Bắc Kinh tiến hành ‘xâm nhập có mục tiêu’ vào Đài Loan, tăng cường hoạt động gián điệp
Có những dấu hiệu cho thấy những năm gần đây Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động gián điệp tại Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang ở Eo biển Đài Loan. Các nhà phân tích đã nêu ra cả sự lo ngại lẫn lạc quan.
Trong thập niên vừa qua, ít nhất 21 sĩ quan Đài Loan đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu với cấp bậc đại úy trở lên bị kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc, theo một bản đánh giá hồ sơ tòa án của Reuters hôm 20/12 và các báo cáo từ các cơ quan thông tấn chính thức của Đài Loan. Ít nhất chín thành viên đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu khác của các lực lượng vũ trang hiện đang bị xét xử hoặc bị điều tra vì nghi ngờ có liên hệ với các gián điệp của Trung Quốc, bản đánh giá cho thấy.
Các sĩ quan bị kết án đã phạm tội chiêu mộ gián điệp cho Trung Quốc hoặc chuyển một loạt thông tin nhạy cảm cho Trung Quốc, bao gồm thông tin chi tiết liên lạc của các sĩ quan cao cấp của Đài Loan và thông tin chi tiết về các đặc vụ của Đài Loan tại Trung Quốc.
Những vụ việc đó cho thấy Trung Quốc đã dựng lên một chiến dịch rộng lớn hơn để làm suy yếu vai trò lãnh đạo quân sự và dân sự của hòn đảo dân chủ này, làm xói mòn ý chí chiến đấu của họ, khai thác thông tin chi tiết về các vũ khí công nghệ cao, và có được những hiểu biết sâu sắc về kế hoạch phòng thủ, theo những người làm công tác phản gián Đài Loan và các cựu sĩ quan quân đội của hòn đảo này và của Hoa Kỳ.
Cựu thiếu tướng La Hiền Triết (Lo Hsieh-che) được cho là sĩ quan cấp cao nhất bị bắt do cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc trong 50 năm. Ông từng là trưởng phòng thông tin và liên lạc điện tử trong Quân đội Đài Loan cho đến khi bị bắt vào đầu năm 2011.
“Trung Quốc đang tiến hành một nỗ lực xâm nhập rất có mục tiêu vào Đài Loan”, Trung tá Hải quân Đài Loan đã nghỉ hưu Lã Cầu Thúc (Lu Li-shih) cho biết. Ông cho biết các vụ gián điệp cho thấy Bắc Kinh đã thỏa hiệp với hầu hết các cấp bậc, kể cả các tướng lĩnh cấp cao nhất, bất chấp các chiến dịch giáo dục nội bộ chuyên sâu trong quân đội cảnh báo về những mối đe dọa do các nỗ lực gián điệp của Bắc Kinh mang đến.
Ông Lã cho biết các đặc vụ của Bắc Kinh thường bắt đầu làm mềm lòng mục tiêu của họ bằng những món quà nhỏ, những đồ uống, và các bữa ăn. Những người điều hành thường trả rất hậu hĩnh cho phần thông tin bí mật đầu tiên lấy được từ các sĩ quan tại chức hoặc đã nghỉ hưu. Khoản thanh toán này sau đó sẽ được sử dụng để tống tiền buộc họ phải cung cấp thêm thông tin tình báo với giá thấp hơn nhiều, theo ông Lã.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cũng sẽ lôi kéo các điệp viên tiềm năng người Đài Loan nhận các chuyến đi ra hải ngoại miễn phí, tại đó họ sẽ gặp những người điều khiển Trung Quốc và các quan chức khác của Trung Cộng. Các tài liệu chính thức cáo buộc rằng sáu sĩ quan đang tại chức và đã nghỉ hưu nhận được các chuyến đi bao thầu trước toàn bộ chi phí đến Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Singapore, cũng như các thành phố của Trung Quốc trong đó có Thâm Quyến, Hồng Kông, và Ma Cao.
Theo các nhà phân tích, khi Trung Quốc đe dọa tấn công Đài Loan, thì việc có được thông tin trước về các kế hoạch phòng thủ, các mã liên lạc, các địa điểm đặt vũ khí, và địa điểm đóng quân sẽ bù đắp một số trở ngại của cuộc tấn công. Các sĩ quan không trung thành cũng có thể từ chối chiến đấu, điều động sai đội quân của họ, hoặc đào ngũ theo những kẻ tấn công.
Trong một báo cáo hồi tháng Chín về quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Đài Loan thừa nhận rằng trong một cuộc tấn công, các đặc vụ của Trung Quốc “đang ẩn nấp” trên đảo có thể tấn công vào các trung tâm chỉ huy để “sát hại” bộ phận lãnh đạo quân sự và chính trị của Đài Loan, cũng như làm mất tinh thần lực lượng vũ trang của họ.
“Các trường hợp lặp đi lặp lại về việc các sĩ quan cấp cao nhất của lực lượng vũ trang Đài Loan bị kết tội gián điệp có thể gây ra ảnh hưởng tâm lý đối với quân đoàn sĩ quan và trong các cấp bậc,” ông Grant Newsham, một Đại tá Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu cho biết. “Và, một khi quý vị có thể tạo ra sự nghi ngờ về tính trung thực của các nhà lãnh đạo của một quốc gia, thì sự mục nát bắt đầu và ngày càng trầm trọng hơn”.
Nhà lập pháp Vương Định Vũ (Wang Ting-Yu) lưu ý các hình phạt nhẹ đối với tội làm gián điệp ở Đài Loan. “Hiện tại, thách thức lớn nhất của chúng tôi là các thẩm phán của chúng tôi thiếu sự hiểu biết về an ninh quốc gia”, ông Vương nói. Trên thực tế, hình phạt nặng nhất cho các tội danh liên quan đến gián điệp của Trung Cộng có thể là tử hình, dựa trên các quy định pháp luật mới nhất của hòn đảo này.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-Yun), Giám đốc Bộ phận Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan, khuyến nghị một tòa án chuyên biệt có thể là một phương án để chống lại tội phạm gián điệp ở nền dân chủ này. Ông cảnh báo, “Các kẻ thù của chúng ta sẽ dùng mọi cách để mở rộng mạng lưới gián điệp”. Tuy nhiên, ông tin rằng Đài Loan sẽ bịt các kẽ hở an ninh quốc gia của mình.
Ông nhấn mạnh: “Đáng lẽ ra chúng tôi sẽ không phải lo lắng về vấn đề này quá nhiều.”
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Luo Ya
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: