Bắc Kinh, Wall Street có thể thắt chặt mối quan hệ dưới thời tổng thống tiềm năng Biden
Wall Street đã phát triển mạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump ngay cả khi nhiều nhà tài trợ của nó ủng hộ đối thủ từ Đảng Dân Chủ, ông Joe Biden, trong cuộc bầu cử năm 2020. Một lý do cho việc ủng hộ ông Biden có thể là sự khó chịu với các chính sách của TT Trump đối với Trung Quốc.
Mặc dù kết quả của cuộc đua tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng trong khi phải chờ đợi một số tranh chấp pháp lý và tái kiểm đếm phiếu, chiến thắng của ông Biden có thể là một món quà cho Wall Street. Ngành ngân hàng đầu tư đang vận động chính phủ TT Trump giảm căng thẳng với Bắc Kinh.
Trong đợt bầu cử này, Wall Street đã đóng góp hơn 70 triệu USD cho chiến dịch bầu cử của ông Biden, nhiều hơn số tiền TT Trump nhận được từ các quỹ đầu cơ và ngân hàng đầu tư, theo CNBC. Con số đó cũng nhiều hơn số tiền mà TT Barack Obama thu được từ Wall Street trong hai lần tranh cử tổng thống của ông cộng lại.
Khi các thành viên Đảng Dân Chủ huy động được một số tiền đáng kể từ lĩnh vực này, “điều đó có nghĩa là đối với tôi, họ đang thực hiện các giao dịch,” TT Trump nói các phóng viên hôm 03/11 tại trụ sở chiến dịch tranh cử của ông ở Virginia.
“Những gì tôi đã không làm là gọi cho Wall Street và nói, gửi cho tôi 25 triệu USD… cho người đứng đầu mọi công ty. Tôi có thể đã làm được điều đó. Tôi sẽ là vua gây quỹ mọi thời đại nếu tôi làm như vậy. Nhưng một khi quý vị làm điều đó, quý vị không còn có thể đối xử đúng đắn với họ nữa. Chỉ là quý vị không thể,” ông nói.
Trong hơn một thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã lợi dụng thị trường vốn của Hoa Kỳ trong khi hoạt động theo các tiêu chuẩn lỏng lẻo. Các cơ quan quản lý ở Bắc Kinh đã từ chối cho phép thanh tra kiểm toán các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia và bí mật nhà nước.
Năm 2013, dưới thời chính phủ TT Obama-Biden, một cơ quan quản lý Hoa Kỳ, Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng, đã ký một bản ghi nhớ (MOU) với các cơ quan quản lý Trung Quốc. Bản ghi nhớ cung cấp cho các công ty Trung Quốc đường tiếp cận dễ dàng hơn vào thị trường vốn Hoa Kỳ mà không phải tuân thủ các quy tắc công bố thông tin mà các công ty Hoa Kỳ phải thực hiện.
Sự nhượng bộ này là một phần trong sự tham gia tích cực của Phó Tổng thống khi đó là ông Biden trong việc tăng cường mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Bản ghi từ kho lưu trữ của chính quyền TT Obama cho thấy thỏa thuận đạt được sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc họp với ông Biden, theo bài báo của Just the News được xuất bản hồi tháng 5/2020.
Kết quả của sự nhượng bộ này là các nhà đầu tư Hoa Kỳ, thông qua quỹ hưu trí của họ, đã vô tình chuyển của cải từ Hoa Kỳ sang các tổ chức Trung Quốc không tuân thủ những tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Thậm chí một số công ty này bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt khi họ dính líu đến quân đội, gián điệp và vi phạm nhân quyền của Trung Cộng.
Tính đến ngày 02/10, đã có 217 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, với tổng giá trị thị trường là 2.2 nghìn tỷ USD, theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ.
Các ngân hàng đầu tư của Hoa Kỳ có lợi ích trong việc gây quỹ cho các công ty Trung Quốc trên thị trường vốn Hoa Kỳ vì họ kiếm được các khoản phí đáng kể từ các tổ chức này.
Sự sụp đổ của các công ty Trung Quốc
Chính quyền TT Trump đã thực hiện một số hành động trong năm nay để hạn chế dòng tiền từ các quỹ liên bang của Hoa Kỳ đổ vào chứng khoán Trung Quốc. Tòa Bạch Ốc cũng đưa ra một kế hoạch yêu cầu tất cả các công ty niêm yết, bao gồm cả các công ty Trung Quốc, tuân thủ các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ trước ngày 01/01/2022.
Không rõ liệu chính quyền ông Biden có thể đảo ngược tất cả các biện pháp mà TT Trump đã thực hiện hay không, trong bối cảnh mức độ phổ biến của Trung Quốc đang giảm mạnh ở Hoa Kỳ.
Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc đang cân nhắc việc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ do Washington gia tăng trừng phạt.
Hàng nghìn công ty Trung Quốc không niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ nhưng có thể tiếp cận vào thị trường tài chính Hoa Kỳ thông qua các nhà cung cấp [quỹ đầu tư theo] chỉ số toàn cầu cũng lo ngại về hoạt động tăng cường giám sát. Nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số, MSCI, năm ngoái đã tăng đáng kể trọng số cổ phiếu Trung Quốc trong bảng chỉ số chuẩn của thị trường toàn cầu và mới nổi, dẫn đến việc hàng tỷ dollar đổ vào cổ phiếu Trung Quốc.
Nhiều quỹ chỉ số và quỹ tương hỗ sở hữu các cổ phiếu có trụ sở tại Trung Quốc khi chúng lấy chuẩn theo các chỉ số MSCI.
Mối lo ngại về cách các quỹ hưu trí của Hoa Kỳ đang tài trợ cho sự trỗi dậy của chế độ toàn trị ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi giám sát nhiều hơn các khoản đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc. Gần đây nhất, thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa -Florida) và Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana) đề xuất dự luật cấm các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hoặc danh sách các công ty quân sự [của] Trung Quốc của Lầu Năm Góc.
Ông Roger Robinson, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của RWR Advisory Group, công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn rủi ro có trụ sở ở Washington, nói với The Epoch Times rằng, “Bắc Kinh rõ ràng quan tâm về việc gây quỹ quy mô lớn của Trung Quốc trên thị trường vốn Hoa Kỳ, điều vốn đang ngày càng bị soi xét, [gây] lo ngại và áp đặt điều kiện.”
Ông nói, mối quan tâm đó có thể đóng một phần vai trò nào đó trong việc hoãn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group.
“Người ta có thể chắc chắn rằng Đảng Cộng sản đã lưu ý đến sự chú ý và lo lắng của chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến Ant Group trong thời gian chuẩn bị IPO,” ông cho biết và nói thêm rằng hiện đang có cuộc thảo luận trong chính phủ TT Trump về việc “thực hiện các hành động có tác dụng củng cố các quy định của luật Rubio.”
Tuần trước, công ty công nghệ tài chính khổng lồ Ant Group của Trung Quốc đã tạm dừng đợt IPO trị giá 37 tỷ USD ở Thượng Hải và Hồng Kông chưa đầy 48 giờ trước khi ra mắt.
Các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ là Citigroup, JPMorgan Chase và Morgan Stanley nằm trong số những nhà bảo lãnh chính cho đợt IPO của Ant. Số đăng ký mua gấp 872 lần số chào bán, cho thấy họ đã đánh giá quá thấp về nhu cầu đối với cổ phiếu của công ty.
Nhu cầu mạnh mẽ cũng thể hiện rõ trong đợt chào bán trái phiếu chính phủ của Trung Quốc gần đây. Tháng trước, Bắc Kinh đã thu hút hơn 27.2 tỷ USD đơn đặt hàng cho trái phiếu trị giá 6 tỷ USD, được bán trực tiếp cho các nhà đầu tư tổ chức tại Hoa Kỳ. Trái phiếu Trung Quốc có lợi suất tương đối cao hơn hầu hết trái phiếu của bất kỳ quốc gia nào khác.
Một giám đốc điều hành cao cấp của một công ty quản lý đầu tư ở New York, người được yêu cầu giấu tên, cho biết các nhà đầu tư tổ chức vẫn ủng hộ Trung Quốc vì họ đang khao khát lợi nhuận.
“Vấn đề là, chính sách đẩy lãi suất xuống 0 hoặc âm của các ngân hàng trung ương toàn cầu thực sự không tốt đối với các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ lương hưu và các công ty bảo hiểm, những bên phải tạo ra lợi tức tối thiểu. Điều này đang đẩy họ sâu hơn vào các loại tài sản rủi ro hơn như các trái phiếu chính phủ Trung Quốc,” ông nói.
“Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia Wall Street không hoàn toàn đồng ý với chính sách gia tăng căng thẳng với Trung Quốc của TT Trump. Họ nghĩ rằng Trung Quốc có thể có hại đối với một số lĩnh vực như công nghiệp hoặc công nghệ nhưng không phải đối với Wall Street.”