thời gợi ý rằng “Khi có quá nhiều quyền lực bị đe dọa, mọi người sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến chính phủ, để có lợi cho họ hoặc cố gắng khiến chính phủ để họ yên.”
Đó là quan điểm mà ông gán cho ông Larry Elder, người mà ông nói rằng, “thường xuyên lặp lại điều đó.”
“Các Bậc Quốc Phụ của chúng ta chưa bao giờ hình dung được chính phủ sẽ trở nên lớn mạnh như vậy và can thiệp quá nhiều đến cuộc sống của công dân Mỹ,” ông Prager nói thêm. “Tầm nhìn của Hiến Pháp mà họ xây dựng nhằm đạt được điều ngược lại: chính phủ nhỏ, tự do lớn. Chính phủ càng lớn, công dân càng nhỏ. Chừng nào chính phủ còn lớn, mọi người sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến chính phủ.”
Trong khi phe cánh tả có nhiều động lực hơn để mở rộng chính phủ hơn nữa và củng cố quyền lực của mình, ông Prager tin rằng “cánh hữu lo sợ sự thành công của cánh tả bởi vì những người cánh hữu biết rằng chính phủ càng lớn mạnh thì quyền lực của cánh tả càng xâm phạm và lâu dài hơn.”
Ông nói: “Vì vậy, cả hai bên đều có động cơ mạnh mẽ để chi tiêu ở mức cao hơn bao giờ hết,” đồng thời nói thêm rằng “theo những gì đang diễn ra, cánh tả đang chiến thắng.”
Khi được hỏi liệu tất cả số tiền chi tiêu có xứng đáng hay không, ông Prager cho biết điều đó còn phụ thuộc vào quý vị đang hỏi đến ai.
“Đối với những người chi tiêu cho việc này, họ phải giả định rằng điều đó đúng là như vậy,” ông nói. “Mọi người thường không chi nhiều tiền vào những thứ không quan trọng.”
Về mặt cá nhân, ông tin rằng việc chi tiêu quá mức này “không hiệu quả.”
Ông nói: “Số tiền này có thể được sử dụng vào mục đích khác tốt hơn nhiều” và gọi đó là “sự lãng phí tài nguyên một cách tội lỗi.”
‘Nhân tố Trump’
Theo bà Bryner, “một phần lý do khiến chúng ta chứng kiến chi tiêu nhiều như vậy trong năm 2020 là do nhân tố Trump.”
Bà nói: “Ông ấy tạo ra rất nhiều khoản chi tiêu cho cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ. Vì vậy, tùy thuộc vào việc ông ấy còn tham gia cuộc đua trong bao lâu và liệu ông ấy có phải là người được đề cử hay không, điều này được dự đoán bằng một dấu chấm hỏi, điều đó sẽ ảnh hưởng đến số tiền sẽ được chi.”
Nếu cựu TT Trump không phải là ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, bà Bryner nói “chúng ta có thể chứng kiến một chút giảm phát” trong chi tiêu của các thành viên PAC của Đảng Dân Chủ vì họ “sẽ không có động lực” ủng hộ TT đương nhiệm Joe Biden “nếu ứng cử viên của đảng kia không phải là ông Trump.”
Nếu cựu TT Trump là người được đề cử, bà nói “điều đó sẽ mang lại nhiều năng lượng hơn cho cả hai bên.”
Trong khi Đảng Cộng Hòa sẽ được tiếp thêm sinh lực với ý tưởng mang lại cho Tổng thống Trump chiến thắng đã được mong đợi từ lâu trước các đối thủ chính trị của ông bằng cách đưa ông trở lại nhiệm kỳ khác trong Tòa Bạch Ốc, thì Đảng Dân Chủ sẽ có xu hướng huy động tiền từ những người ủng hộ họ bằng cách đưa ra khẩu hiệu “Tôi ghét Trump” như một cách để viện đến hầu bao của họ.
Bà nói: “Đó là những gì chúng ta đã chứng kiến vào các năm 2018, 2020, và 2022, rằng ông Trump có tác động lớn đến việc gây quỹ của Đảng Dân Chủ.”
Ông Prager nói, “Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Trump là một chiếc cột thu lôi đối với cả hai bên. Vì vậy, vâng, tất nhiên điều đó có khả năng thúc đẩy chi tiêu cao hơn để vừa ủng hộ vừa đánh bại ông ấy.”
Ông nói thêm, điều chưa bao giờ rõ ràng là tại sao rất nhiều thành viên Đảng Dân Chủ và rất nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa lâu năm lại thấy cựu TT Trump là một mối đe dọa đáng gờm như vậy.
Ông Prager nói: “Bỏ qua tính cách thường xuyên khó chịu của ông ấy, chính phủ thực tế của Tổng thống Trump không nằm ngoài xu hướng chính thống của Hoa Thịnh Đốn.”
“Tuy nhiên, lời hùng biện vang dội đã và đang tiếp tục là rằng ông ấy đại diện cho một ‘mối đe dọa hiện hữu’ đối với ‘nền dân chủ của chúng ta’,” ông Prager nói. “Điều này có nghĩa là chi tiêu bầu cử trong chu kỳ 2024 có khả năng phá vỡ mọi kỷ lục.”
Các PAC và tiền mờ ám
Ông Dan McMillan là cựu công tố viên, chuyên gia tài chính chiến dịch và người sáng lập tổ chức Cứu Lấy Nền Dân Chủ Tại Mỹ (Save Democracy in America).
Ông nói rằng mặc dù các PAC lớn phải báo cáo tất cả số tiền họ nhận được cho FEC nhưng họ “cố gắng hết sức để che giấu ai đứng đằng sau số tiền đó.”
Ông McMillan nói với The Epoch Times: “Tất nhiên, họ thường lấy tiền từ 501(c)(4), loại nhóm tiền mờ ám phổ biến nhất, không bắt buộc phải tiết lộ tên của các nhà tài trợ.”
“Tiền mờ ám” đề cập đến các khoản đóng góp cho chiến dịch mà nguồn không được tiết lộ.
Theo OpenSecrets, kỳ bầu cử năm 2022 đã chứng kiến hơn 115 triệu USD tiền đóng góp và chi tiêu không rõ nguồn gốc từ các nhóm 501(c) sáu tháng trước Ngày Bầu Cử. Tuy nhiên, chưa đến 3 triệu USD được báo cáo cho FEC.
Hồi tháng 02/2022, OpenSecrets báo cáo rằng các PAC lớn ở cả hai phe chính trị đã nhận hàng triệu USD từ các tổ chức bất vụ lợi có quan hệ chặt chẽ với tiền mờ ám.
Năm 2021, OpenSecrets đã trích dẫn 15 PAC hàng đầu được tài trợ bằng tiền mờ ám. Future Forward PAC ủng hộ TT Biden là một trong số đó.
Hôm 18/08, OpenSecrets dự đoán rằng “tiền mờ ám” sẽ “tiếp tục đóng vai trò then chốt vào năm 2024.”
Trong nửa đầu năm nay, một phân tích của OpenSecrets cho thấy các tổ chức bất vụ lợi 501(c)(4) hoạt động chính trị liên kết với giới lãnh đạo Quốc hội đã chuyển được hơn 16.5 triệu USD “từ các nhà tài trợ ẩn danh đến các PAC lớn để chi tiêu cho các cuộc bầu cử liên bang năm 2024.”
Nhóm tiền mờ ám chính liên kết với Đảng Dân Chủ tại Hạ viện, House Majority Forward, đã đóng góp thêm 5.6 triệu USD đóng góp cho House Majority PAC. Con số này chiếm hơn ¼ trong số 20.7 triệu USD tiền gây quỹ của PAC này kể từ đầu năm.
Ông McMillan nói: “Cũng khá tai tiếng là mức độ mà các PAC lớn, được cho là độc lập với các ứng cử viên mà họ ủng hộ, trên thực tế lại phối hợp chặt chẽ với các ứng cử viên hoặc với các đảng phái chính trị.”
Một PAC lớn liên kết với cựu Lãnh đạo Đa số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), Quỹ Lãnh đạo Quốc hội (Congressional Leadership Fund), đã nhận được 2.25 triệu USD từ Mạng lưới Hành động Hoa Kỳ (American Action Network) trong nửa đầu năm 2023.
Mạng lưới Hành động Hoa Kỳ là một nhóm 501(c)(4) có nguồn tài trợ không rõ nguồn gốc khi không tiết lộ các nhà tài trợ của họ nhưng chia sẻ nhân viên, không gian văn phòng, và các nguồn lực khác với Quỹ Lãnh đạo Quốc hội.
Ông McMillan nói thêm: “Các quy tắc ‘phối hợp’ lỏng lẻo đến mức chúng hoàn toàn giống như một trò đùa và cả hai bên đều hoàn toàn trơ tráo về điều này.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times