Bắc Kinh xác nhận ‘chính thức ký kết’ hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon
Bộ Ngoại giao Bắc Kinh xác nhận chính thức ký kết hiệp ước an ninh gây tranh cãi với giới lãnh đạo Quần đảo Solomon, vốn mở đường cho Trung Quốc đóng quân và vũ khí ở Nam Thái Bình Dương.
Những bình luận từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân này đã khiến giới chính trị Úc đổ lỗi cho nhau về thành công — và thất bại — của hợp tác ngoại giao trong khu vực này.
Hôm 19/04, ông Uông đã xác nhận rằng “Hiệp định Khung Giữa Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và Chính phủ Quần đảo Solomon về Hợp tác An ninh” đã được ký giữa Bộ trưởng Ngoại giao CHND Trung Hoa Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele. Sự kiện ký kết rõ ràng mới nhất này diễn ra sau khi các đại diện ngoại quốc chính thức “khởi xướng” thỏa thuận này giữa hồi cuối tháng Ba.
Ông Uông Văn Bân cho biết thỏa thuận đã được ký dựa trên “nguyện vọng và nhu cầu thực tế của Quần đảo Solomon” và rằng nó sẽ “không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.
Các quan chức cao cấp của Úc và Hoa Kỳ đã bị đẩy vào tình huống bẽ mặt bởi sự xuất hiện của thỏa thuận mà các chuyên gia an ninh cảnh báo sẽ cho thấy khả năng quân sự hóa các đảo ở Thái Bình Dương — mở rộng phạm vi hoạt động của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ra ngoài Biển Đông trong bán kính 1,700 km từ thành phố Cairns phía bắc của Úc.
Vị trí của Quần đảo Solomon là rất quan trọng và từng là địa điểm của các cuộc giao tranh trên diện rộng trong Đệ nhị Thế chiến vì ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển.
Về bản chất, thỏa thuận sẽ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc — với sự đồng ý của phía Solomon — cử cảnh sát, quân đội, vũ khí và thậm chí cả tàu hải quân để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở quần đảo Solomon.”
Trong khi đó, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Kurt Campbell sẽ đến quần đảo Solomon trong những ngày tới để nói chuyện với Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomons. Diễn biến này đến sau khi các quan chức ngoại giao Úc, Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương Zed Seselja, và hai người đứng đầu cơ quan tình báo đều gặp Thủ tướng Sogavare để kêu gọi ông rút lại thỏa thuận này.
Đảng Lao Động đối lập của Úc đã đổ lỗi cho chính phủ ông Morrison vì sự giao thiệp hời hợt tắc trách trong khu vực này.
Bà Penny Wong, phát ngôn viên ngoại giao của Đảng Lao Động, nói rằng dưới sự cai trị của Thủ tướng Scott Morrison, khu vực này trở nên “kém an toàn hơn” và rủi ro đối với Úc lớn hơn nhiều.
“Lẽ ra chính phủ phải hành động sớm hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những hoàn cảnh chiến lược mà chúng ta phải đối mặt trở nên rủi ro và bấp bênh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc,” bà nói với Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) hôm 20/04.
Ngoại trưởng đương nhiệm Marise Payne cho biết việc chỉ trích chính phủ đã không công nhận rằng các quyết định của ban lãnh đạo Quần đảo Solomon là “những quyết định mà các chính phủ tự đưa ra”.
“Việc đó cũng không công nhận sức mạnh và sự cam kết hợp tác mà Úc đã thực hiện thông qua [chương trình] Bước tiến Thái Bình Dương,” bà nói với đài ABC, tuy nhiên lưu ý rằng hiệp ước an ninh này đã không được ký kết một cách “công khai và minh bạch”.
Bà nói thêm: “Các vấn đề an ninh đã được giải quyết theo một cách thức trên toàn Thái Bình Dương, đó là cách tiếp cận truyền thống cho những vấn đề này, và đó là lý do tại sao một số đối tác ở Thái Bình Dương cũng bày tỏ e ngại.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Thái Bình Dương của Úc đã loại trừ việc cắt giảm chi tiêu viện trợ cho quốc gia Thái Bình Dương này để đáp trả việc ký thỏa thuận trên.
Nhà phân tích địa chính trị Cleo Paskal, thuộc Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) có trụ sở tại London, cho biết cần một chiến thuật để gây áp lực lên thủ tướng của Quần đảo Solomon.
“Ông Sogavare và các thành viên Quốc hội của ông ấy có một lựa chọn,“Quý vị có thể đối đầu với Trung Quốc, hoặc quý vị có thể đối đầu với phần còn lại của thế giới,” bà từng nói với The Epoch Times trước đây.
Bà Paskal cho biết vị thủ tướng này “rất không được lòng dân” ở trong nước, và bà đề nghị tiến trình dân chủ nên được thúc đẩy và thủ tướng phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện Thỏa thuận Hòa bình Townsville năm 2000 — vốn đã chấm dứt tình trạng bất ổn trong nước và đặt nền tảng cho nền dân chủ của quốc gia.
“Đưa ra các bước mà các tỉnh khác nhau, bao gồm cả [Tỉnh] Malaita, đã đồng ý. Có một loạt các vấn đề đã được đàm phán — mọi người đã ký tên vào đó, bao gồm cả chính phủ dưới quyền ông Sogavare,” bà cho hay, đồng thời nói rằng các quốc gia láng giềng nên ngừng tập trung nỗ lực vào việc thay đổi suy nghĩ của ông Sogavare, và thay vào đó, hãy tăng cường hợp tác với các bên liên quan khác trong quần đảo Solomon.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo cấp tỉnh và lãnh đạo đối lập quốc gia Matthew Wale đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh này.
Ông Wale cho biết trong một tuyên bố mà The Epoch Times có được: “Tất cả những nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn, mất an ninh và thậm chí là đe dọa đến sự thống nhất quốc gia ở Quần đảo Solomon là hoàn toàn nội tại.”
Ông Wale đã gọi Thủ tướng Sogavare là một “tay sai” của Bắc Kinh, và rằng ông đã mong chờ đến một ngày ông có thể “phục thù” nước Úc – Thủ tướng, người từ lâu đã chỉ trích về sự can thiệp của Úc trong khu vực này, cho rằng họ đang thực hiện “chủ nghĩa thực dân”.
Nhà lãnh đạo phe đối lập của Quần đảo Solomon này đã nói rằng “ngày (của sự báo thù) đó đã đến, và ông ta rất hoan hỉ đâm thanh kiếm của mình vào lưng Úc. Trung Quốc thì rất sẵn lòng giúp đỡ Thủ tướng Sogavare, có những ý tưởng lớn gặp nhau trong vấn đề này.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: