Bahrain, UAE cung cấp thêm vaccine Pfizer cho những người đã chích vaccine Trung Quốc
Tại Siberia, không có kháng thể nào được tìm thấy trong số 30% người đã chích vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện đang kêu gọi những công dân đã được chích ngừa đầy đủ vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất nên chích thêm vaccine Pfizer như một mũi chích tăng cường để bảo vệ cơ thể. Đồng thời, báo cáo ở Serbia cho thấy 30% người già đã chích vaccine Trung Quốc không có kháng thể [chống virus].
Cùng thời điểm này, nhiều ca tử vong và sẩy thai sau khi chích vaccine Trung Quốc đã được báo cáo ở Hồng Kông trong tuần qua.
Chế độ cộng sản Trung Quốc đã thúc đẩy “ngoại giao vaccine” trong năm vừa qua bằng cách cung cấp vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất cho các quốc gia ở Trung Đông, Nam Mỹ và Đông Âu, mặc dù các thử nghiệm giai đoạn 3 chưa hoàn thành và dữ liệu thử nghiệm lâm sàng chưa được công bố.
Serbia là quốc gia Âu Châu đầu tiên nhận được vaccine COVID-19 do công ty nhà nước Trung Quốc Sinopharm sản xuất. Theo một bài báo của The Wall Street Journal (WSJ), một nghiên cứu thực tế chưa được công bố cho thấy trong số 150 người đã chích vaccine có độ tuổi trung bình trên 65 ở nước này, 29% không có bất kỳ kháng thể nào chống lại virus Trung Cộng trong ba tháng sau khi đã chích đầy đủ (hai liều) vaccine Sinopharm.
Bác sĩ đứng đầu nghiên cứu trên tại Đại học Belgrade nói với Tạp chí WSJ, “Vaccine Sinopharm không đủ sinh miễn dịch và có vẻ như tác động của nó đặc biệt thấp đối với những người cao tuổi.”
Các quan chức Trung Quốc trước đó đã tuyên bố rằng vaccine COVID-19 của Trung Quốc không được phép sử dụng cho người trên 60 tuổi ở Trung Quốc do thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng liên quan. Tuy nhiên, ở các nước đã mua loại vaccine này, người cao tuổi được ưu tiên chích vaccine. Các kênh truyền thông Đài Loan đã chỉ trích Trung Cộng, nói rằng nhà cầm quyền này đang sử dụng người dân ở các nước nhận viện trợ làm chuột thí nghiệm.
Cả UAE và Bahrain hiện đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19, mặc dù đã chích vaccine Sinopharm cho một số lượng lớn công dân của họ.
Tính đến nay, 47% dân số Bahrain đã được chích đầy đủ 2 liều, trong đó 60% đã chích vaccine Sinopharm. Tuy nhiên, dịch bệnh ở đây vẫn chưa chững lại. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đã tăng vọt từ 200 ca kể từ cuối năm ngoái khi bắt đầu chích ngừa, lên đến 3,000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 05/2021.
Ở Bahrain, số ca nhiễm được xác nhận hiện đang ở mức cao kỷ lục, và kể từ cuối tháng Năm, các quan chức đã đề nghị sử dụng vaccine Pfizer như một mũi chích tăng cường cho những người đã chích đầy đủ vaccine Sinopharm.
Các quan chức y tế Bahrain đặc biệt đang khuyến khích những người trên 50 tuổi, những người béo phì hoặc những người mắc bệnh mãn tính chích nhắc lại bằng vaccine Pfizer.
UAE đã cung cấp vaccine Sinopharm cho công chúng từ tháng 12/2020 và đã cung cấp liều vaccine Sinopharm thứ ba kể từ tháng Ba sau khi phát hiện ra rằng vaccine này không tạo ra đủ kháng thể cho một số người đã chích ngừa.
Vào tháng Ba, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết có thể cần phải chích liều thứ 3 của vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất để tăng hiệu quả của chúng.
UAE bắt đầu sử dụng vaccine Pfizer được sản xuất kết hợp với hãng BioNTech của Đức, vào tháng 04/2021.
Bên cạnh hiệu quả thấp nói trên, đã có báo cáo về những tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine Trung Quốc
Vào tuần cuối cùng của tháng 05/2021, các quan chức y tế ở Hồng Kông báo cáo rằng có thêm 12 người nữa đã tử vong sau khi chích vaccine Sinovac, nâng tổng số người thiệt mạng lên 80 người, trong khi có thêm bốn phụ nữ mang thai bị sẩy thai sau khi chích vaccine này, nâng tổng số ca sảy thai lên 23.
Bất chấp các vấn đề về chất lượng và sự thiếu minh bạch trong dữ liệu thử nghiệm và các tác dụng phụ, Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã chấp thuận cả hai loại vaccine do Trung Quốc sản xuất là Sinopharm và Sinovac để sử dụng khẩn cấp.
Do Alex Wu thực hiện
Thu Anh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: