Bài thuyết trình của bộ trưởng Đài Loan tại Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ bị cắt
Hôm thứ Hai (13/12), Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, việc tạm thời cắt nguồn cấp dữ liệu video (video feed) của một bộ trưởng Đài Loan trong Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tuần trước là do một “sự nhầm lẫn”. Vụ việc xảy ra sau khi một bản đồ toàn cầu xuất hiện, cho thấy đảo Đài Loan có màu khác với Trung Quốc.
Bản đồ phân loại theo màu được Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan Đường Phượng (Audrey Tang) chia sẻ trong buổi thuyết trình hôm 10/12 này là do tổ chức phi chính phủ CIVICUS có trụ sở tại Nam Phi sản xuất. Trong bản đồ, tổ chức này tô màu các chính phủ theo mức độ tôn trọng các quyền công dân, như quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Trung Quốc cộng sản được xếp hạng ở mức “đóng kín” — mức tồi tệ nhất với màu đỏ. Còn Đài Loan, một hòn đảo với nền dân chủ tự do tự trị, thì được phân loại là “cởi mở” và được đánh dấu bằng màu xanh lục.
Khi nguồn cấp dữ liệu video bị cắt, màn hình của bà Đường được thay thế bằng chú thích “Bộ trưởng Đài Loan Audrey Tang”, mặc dù vẫn có thể nghe thấy nguồn cấp âm thanh. Theo Reuters, một tuyên bố từ chối trách nhiệm sau đó đã xuất hiện: “Bất kỳ ý kiến nào được trình bày bởi các cá nhân trong hội đồng này là của riêng cá nhân đó, và không nhất thiết phản ánh quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ.”
Bản tin [của Reuters] đã trích dẫn các nguồn tin ẩn danh cáo buộc rằng Tòa Bạch Ốc lo ngại việc đánh dấu Trung Quốc và Đài Loan bằng các màu khác nhau sẽ bị Trung Quốc coi là đi ngược lại “chính sách một Trung Quốc”, theo đó Hoa Kỳ công nhận chỉ có một Trung Quốc, đồng thời duy trì mối liên hệ chính thức với Bắc Kinh và liên hệ không chính thức với Đài Bắc.
Cả Hoa Thịnh Đốn và Đài Bắc đều đã bác bỏ thông tin cho rằng vụ việc này có liên quan đến chính trị.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết “sự nhầm lẫn” trong việc chia sẻ màn hình đã dẫn đến nguồn cấp dữ liệu video của bà Đường bị cắt, gọi đó là “một sai lầm trung thực”.
Dẫn lời giải thích từ Hoa Thịnh Đốn, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng việc mất nguồn cấp dữ liệu video là do “một vấn đề kỹ thuật”.
Bộ cho biết: “Đài Loan và Hoa Kỳ đã trao đổi đầy đủ về vấn đề kỹ thuật này. Hai quốc gia của chúng ta chia sẻ sự tin tưởng lẫn nhau bền chặt và một tình hữu nghị vững chắc.”
Mặc dù phiên bản không bị gián đoạn của bài thuyết trình đầy đủ của vị bộ trưởng này đã được thêm vào trang web chính thức của hội nghị thượng đỉnh, nhưng tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận hiếu chiến của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chế nhạo vụ việc trên. Trong một bài xã luận hôm thứ Hai, tờ báo khổ nhỏ này cho biết Hoa Kỳ đã tìm cách tránh vượt qua “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh.
Chế độ cộng sản ở Bắc Kinh coi Đài Loan tự trị là một phần lãnh thổ của mình, mà sẽ bị chiếm bằng vũ lực nếu cần thiết.
Việc đưa các đại diện của Đài Loan vào cuộc họp quy tụ các nhà lãnh đạo từ các chính phủ dân chủ vào tuần trước đã khiến ĐCSTQ tức giận. Bắc Kinh càng tức giận hơn nữa sau khi thấy họ bị loại khỏi danh sách khách mời.
Mặc dù Hoa Kỳ có quan hệ chính thức với Bắc Kinh, nhưng nước này vẫn là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, điều này được yêu cầu theo khuôn khổ quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan của Quốc hội Hoa Kỳ.
Đồng thời, Hoa Thịnh Đốn có một chính sách kéo dài hàng thập niên đối với Đài Loan, gọi là “sự mơ hồ chiến lược”. Điều đó có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ đã đang chủ tâm mơ hồ về việc liệu họ có bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược hay không.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: