Bác sĩ sống sót sau nạn diệt chủng ở Campuchia cảnh báo người Mỹ về chủ nghĩa cộng sản
Bác sĩ Campuchia Nal Oum đã sống sót sau nạn diệt chủng ở Campuchia sau khi ông cùng với các “trí thức” khác bị chế độ cộng sản Khmer Đỏ nhắm mục tiêu, và buộc phải tham gia một cuộc di tản ồ ạt từ thành phố về nông thôn để sống và thực hiện lao động cưỡng bức.
Ông Oum đã có một lời cảnh báo chân thành dành cho thế giới tự do, đặc biệt là dành cho người dân Hoa Kỳ, quê hương của ông trong 30 năm qua. Ông nói, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Marx đã thâm nhập vào xã hội Mỹ và chia rẽ người Mỹ, với mục đích hủy diệt đất nước từ bên trong.
“Họ đến để hủy diệt quý vị từ bên trong, từ tế bào của quốc gia, nghĩa là từ gia đình trước tiên,” ông Oum nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” (“Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”) của EpochTV.
“Gia đình, sau đó là quốc gia. Tham vọng của họ không chỉ là một quốc gia, mà là cả thế giới. Nhưng đối với tôi, tôi cảm giác giống như, có lẽ Mỹ sẽ là ưu tiên hàng đầu, rồi mới đến cả thế giới.”
Ông Oum đã đưa ra lời cảnh báo này bởi vì ông là người đã sống sót qua một chế độ cộng sản tàn bạo gần như đã phá hủy đất nước của ông.
Khmer Đỏ đã kiểm soát Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ theo chủ nghĩa Marx Pol Pot, người đã cho phép sát hại hơn 2 triệu người dân Campuchia và bắt các “trí thức” làm việc trong các hợp tác xã ở nông thôn, dẫn đến việc nhiều gia đình thiệt mạng toàn gia vì đói, đau ốm, hoặc làm việc quá sức.
Những người cộng sản không đạt được mục tiêu của họ một cách công khai, mà thay vào đó họ ngụy trang dưới ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội, ông Oum tiếp tục cho biết.
Ông Oum cho biết ông đã chứng kiến những thay đổi lớn xảy ra ở Hoa Kỳ trong bảy đến tám năm qua ở mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả ở các cấp chính phủ cao nhất.
“Nhưng chắc chắn, có điều gì đó đã thay đổi nhưng tôi sợ phải nói rằng sự thay đổi này, nếu tất cả chúng ta, tất cả người dân Mỹ, không nhận thức được nó và bắt đầu làm điều gì đó để ngăn chặn nó, thì tôi rất tiếc phải nói rằng, mọi chuyện sẽ diễn ra y như ở quê hương tôi (Campuchia) [và] sẽ khá khó để loại bỏ nó sau này.”
Ông nói rằng những người theo chủ nghĩa Marx này sử dụng “bộ máy tuyên truyền tinh vi” để đạt được mục tiêu của họ. Ông cho biết ở Campuchia, ông đã chứng kiến chính quyền sử dụng chiến tranh thần học và chiến tranh dư luận. “Thao túng công chúng, và sau đó là một cuộc chiến khác, chiến tranh pháp lý.” Ông cho biết thêm, họ sẽ cố gắng hết sức để đạt được và nắm giữ quyền lực.
Ông Oum nói, học thuyết của Karl Marx là nền tảng cho cách nghĩ của họ. Người dân bị truyền bá từng chút một dần dần theo thời gian, giống như thẩm thấu. Ông nhận thấy điều này đang xảy ra ở Hoa Kỳ và ví chủ nghĩa cộng sản giống như sự lây nhiễm virus corona, khi nói rằng con virus này lây truyền và hủy diệt.
“Họ không giống như những người khác, một khi họ bị truyền bá. Một khi họ nhận được thông tin, giáo lý, từ tuyên truyền, v.v., thì họ sẽ hình thành trong tâm trí một loại niềm tin.”
“Khi quý vị trở thành người cộng sản, quý vị phải làm điều này điều kia. Quý vị phải đạt được sức mạnh bằng bạo lực, đe dọa, bằng cách sát hại, bằng cách phá hủy bất cứ thứ gì.” Ông cho biết những người theo hệ tư tưởng chủ nghĩa Marx, hay chủ nghĩa cộng sản trá hình, có nhiều chiến lược khác để giành và giữ quyền lực.
“Sự xâm nhập, chia rẽ, phân hóa xã hội … nếu không có [bất ổn] thì họ có thể tạo ra bất ổn. Những người cộng sản tự nói với bản thân rằng, hãy tạo ra một (bất ổn) trên đất nước mà họ đến.”
Chủ nghĩa Marx sử dụng chiến lược phân hóa xã hội thành hai nhóm, với một nhóm bị gán nhãn là những kẻ áp bức và nhóm khác là những người bị áp bức, và ông Oum nhận thấy điều này đang diễn ra trong xã hội Mỹ ngày nay.
Ông Oum nhấn mạnh rằng những người theo chủ nghĩa Marx và những người theo chủ nghĩa xã hội sử dụng một công cụ không thường được cho là gây thiệt mạng nhưng nó có thể có lực sát thương ngang với một khẩu súng: ngôn ngữ.
“Chúng ta nhìn thấy những người cộng sản với súng của họ, với bất cứ thứ gì của họ. Nhưng điều mà chúng ta thường khó có thể nhìn thấy, điều mà quý vị quên, là ngôn ngữ của họ, ngôn ngữ biện chứng của họ, thứ mà chúng ta gọi là ngôn ngữ cách mạng, ngôn ngữ của chính họ — do chính họ tạo ra — có sức mạnh như một vũ khí,” ông Oum nói. “Họ có thể lấy mạng quý vị bằng ngôn ngữ của họ.”
Ông nói rằng chế độ này không coi trọng sinh mạng, và chỉ có công việc nặng nhọc mà người ta có thể thực hiện mới có giá trị đối với họ. Để tồn tại, ông nói rằng người ta phải “làm cho mình mù, làm cho mình điếc, làm cho mình câm, đó là ba quy tắc. Đừng chứng kiến bất cứ điều gì.”
Sau một năm sống dưới chế độ tàn bạo, lao động khổ sai, và chứng kiến có quá nhiều người tử vong ngoài sức tưởng tượng, ông đã lấy hết can đảm chạy trốn sang Thái Lan với mục tiêu rõ ràng: kể cho mọi người nghe những gì ông đã chứng kiến dưới thời Khmer Đỏ.
Khi bắt đầu lên kế hoạch chạy trốn, ông cho biết những lời của cựu Thủ tướng Anh thời chiến Winston Churchill, “hãy cầu nguyện trong thời kỳ đen tối nhất,” đã vọng về trong ông, và vì vậy, mặc dù khi đó tín ngưỡng đang bị đàn áp, ông đã đến một ngôi làng gần đó để cầu nguyện trước một bức tượng Phật và cầu ban cho lòng can đảm.
Những ngày sau đó, ông bắt đầu cuộc hành trình 22 ngày dưới sự bảo hộ của màn đêm, chỉ với một túi gạo khô nhỏ được giấu trong tay áo. Cảm nhận được mối liên hệ với thế giới tâm linh, ông đã đi bộ xuyên rừng rậm và mắc bệnh sốt rét nhưng cuối cùng đã thoát khỏi Campuchia cộng sản để đến Thái Lan.
Ông nói rằng ông đã duy trì một ý nghĩ trong suốt 22 ngày đó của mình: nói cho thế giới biết những gì ông đã chứng kiến dưới chế độ cộng sản, một chế độ hoàn toàn coi thường sinh mạng của con người và của mỗi cá nhân.
Ông Nal Oum là cha của biên tập viên Channaly Philipp của Epoch Times.
Cô Masooma Haq đã bắt đầu đưa tin từ Pakistan cho The Epoch Times vào năm 2008. Hiện tại, cô chuyên viết về nhiều chủ đề bao gồm chính phủ, văn hóa, và giải trí của Hoa Kỳ.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: