Bắc Kinh tăng cường các hoạt động tạo ảnh hưởng trên Twitter trong nỗ lực thay đổi quan điểm toàn cầu
Bắc Kinh đang tăng cường các chiến dịch tạo ảnh hưởng của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây như là một phần trong nỗ lực truyền bá những quan điểm ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi các nỗ lực làm sai lệch thông tin của Nga trên Facebook và Twitter đã thu hút phần lớn sự chú ý của giới truyền thông nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ, các nhà phân tích nói rằng chính quyền Trung Quốc đã bắt kịp việc “bành trướng” và phát triển các hoạt động tạo ảnh hưởng [của mình] trên các nền tảng này (mặc dù các nền tảng này bị cấm ở bên trong Trung Quốc).
Những khởi xướng cho hoạt động này của chính quyền Trung Quốc đã “tăng áp” khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu. ĐCSTQ đã làm sai lệch thông tin trong một chiến dịch tuyên truyền đầy công kích mang tính toàn cầu nhằm làm chệch hướng dư luận và đổ lỗi cho Hoa Kỳ trong vấn đề dịch bệnh, đồng thời khuếch trương các bài tường thuật ca ngợi các nỗ lực ứng phó của chính quyền này. Gần đây, chiến dịch này đã khai thác tình trạng bất ổn trên toàn quốc của Hoa Kỳ sau cái chết của George Floyd (khi người này bị cảnh sát bắt giữ) nhằm làm giảm uy tín của Hoa Kỳ và sự lãnh đạo của chính quyền dân chủ này.
Đầu tháng này, Twitter thông báo rằng họ đã gỡ bỏ hơn 170.000 tài khoản liên quan đến chính quyền Trung Quốc khi các tài khoản này có xu hướng đẩy mạnh các bài tường thuật xoay quanh đại dịch, các cuộc biểu tình ở Hong Kong và các chủ đề khác.
Công ty Twitter cho biết họ đã xóa 23.750 tài khoản gốc, và khoảng 150.000 tài khoản “khuếch đại” vốn được lập ra để đẩy mạnh mạng lưới tuyên truyền của ĐCSTQ bằng cách đăng lại và nhấn yêu thích các bài đăng này trên Twitter.
Hồi tháng 8/2019, Twitter cũng đã xóa hàng trăm tài khoản có liên kết với Bắc Kinh khi nhận thấy các tài khoản này là để phục vụ mục tiêu phá hoại hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong. Facebook và YouTube cũng đã có các hành động tương tự.
Mặc dù các chiến dịch của Trung Quốc thiếu sự tinh vi như các chiến thuật của Nga, các nhà phân tích tin rằng khoảng cách này sẽ thu nhỏ lại do các hành động dai dẳng và đầy công kích của chính quyền Trung Quốc đối với việc tuyên truyền trên nền tảng truyền thông.
Giáo sư truyền thông xã hội tại Đại học Florida Andrew Selepak nói rằng trong khi Bắc Kinh có thể có nhiều tài khoản đang “bành trướng” các bài tường thuật ủng hộ ĐCSTQ, điều này không hiệu quả bằng Nga trong việc tạo ra các tác động từ các tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, “đó là thứ sẽ thay đổi khá nhanh”, ông Selepak nói với The Epoch Times.
Chiến thuật
Trong bài phân tích của các nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) về việc gỡ bỏ các tài khoản Twitter gốc trong thời gian gần đây, hầu hết các tài khoản Twitter này bị phát hiện có thông tin chưa được xây dựng đầy đủ, đến 78,5% các tài khoản này không có người theo dõi nào cả.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các tài khoản này đã đăng 349.608 bài trên Twitter trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 4 năm 2020. Hầu hết là bằng tiếng Trung Quốc, với mục tiêu chủ yếu là nhắm vào cư dân Hong Kong và người di cư nói tiếng Trung.
Amal Sinha, một nhà phân tích dữ liệu độc lập đã xem xét toàn bộ dữ liệu này và suy luận rằng hoạt động này có thể phải tiêu tốn cả “một đạo quân nhân công gồm những kẻ đăng các thông điệp gây tranh cãi hay quấy rối trực tuyến có mục đích” ở Trung Quốc chứ không phải bằng các robot mạng (các ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng). Những hành vi đăng các bài trên Twitter của các tài khoản đó cụ thể như: đăng các bài trên Twitter trong giờ làm việc tính theo thời gian tại Bắc Kinh, có sự khác biệt đáng kể về thời gian giữa các bài đăng trên Twitter và hầu như tất cả đều được đăng từ một máy tính để bàn duy nhất.
Anh Sinha cho rằng có khả năng Bắc Kinh dùng người thật để vận hành các hoạt động này, bởi vì các robot mạng có xu hướng dễ bị phần mềm bắt tóm được.
Chính quyền Trung Quốc sử dụng một mạng lưới rộng khắp “những kẻ đăng các thông điệp gây tranh cãi hay quấy rối trực tuyến có mục đích” để kiểm duyệt thảo luận trực tuyến, ca ngợi các chính sách của ĐCSTQ, và phản bác lại các quan điểm phê phán chế độ. Lực lượng này được mệnh danh là “đội quân 50 xu” vì chính quyền Trung Quốc trả 50 xu cho mỗi bài đăng trực tuyến được thực hiện.
ASPI cũng phát hiện ra rằng hoạt động Twitter đã sử dụng các tài khoản lâu đời, có thể được mua từ “thị trường cho thuê mức ảnh hưởng”, bị gian lận (lấy dữ liệu máy tính mà không được phép) hoặc bị đánh cắp; nhằm mục đích giành được sức thu hút trong các mạng lưới lớn hơn.
Tương tự, ProPublica, một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, vào tháng 3/2020 đã tìm thấy một mạng lưới với 10.000 tài khoản Twitter giả đang lan truyền những tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc và các thông tin sai lệch; các tài khoản giả này có chứa các tài khoản bị tấn công (có được do gian lận qua việc lấy dữ liệu máy tính mà không được phép).
Đơn vị truyền thông này phát hiện ra rằng các tài khoản được liên kết với công ty Công nghệ OneSight, một công ty truyền thông quảng cáo trực tuyến có trụ sở tại Bắc Kinh có quan hệ với chính quyền Trung Quốc. Giám đốc điều hành của công ty này trước đây từng làm việc tại phòng tuyên truyền đối ngoại của thành phố Bắc Kinh.
Năm ngoái, ProPublica đã có được một bản sao của hợp đồng mà công ty OneSight thắng được để đẩy mạnh Twitter theo định hướng của hãng thông tấn nhà nước China News Service. Hãng thông tấn này được điều hành dưới sự quản lý của Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan của Đảng chuyên điều hành các hoạt động tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh bên trong và ngoài Trung Quốc.
Giáo sư về truyền thông xã hội Selepak cho biết cũng có khả năng Bắc Kinh tìm cách trả tiền cho những người dùng có ảnh hưởng để quảng bá các thông điệp cụ thể trên Twitter, bằng cách sử dụng “những tiếng nói có tầm ảnh hưởng” của họ trên các nền tảng này.
ProPublica đã đề cập đến trường hợp của Badiucao, một họa sĩ truyện tranh bất đồng chính kiến với Trung Quốc sống ở Úc, cho biết ông đã được tiếp cận bởi một tài khoản tự xưng là một “công ty trao đổi quốc tế”. Công ty này đã đưa ra lời đề nghị cho họa sĩ truyện tranh này với giá 1.700 nhân dân tệ/ bài đăng (khoảng 240 USD) để họa sĩ này đăng bài trên Twitter với nội dung cụ thể cho mỗi bài đăng.
Trong suốt các cuộc thương lượng giả vờ với công ty này, Badiucao nói rằng ông đã nhận được một bản mẫu yêu cầu về những gì ông sẽ đăng trên Twitter: một clip tuyên truyền dài 15 giây, cho thấy rằng Bắc Kinh “đã đánh bại virus Corona Vũ Hán và mọi thứ đã trở lại đúng hướng”.
Badiucao cho biết ông tin chắc rằng công ty này đang làm việc cho chính quyền Trung Quốc, dựa trên sự tương tác của họ. Công ty đã không tiếp tục cuộc thương lượng này sau khi xem xét qua các bài đăng của Badiucao.
Các bài viết tường thuật
Các phân tích công nghệ về các tài khoản Twitter bị gỡ bỏ gần đây cho thấy rằng đến đầu tháng 2, chính quyền Trung Quốc đã tập trung vào việc chỉ trích những người biểu tình ở Hong Kong; bôi nhọ tỷ phú xin tị nạn [chính trị tại Mỹ] Quách Văn Quý (có trụ sở tại Manhattan) – một nhà phê bình thẳng thắn về ĐCSTQ; và tập trung vào việc thúc đẩy ý tưởng rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc trở nên tồi tệ vào cuối tháng 1, bài tường thuật này đã thay đổi. Theo một phân tích của trung tâm Stanford Internet Stanford được công bố vào tháng 6, các tài khoản bắt đầu cổ vũ việc Bắc Kinh đã xử lý thành công sự bùng phát dịch bệnh, chỉ trích các nỗ lực ngăn chặn của Hoa Kỳ và phản bác lại các tuyên bố cho rằng cách xử lý của Đài Loan [trước sự bùng phát dịch bệnh] là vượt trội hơn so với Trung Quốc.
