Bắc Kinh tìm cách tận dụng mối bang giao ‘mạnh mẽ’, ‘cùng có lợi’ với Nga để vụ lợi cho mình
Bắc Kinh đã đi theo một con đường cân bằng khó được kể từ khi Nga xâm lược Ukraine một năm trước đây, từ chối lên án cuộc xâm lược một cách dứt khoát trong khi tiến hành xem xét lập trường của họ về cuộc chiến tranh này và tìm cách củng cố vị thế với tư cách là đối tác cao cấp hơn, hoặc chiếm ưu thế hơn trong mối bang giao cùng có lợi Trung-Nga.
Mặc dù Bắc Kinh có thể không lên án ông Vladimir Putin một cách rõ ràng vì hành động xâm lược Ukraine, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại lo ngại về việc các quốc gia nhỏ mới nổi nhìn nhận Trung Quốc ra sao và do đó họ có những lý do địa chiến lược riêng để không ủng hộ chiến thắng của ông Putin. Họ tìm cách giữ quan hệ tốt với ông Putin trong khi âm thầm củng cố quyền lực của mình ở những nơi khác trên thế giới.
Đó là quan điểm của các diễn giả trong một cuộc thảo luận nhóm hôm 15/02, “Mối bang giao Trung-Nga một năm sau chiến tranh Ukraine,” được tổ chức dưới sự bảo trợ của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Người điều hành là ông Paul Haenle, cựu Giám đốc về Trung Quốc của Tòa Bạch Ốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính phủ của các tổng thống George W. Bush và Barack Obama, và những người tham gia hội thảo là ông Alexander Gabuev, một Thành viên cao cấp của Carnegie; ông Lý Minh Giang (Li Mingjiang), một tác giả và là giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Dương ở Singapore; và bà Hoàng Thị Hà, một nghiên cứu viên cao cấp người Việt Nam và là đồng điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị Khu vực tại Viện ISEAS–Yusof Ishak (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) ở Singapore.
Những lợi ích của Bắc Kinh
Một năm sau khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, Nga và Trung Quốc vẫn có mối quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi cho đôi bên, ông Gabuev nói. Nhưng thực tế này có liên quan đến việc Bắc Kinh không coi việc phản đối cuộc chiến tranh Ukraine là phục vụ cho lợi ích của bản thân họ, hơn là liên quan đến bất kỳ sự phản đối theo nguyên tắc nào dựa trên các nguyên lý về chủ quyền và luật pháp quốc tế, ông lập luận. Ông Gabuev mô tả cách tiếp cận và chiến lược của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là có chút cơ hội và cực đoan.
“Tôi nghĩ rằng mối quan hệ đối tác này là như nhau, và đường lối xu hướng là như nhau. Quan hệ giữa đôi bên ngày càng trở nên bất đối xứng, vì Trung Quốc có nhiều đòn bẩy và nhiều lựa chọn hơn Nga trong mối bang giao,” ông Gabuev nói.
“Trung Quốc có phần được hưởng lợi nhiều hơn Nga, nhưng Nga cũng được hưởng lợi. Và đó là một mối bang giao sẽ không phải là một liên minh, mà sẽ là một sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, và ngày càng theo các điều khoản của ông Tập Cận Bình,” ông nói tiếp.
Chính các lợi ích của ông Tập Cận Bình sẽ giữ Nga ở gần Trung Quốc một cách chiến lược để ngăn chặn một kịch bản có thể khó hình dung vào lúc này, trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine, nhưng vẫn là một khả năng xảy ra trong tương lai: cụ thể là, sự chuyển hướng từ Nga sang lập trường thân phương Tây và thân dân chủ hơn. Ông Gabuev cho biết một diễn biến như vậy có thể huỷ hoại quyền tiếp cận của Trung Quốc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga, những thứ mà nước này hiện đang được hưởng chiết khấu.
“Hãy thu nhỏ lại để nhìn tổng quan hơn và xem đâu là lợi ích của Trung Quốc liên quan đến cuộc chiến. Nước này xem mối quan hệ đối tác với Nga là quan trọng. Nga là một nước láng giềng lớn ở phía bắc. Có một đường biên giới ổn định, hòa bình với Nga là điều cốt yếu đối với Trung Quốc,” ông nhận xét.
“Nếu Nga trở thành một nước dân chủ thân Hoa Kỳ và xin gia nhập NATO, thì đó là cơn ác mộng chiến lược đối với Trung Quốc,” ông Gabuev nói thêm.
Bắc Kinh có thể đã không vội vàng lên án hành động xâm lược Ukraine của Moscow. Nhưng theo phân tích của ông Gabuev, thì các quan chức Trung Quốc miễn cưỡng đứng về phía các nền dân chủ phương Tây ở đây bởi vì, nếu như họ nhượng bộ trước áp lực của phương Tây về vấn đề Ukraine, họ sợ sẽ có thêm những yêu cầu cho mình.
