Bài học về tình yêu gia đình qua bức họa ‘The Banjo Lesson’
Với tôi, gia đình rất quan trọng. Tôi thực sự không biết mình sẽ ở đâu nếu không có tình yêu thương và sự quan tâm thường xuyên của gia đình. Ông bà, chú bác và cô dì đều có tác động đáng kể đến cuộc sống của tôi, giúp tôi hiểu rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn nếu sẵn sàng nỗ lực.
Bức tranh “Bài học Banjo” (“The Banjo Lesson”) của Henry Ossawa Tanner nhắc nhở tôi về tình cảm và sự động viên mà tôi nhận được từ gia đình. Tanner đã mô tả về tình yêu trong gia đình người da đen như một cách để xoa dịu thực tế khắc nghiệt trong mối quan hệ chủng tộc vào thế kỷ 19. Thay vì tuyên truyền một hệ tư tưởng gây chia rẽ về cách mạng và sự hủy diệt, ông quyết định sử dụng nghệ thuật của mình để chứng minh rằng: con người chúng ta, bất kể khác biệt như thế nào, đều có tình yêu thương.
Henry Ossawa Tanner
Tanner là một họa sĩ Hoa Kỳ da đen sống vào thời điểm bước sang thế kỷ 20. Mẹ và cha của ông từng làm nô lệ nhưng trở nên thành đạt sau cuộc Nội chiến. Bất chấp hoàn cảnh, cha mẹ Tanner đã nuôi dạy ông trong một gia đình tương đối có văn hóa và học thức.
Khi còn là một thiếu niên, Tanner bắt đầu quan tâm đến mỹ thuật. Cha mẹ cho ông học thêm về nghệ thuật, và cuối cùng ông đã theo học tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania. Năm 1879, ông là người Hoa Kỳ da đen đầu tiên theo học tại học viện quốc tế danh giá. Tại đây, ông được họa sĩ lừng danh Thomas Eakins hướng dẫn.
Tuy nhiên, Tanner đã rời Học viện Mỹ thuật Pennsylvania để theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh ở Atlanta. Mặc dù thất bại, nhưng ông vẫn gây dựng được mối quan hệ ở Atlanta, những người sau này trở thành nhà tài trợ cho những chuyến du lịch nước ngoài của ông.
Sau khi định cư ở Paris, Tanner đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Ông nhận thấy rằng Paris ít phân biệt chủng tộc hơn Hoa Kỳ. Ông muốn những bức tranh của mình tạo ra sự thay đổi lớn và giúp cải thiện mối quan hệ chủng tộc ở Hoa Kỳ.
Tanner đã dùng tranh của mình để giảm tác động tiêu cực của những vở ca kịch minstrelsy, một hình thức giải trí với những định kiến hạ thấp phẩm giá của người Hoa Kỳ da đen. Các vở diễn Minstrel này đã được chấp nhận trong nền văn hóa tuyên truyền bạo hành đối với người dân da đen hàng thế kỷ qua.
Đối với Tanner, nghệ thuật có khả năng biến những định kiến đáng khinh đó thành một điều tích cực – một sự miêu tả chính xác hơn về cuộc sống của người da đen ở Hoa Kỳ. Ông bắt đầu vẽ hình ảnh những người dân Hoa Kỳ da đen là những con người có đạo đức và phẩm cách cao thượng, với nỗ lực hàn gắn và đề cao văn hóa của người da đen.
Cộng đồng người da đen cảm thấy có hy vọng trước những cố gắng của Tanner. Sharon Patton, tác giả cuốn “Lịch sử nghệ thuật Oxford: Nghệ thuật người Hoa Kỳ gốc Phi,” sử dụng một trích dẫn của W.S. Scarborough – người được coi là học giả cổ điển người Hoa Kỳ gốc Phi đầu tiên, để minh chứng cho điều này:
“Những người dân Hoa Kỳ gốc Phi hy vọng rằng cách mà Tanner đối đãi với vấn đề chủng tộc ‘sẽ là đối trọng khiến trò tiêu khiển về chủng tộc của những nghệ sĩ kia chẳng có gì khác ngoài những thứ lố bịch và kỳ cục.’”
‘Bài học Banjo’ và tiêu điểm về gia đình người da đen
Bức tranh “Bài học Banjo” được vẽ năm 1893, hiện là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Tanner. Ông mô tả một khoảnh khắc nhẹ nhàng giữa các thế hệ người da đen. Một người ông đang dạy cháu trai của mình cách chơi banjo(1).
Ánh sáng trực tiếp từ bên trái của bố cục chiếu lên người ông và đứa cháu trai khi họ ngồi chung trên một chiếc ghế nhỏ bằng gỗ. Nguồn sáng như ánh đèn sân khấu chiếu vào cuộc sống diễn ra hằng ngày của những người da đen. Người ông thể hiện sự chăm chú và quan tâm khi dạy đứa cháu trai cách cầm đàn banjo và gảy hợp âm cho bài học trong ngày.
Tanner đã sử dụng màu vàng, xanh lam với nét cọ mờ để mô tả cảnh này. Đó là những thủ pháp ấn tượng mà ông đã học được tại Académie Julian, một studio tư nhân dành cho sinh viên mỹ thuật. Cũng với thủ pháp nét cọ mờ, nhưng ông sử dụng màu vàng và xanh lam nhạt hơn cho khung cảnh xung quanh, giúp hình ảnh có độ tương phản cao và các chi tiết trở nên nổi bật. Ông đặt những vật dụng hàng ngày xung quanh hai nhân vật để người xem biết rằng đây là một khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày của người Hoa Kỳ da đen.
Học cách yêu thương
“Bài học Banjo” dạy cho tôi những điều rất sâu sắc. Nó cho thấy ý nghĩa của gia đình, bất luận là ở chủng tộc nào. Gia đình không phải là một điều chỉ có ở văn hóa phương Tây; mọi nền văn hóa lớn trên trái đất đều thấu hiểu những lợi ích của gia đình. Thông qua gia đình, thế hệ trẻ của chúng ta học được cách yêu thương, cách quan tâm và cách đối xử với người khác. Thông qua gia đình, chúng ta học được cách trở thành một người tốt hoặc không là người xấu.
“Bài học Banjo” cũng khiến tôi cân nhắc cách mà chúng ta học hỏi. Có phải chúng ta không học được gì từ quá khứ và kinh nghiệm của chúng ta? Ai có thể học tốt hơn những người giống như đứa trẻ, luôn mở lòng để đặt câu hỏi? Có thể nào chúng ta đã đánh mất sự hồn nhiên trẻ thơ trong những câu hỏi mở vì dục vọng muốn lên án lịch sử sai trái của chúng ta? Và nếu vậy, chúng ta sẽ đánh mất điều gì khi không mở lòng để học hỏi?
Tuy nhiên, khi bạn muốn học hỏi rồi thì ai sẽ là người giảng dạy. Ai có thể chỉ dẫn cho chúng ta tốt hơn những người lớn tuổi, những người từng trải? Quá khứ, với khả năng tích lũy tất cả kinh nghiệm, chẳng phải cũng là một trong những người thầy vĩ đại nhất của chúng ta sao?
Làm thế nào chúng ta chuyển đổi quá khứ đen tối thành một tương lai tốt đẹp? Chúng ta có tôn trọng những cuộc đấu tranh trong quá khứ với những sáng tạo trong hiện tại không? Những tác phẩm sáng tạo của chúng ta có được truyền tình yêu thương mà chúng ta hy vọng được vun đắp giữa các thành viên trong một gia đình không? Có cách nào khác để chúng ta kết nối mọi người lại với nhau trước những vấn đề gây chia rẽ, bằng tình yêu thương và tìm ra những điểm mà chúng ta tương đồng hơn là khác biệt không?
Tôi nghĩ Tanner đã cố gắng đặt tình yêu này vào nghệ thuật của mình, một tình yêu kết nối những gì có liên quan sâu sắc giữa các nền văn hóa: Gia đình. Ông đã đem đến một bài học cho người Hoa Kỳ da trắng về một sự thật liên quan đến cuộc sống của người da đen ở Hoa Kỳ, một sự thật dựa trên tình yêu và sự quan tâm của gia đình. Đối với người Hoa Kỳ da đen, bức tranh của Tanner không chỉ mang lại hy vọng mà còn cho thấy một sự thật rằng người da đen không nên bị đánh giá bằng những định kiến hạ thấp nhân phẩm, điều mà đáng tiếc là theo thời gian, có thể gắn liền với những khái niệm về giá trị bản thân của người da đen.
Nhưng đối với tôi, bức tranh “Bài học Banjo” không chỉ đơn thuần vẽ một người ông da đen đang dạy cháu trai mình chơi đàn banjo, cũng không đơn thuần là một cái nhìn tổng quan về cuộc sống hàng ngày của người da đen ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19. “Bài học Banjo”, nếu chúng ta cởi mở để học từ nó, là một bài học về cách yêu thương và quan tâm đến đồng loại của chúng ta thông qua một tổ chức quen thuộc với hầu hết mọi nền văn hóa trên trái đất: Gia đình.
Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện thực hành (practicing representational artist). Ông hiện đang học Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Chú thích của người dịch:
- Banjo tiếng Việt dịch là Băng Cầm, là một nhạc cụ có dây do những người dân Hoa Kỳ gốc Phi sống ở Hoa Kỳ sáng tạo.
Eric Bess
Phương Du biên dịch
Xem thêm: