Bạch thư Trung Quốc: ‘Sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực’ chống lại Đài Loan
Theo bạch thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Trung Quốc đã rút lại lời hứa sẽ không điều động quân đội hoặc quan chức cộng sản đến Đài Loan nếu họ giành quyền kiểm soát hòn đảo này.
Hành động này dường như báo hiệu một quyết định của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trao cho Đài Loan ít quyền tự chủ hơn so với những gì đã hứa trước đó nếu chính quyền này thành công trong việc thống nhất Đài Loan với đại lục bằng vũ lực.
Bạch thư, được đăng trên tờ báo nhà nước Trung Quốc Nhật báo (China Daily), tương tự với hai văn kiện khác, được xuất bản vào năm 1993 và 2000. Tuy nhiên, trong phiên bản mới nhất này, ĐCSTQ đã xóa bỏ tuyên bố rằng sẽ “không điều động quân đội hoặc nhân viên hành chính đến Đài Loan.”
Bạch thư viết, “Chúng tôi sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực và chúng tôi bảo lưu phương án thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết.”
“Chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng đáp trả bằng việc sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp cần thiết khác đối với sự can thiệp của các lực lượng ngoại quốc hoặc hành động cực đoan của các phần tử ly khai.”
Điều đáng chú ý là họ tiếp tục nhắm vào “những phần tử ly khai cực đoan” và bảo đảm “không có địa bàn cho các hoạt động ly khai dưới mọi hình thức” ở Đài Loan, căn cứ vào lời tuyên truyền của ĐCSTQ mô tả tổng thống Đài Loan là một người ly khai cực đoan.
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh nổi loạn của Trung Quốc cần phải thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, Đài Loan dân chủ đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Chính quyền ĐCSTQ thường đề xướng rằng Đài Loan buộc phải sáp nhập thông qua mô hình “một quốc gia, hai chế độ,” tương tự như thể thức mà theo đó Hồng Kông đã nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã xóa bỏ mô hình đó một cách hiệu quả vào năm 2020, khi họ thúc đẩy thông qua luật an ninh phá vỡ hiến pháp của Hồng Kông.
Do đó, mọi đảng chính trị chính thống của Đài Loan đã bác bỏ đề nghị “một quốc gia, hai chế độ” vốn dĩ không giành được sự ủng hộ của công chúng Đài Loan.
Phiên bản bạch thư mới nhất còn thiếu mất một dòng trong bạch thư phiên bản năm 2000 nói rằng “mọi thứ đều có thể được thương lượng” nếu Đài Loan không đòi độc lập.
Bạch thư này được công bố chỉ một tuần sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đến thăm Đài Loan. ĐCSTQ đã sử dụng chuyến thăm đó để biện minh cho các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay của họ xung quanh Đài Loan. Các cuộc tập trận này đã ngăn không cho một số chuyến hàng quốc tế tiếp cận hòn đảo và chứng kiến hỏa tiễn Trung Quốc bắn vào vùng biển Nhật Bản.
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã lên án bạch thư này, nói rằng văn kiện này “toàn là xảo ngôn” và rằng Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.
“Chỉ 23 triệu người dân Đài Loan mới có quyền quyết định về tương lai của Đài Loan,” hội đồng tuyên bố. “Họ sẽ không bao giờ chấp nhận kết cục do một chế độ chuyên quyền đặt ra.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.