Bắc Kinh trừng phạt các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ vì bán vũ khí cho Đài Loan
Trung Quốc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt không xác định đối với Lockheed Martin, Boeing Defense, Raytheon và các công ty khác của Hoa Kỳ mà theo họ là có liên quan đến các thương vụ bán vũ khí của Washington cho Đài Loan.
Hôm 26/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết động thái này là để bảo vệ các lợi ích quốc gia của chế độ này, nhưng không nêu rõ các biện pháp trừng phạt sẽ áp dụng theo hình thức nào.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và từ chối công nhận chủ quyền của họ. Bắc Kinh chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa quốc gia này về dưới sự kiểm soát của mình.
Động thái này diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phê duyệt một thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan mà tổng trị giá có thể lên đến 1.8 tỷ USD, Lầu Năm Góc cho biết vào tuần trước. Kế hoạch bán vũ khí đã được trình lên Quốc hội để xem xét lần cuối, và sẽ không có khả năng bị phản đối.
Gói vũ khí này bao gồm 135 SLAM-ER – một loại hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không tiên tiến do Boeing sản xuất; các hệ thống hỏa tiễn pháo di động Himars của Lockheed Martin; và các cảm biến giám sát và trinh sát của Raytheon, sẽ được gắn trên máy bay.
Trước đây, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Hoa Kỳ vì bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng không cung cấp chi tiết về bản chất của các hình phạt. Gần đây nhất vào tháng 7, họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt không xác định đối với Lockheed Martin vì liên quan đến thương vụ bán các hỏa tiễn đất đối không Patriot trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan.
Boeing cho biết trong một tuyên bố gửi qua email rằng quan hệ đối tác của công ty này với cộng đồng hàng không của Trung Quốc mang lại lợi ích lâu dài và Boeing vẫn cam kết với điều đó.
Lockheed Martin nói rằng tất cả các thương vụ quốc tế của họ đều được chính phủ Hoa Kỳ quản lý chặt chẽ và sự hiện diện của họ ở Trung Quốc là rất hạn chế.
Raytheon đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Washington bị ràng buộc theo luật phải cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.
Chính phủ Trump đã tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan thông qua việc bán vũ khí và các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Bắc Kinh đã leo thang mạnh mẽ áp lực quân sự đối với Đài Loan trong những tháng gần đây.
Trong năm nay, tính đến thời điểm này chiến đấu cơ của Trung Quốc đã vượt qua “đường trung tuyến” nhạy cảm ở Eo biển Đài Loan – một ranh giới được coi là vùng đệm không chính thức – 49 lần, con số cao nhất trong một năm kể từ năm 1990.
Trong tháng này, Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien cho biết rằng mặc dù Trung Quốc có lẽ chưa sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào lúc này, nhưng hòn đảo này cần phải “tự củng cố” để chống lại một cuộc tấn công trong tương lai hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập nó thông qua các biện pháp phi quân sự, chẳng hạn như một lệnh cấm vận.