Các chính phủ phương Tây có rất nhiều yêu cầu mà họ muốn thấy Bắc Kinh chấp thuận, từ chấm dứt nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, đến trở nên minh bạch hơn trong việc sử dụng tiền từ các đối tác kinh doanh ngoại quốc để tài trợ cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
“Hãy tưởng tượng Trung Quốc quăng ông Vladimir Putin vào gầm xe buýt, áp đặt các biện pháp trừng phạt, và nói rằng cuộc tấn công dữ dội phong cách đế quốc đầy man rợ nhằm vào Ukraine này là không thể chấp nhận được, và Trung Quốc chung tay với tất cả các thành viên văn minh khác của cộng đồng quốc tế. Nếu như điều đó dẫn đến sự sụp đổ của ông Putin, thì điều đó có cải thiện được mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc một cách căn bản không?” ông Gabuev hỏi.
“Câu trả lời là không. Kỳ vọng là phương Tây sẽ chỉ xem sự nhượng bộ này là đương nhiên, và nói, ‘Được rồi, Trung Quốc, thế còn Tân Cương thì sao, Đài Loan thì sao, việc đánh cắp sở hữu trí tuệ thì sao, việc chi tiêu của PLA thì thế nào, nhân quyền ở Hồng Kông thì sao đây?” ông nói.
Ông Tập Cận Bình và những người khác trong chính quyền ở Bắc Kinh nhận thức được thực tế rằng Nga là một cường quốc hạt nhân đã không loại trừ dứt khoát việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường ở Ukraine. Ông Gabuev lập luận rằng điều này càng khiến họ cảm thấy rằng lợi ích cá nhân của họ không liên quan đến việc chống lại ông Putin.
Thụ động dung túng
Ông Lý đồng ý rằng Bắc Kinh không coi cuộc chiến tranh Ukraine là một mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của bản thân họ.
“Họ đã cố gắng hết sức để không bị Moscow coi là phản bội mối quan hệ đối tác chiến lược,” ông Lý nhận xét. “Về căn bản, tôi nghĩ rằng mối bang giao này vẫn mạnh mẽ.”
Đồng thời, các quan chức ở Bắc Kinh bảo vệ lợi ích của họ. Ông nói rằng mặc dù họ có thể do dự chỉ trích ông Putin một cách công khai, nhưng họ có thể đang thực hiện một số suy xét và suy nghĩ về việc làm sao họ có thể tận dụng tốt hơn tình huống này để mang lại lợi ích cho mình.
“Tôi nghĩ mọi người ở Trung Quốc nhận ra rằng lẽ ra họ có thể thực hiện tốt hơn để làm rõ rằng Trung Quốc không thực sự ủng hộ Nga, có một số khác biệt, và còn về các hành động ngoại giao thực tế, thì Trung Quốc đáng lẽ có thể đã học được từ những gì Ấn Độ làm. Ấn Độ, trong tháng sau cuộc xâm lược, cố gắng giữ thái độ trung lập, nhưng họ đã làm một số điều để chỉ trích Nga và đồng thời ủng hộ Ukraine,” ông Lý nói.
Ông suy đoán rằng hiện giờ Bắc Kinh có thể đang cố gắng đi theo một đường hướng cân bằng, chỉ là mục tiêu cuối cùng của ông Tập Cận Bình là tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc, và việc các lực lượng của ông Putin bị đánh bại trên chiến trường sẽ không phải là một kết quả không thể chấp nhận được đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc này.
“Tôi nghĩ Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chính sách chờ xem của họ, và theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ukraine. Ngay cả nếu ông Putin và Nga bị đánh bại về mặt quân sự, và Nga trở thành một cường quốc yếu hơn nhiều, thì điều đó là có thể chấp nhận được đối với ông Tập Cận Bình và Trung Quốc,” ông nói.
Bảo vệ danh tiếng của Trung Quốc
Bà Hà đồng ý rằng lợi ích cá nhân của Bắc Kinh không đòi hỏi phải ủng hộ toàn diện cho cuộc chiến của ông Putin.
“Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine và cách ứng phó với những bên tham gia khác không phải là trắng đen, theo kiểu hoặc là thế này/hoặc là thế kia. Có mối bang giao gần gũi hơn với Nga không có nghĩa là bị mắc kẹt với Nga,” bà nói. “Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không cố gắng hết sức để giúp Nga không thua trận.”
Bà Hà cho biết một điểm cần cân nhắc đối với Bắc Kinh ở đây là vị thế của Trung Quốc trong số các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Chính quyền ở Bắc Kinh quan tâm đến lợi ích của bản thân họ và sự tôn trọng mà họ có được trong mắt các cường quốc mới nổi đó nhiều hơn là xoa dịu ông Putin chỉ vì để xoa dịu.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times