BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Quy tắc mới của Bộ Lao động Hoa Kỳ có thể phân loại lại nhà thầu độc lập thành nhân viên
Các quy tắc mới sử dụng một phân tích đa yếu tố để phán định lại ai có thể được xem là nhà thầu độc lập.
Quy tắc mới sau cùng của Bộ Lao động Hoa Kỳ xác định lại ai có thể được phân loại là một nhà thầu độc lập sẽ có hiệu lực vào tháng tới (03/2024).
Chính phủ Tổng thống Biden cho biết quy tắc mới nhằm bảo vệ những người lao động bị phân loại sai là nhà thầu độc lập và do đó bị tước các quyền bảo vệ theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng (FLSA).
“Bảo vệ người lao động là một lời hứa về một mức giới hạn tối thiểu mà dưới mức đó thì không ai nên bị ép buộc phải sống và làm việc,” Bộ trưởng Lao động tạm quyền Julie Su viết trên X hồi tháng trước sau khi quy tắc sau cùng này được công bố. “Phân loại sai, hay việc gọi ai đó là một nhà thầu độc lập khi họ thực ra là một nhân viên, là một hành động phá vỡ lời hứa đó.”
Theo FLSA, các nhân viên được hưởng mức lương tối thiểu, lương làm thêm giờ, và các biện pháp bảo vệ khác không áp dụng cho các nhà thầu độc lập.
Theo Bộ Lao động, quy tắc mới dùng một biện pháp phân tích đa yếu tố “từng được tòa án sử dụng trong nhiều thập niên” để xác định xem một người làm việc là nhân viên hay là một nhà thầu độc lập, hủy bỏ quy tắc hai yếu tố năm 2021 do chính phủ cựu Tổng thống Trump thiết lập.
Quy tắc dài 339 trang này sử dụng một phân tích sáu yếu tố để phân loại người lao động:
- Mức độ lời hoặc lỗ của người lao động;
- Mức độ chịu nhận rủi ro về tài chính của người lao động và bản chất của bất kỳ nguồn lực nào họ đã đầu tư vào công việc;
- Mức độ phân chia công việc giữa doanh nghiệp và người lao động;
- Mức độ kiểm soát của doanh nghiệp đối với công việc của người đó;
- Mức độ trọng yếu của công việc được thực hiện đối với doanh nghiệp;
- Và trình độ kỹ năng cũng như sáng kiến của người lao động.
Quy tắc trước đây phân định dựa trên tính chất và mức độ kiểm soát của người đi làm đối với công việc của họ và mức độ lời hoặc lỗ của họ.
“Theo quy tắc trước đây (của năm 2021), nếu cả hai yếu tố cốt lõi này đều nghiêng về cùng một kiểu phân loại, thì có ‘khả năng đáng kể’ rằng phân loại đó là chính xác,” công ty Butler Snow LLP viết trên trang JD Supra. “Ngược lại, Quy tắc Sau cùng mới lại nhấn mạnh đến việc ‘trở lại phân tích các yếu tố hoàn cảnh tổng thể trong đó yếu tố thực tế kinh tế không được gán cho một trọng số được định ra từ trước và mỗi yếu tố đều được xem xét đầy đủ.’”
Ông Michael Green, giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Texas A&M ở Fort Worth, nói với The Epoch Times rằng, cuộc tranh luận về phân loại người lao động đã trở nên phức tạp hơn trong thập niên qua.
“Tôi nghĩ một phần của vấn đề nằm ở sự phân chia công nghệ và kỹ thuật số,” ông Green nói. “Chúng tôi thấy một số câu hỏi thực sự thú vị được đặt ra về việc ai là nhà thầu độc lập và ai là nhân viên.”
Trong vai trò một nhà thầu độc lập, người lao động có rất ít khả năng trông cậy vào sự giúp đỡ “nếu có sự phân biệt đối xử hoặc có các vấn đề về tiền lương và giờ làm đang diễn ra,” ông Green tiếp tục. “Vì vậy, đó thực sự là nguyên nhân sâu xa nhất giải thích lý do tại sao đây lại là một vấn đề.”
Các ngành như vận tải đường bộ, báo chí, xây dựng, tiếp thị, và các ngành khác phụ thuộc vào các nhà thầu độc lập hoặc những người làm việc tự do lo ngại rằng quy tắc mới có thể buộc họ phải phân loại lại người lao động thành nhân viên, làm tăng chi phí lao động.
“Tôi không thể nghĩ ra điều gì đi ngược lại với cách làm truyền thống của Mỹ hơn việc chính phủ dập tắt quyền tự do của cá nhân trong việc lựa chọn sắp xếp công việc phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ,” ông Chris Spear, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải Đường bộ Hoa Kỳ, cho biết. “Quyền tự do lựa chọn đó là nguồn trao quyền rất lớn cho phụ nữ, các nhóm người thiểu số, và người nhập cư theo đuổi Giấc mơ Mỹ.”
Bộ Lao động cho biết quy định này mang lại sự rõ ràng lớn hơn để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất.
Bà Su viết trong một bài đăng khác trên mạng xã hội: “Việc phân loại sai đặc biệt gây tổn hại cho những người lao động có nguy cơ bị bóc lột đáng kể tại nơi làm việc, bao gồm cả phụ nữ, người da màu, và người khuyết tật.”
Ông Bill Webb, giám đốc điều hành của Hiệp hội Dịch vụ Tài xế xe tải (Truckers Service Association), nói với The Epoch Times rằng khoảng ⅓ số xe tải trên đường là do các tài xế là nhà thầu độc lập hoặc chủ sở hữu-nhà vận hành lái. Chủ sở hữu-nhà vận hành có nghĩa là các tài xế này sở hữu chiếc xe tải của chính mình.
Ông Webb cho biết tổ chức của ông muốn bảo đảm rằng quyền lựa chọn làm việc như một cá nhân tự kinh doanh nhỏ sẽ không bị tước bỏ.
Ông nói, “Bản thân việc xây dựng quy tắc lao động không thay đổi nhiều. Việc đó chỉ mở ra cánh cửa cho những thay đổi,” khiến hàng trăm ngàn tài xế xe tải đủ điều kiện tham gia các nghiệp đoàn lao động.
Chủ sở hữu-nhà vận hành trả tiền nhiên liệu, bảo hiểm, bảo trì, và các chi phí liên quan khác. Họ được trả một tỷ lệ phần trăm cho mỗi chuyến hàng mà họ chuyên chở.
Ông Webb cho biết, theo quy định mới, chi phí để trở thành một nhà thầu độc lập có thể đẩy họ trở thành nhân viên, tước đi khỏi người lái xe quyền tự do lựa chọn công việc họ muốn và quyền quyết định số tiền họ kiếm được.
‘Thành kiến đối với trạng thái nhà thầu độc lập’
Phòng Thương mại Hoa Kỳ phản đối quy định mới, cho rằng luật này tạo ra sự không chắc chắn và “thành kiến đối với trạng thái nhà thầu độc lập.”
Ông Marc Freedman, phó chủ tịch chính sách việc làm tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã viết trong một bài đăng trên blog vào tháng Một: “Mục đích của quy định này là cung cấp cho Bộ Lao động một công cụ mạnh mẽ hơn để phân loại nhiều người thành nhân viên hơn là nhà thầu độc lập.”
“Mặc dù các công ty vẫn có thể sử dụng các nhà thầu độc lập, nhưng phân tích mới về phân loại nghiêng về mối quan hệ chủ-nhân viên,” ông Freedman nói thêm. “Nếu một công ty bị phát hiện đã phân loại sai một người lao động, công ty đó sẽ phải trả lại tiền và bị phạt theo FLSA, chẳng hạn như vi phạm mức lương tối thiểu và tiền làm thêm giờ.”
Quy tắc mới được so sánh với Dự luật Hạ viện 5 (AB 5) của California, thường được gọi là dự luật lao động tự do, được ban hành ngày 01/01/2020.
Lịch sử của AB 5
Đạo luật này được thiết kế để quản lý các công ty dựa vào ứng dụng, chẳng hạn như Uber và Lyft, vốn thuê số lượng lớn nhân viên hợp đồng, sử dụng bài kiểm tra ba hướng để xác định người lao động thuộc vào loại nào.
Một số nhà phân tích lo ngại AB 5 sẽ phá hủy các công ty dựa trên ứng dụng như vậy và phá hủy mô hình kinh doanh làm việc tự do dựa trên hợp đồng làm việc tạm thời.
Cuối năm đó, Uber, Lyft, và DoorDash đã hợp lực để ủng hộ Dự luật 22, một sáng kiến bỏ phiếu tuyên bố các tài xế dựa trên ứng dụng là các nhà thầu độc lập. Đề nghị này, được cử tri thông qua hồi tháng 11/2020, đã cung cấp một số biện pháp bảo vệ “thời gian cam kết” nhất định như trợ cấp chăm sóc sức khỏe cũng như bảo hiểm tai nạn và tử vong do tai nạn.
Nhưng trận chiến này vẫn tiếp tục.
Hồi tháng 08/2021, Thẩm phán Frank Roesch của Tòa Thượng thẩm Quận Alameda đã ra phán quyết rằng có hai phần trong Dự luật 22 là vi hiến, khiến toàn bộ luật này không thể thực thi được.
Uber và Lyft đã kháng cáo quyết định này, và vào tháng Ba năm ngoái (2023), các thẩm phán tại tòa phúc thẩm ở California đã bác bỏ một phần của Dự luật 22, khiến hầu hết luật này vẫn có hiệu lực.
Tháng 09/2022, Dự luật Hạ viện 2257 (AB 2257), một “phiên bản dự luật tinh gọn,” đã cung cấp thêm giải thích rõ ràng và các trường hợp được miễn trừ khỏi AB 5.
Thách thức pháp lý đối với quy định này
Tháng trước (01/2024), một nhóm nhà văn và biên tập viên đã đệ đơn kiện thách thức quy định mới này. Vụ kiện được đệ trình lên Tòa án Địa hạt Phía Bắc Georgia của Hoa Kỳ, lập luận rằng quy tắc mới “che khuất ranh giới giữa nhà thầu và nhân viên trong một màn sương mù không thể xuyên thủng.”
Các nguyên đơn, Karon Warren, Deborah Kaplan, Kimberley Kavin, và Jennifer Singer, đã thành lập một liên minh gồm hơn 2,500 người làm nghề tự do, từ nhà văn đến tài xế xe tải.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times