Các tài khoản cũng đăng lại các bài đăng trên Twitter từ truyền thông nhà nước và các quan chức Trung Quốc về đại dịch.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc trong những tháng gần đây đã tích cực sử dụng Twitter để thúc đẩy việc quảng bá ĐCSTQ là một hình mẫu trong nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn căn bệnh này và đẩy mạnh các tuyên bố vô căn cứ rằng virus không bắt nguồn từ Trung Quốc. Vào tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã chỉ ra rằng virus này [hiển nhiên là do] quân đội Hoa Kỳ đưa vào Vũ Hán. Vào cuối tháng 5, Twitter đã thêm một nhãn kiểm tra tính xác thực vào bài đăng trên Twitter của ông này, với nhãn này liên kết đến một loạt các nguồn tin truyền thông phương Tây về nguồn gốc của virus.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã đưa lên phương tiện truyền thông xã hội, quảng bá các hashtag về “dịch bệnh Trump” (“Trumpandemic”) và “Virus Trump” (“TrumpVirus”) trong các bài đăng của mình.
Đầu tháng 5/2020, ngoài cuộc điều tra riêng của công ty, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã phát hiện ra một chiến dịch rộng lớn trên Twitter có liên kết với Trung Quốc nhằm truyền bá các bài tường thuật có lợi cho chế độ này giữa bối cảnh đại dịch.
Trung tâm Phối Hợp Toàn cầu của Bộ [Ngoại giao Hoa Kỳ] (GEC) phát hiện ra rằng các tài khoản Twitter của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gia tăng vượt trội về số lượng người theo dõi mới vào khoảng tháng 3/2020. Vào thời điểm đó, người đứng đầu GEC Lea Gabrielle cho biết rằng nhiều trong số những tài khoản theo dõi này là những tài khoản mới được tạo ra, cho thấy họ thuộc về một mạng lưới nhân tạo được thiết kế để khuếch đại các bài tường thuật từ các quan chức Trung Quốc.
Trong một trường hợp, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chia sẻ một đoạn video tuyên bố quốc ca Trung Quốc đã được phát trên đường phố khi các bác sĩ Trung Quốc đến Ý- sau đó điều này đã bị vạch trần là giả, cô Gabrielle nói. Đoạn video xuất hiện cho thấy người Ý nói rằng “Cảm ơn bạn, Trung Quốc”, khi mà trên thực tế, người Ý đang cảm ơn các nhân viên chăm sóc y tế của chính họ. Video này được chia sẻ rộng rãi bởi các nhà ngoại giao Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước, sau đó được khuếch đại bởi các tài khoản liên kết với Nga, cô Gabrielle nói thêm.
ASPI đã tìm thấy chiến dịch gần đây được phát triển nhằm khai thác tình trạng bất ổn liên quan đến chủng tộc trên khắp Hoa Kỳ. Các bài đăng trên Twitter và Facebook đã sử dụng việc một cảnh sát viên ở tiểu bang Minneapolis giết Floyd – một người Mỹ gốc Phi, và phản ứng của chính quyền Hoa Kỳ với các cuộc biểu tình, nhằm mục đích thúc đẩy các thông điệp chống Hoa Kỳ, chống dân chủ, chống biểu tình và thông điệp ủng hộ cảnh sát Hong Kong.
Chẳng hạn, một tài khoản đã đăng bài trên Twitter với hình ảnh của Nữ thần Tự do dựa vào cổ Floyd, và so sánh cách xử lý các cuộc biểu tình của chính quyền Hoa Kỳ với việc đàn áp của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ ở Hong Kong, để cáo buộc Hoa Kỳ là “đạo đức giả”.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã chế giễu tuyên truyền của Bắc Kinh xoay quanh các cuộc biểu tình là “một trò cười”, ông chỉ ra sự khác biệt giữa việc đàn áp có hệ thống của chính quyền cộng sản này với tự do ngôn luận, báo chí và tôn giáo của xã hội dân chủ.
ASPI cho biết việc tuyên truyền trực tuyến dai dẳng của chính quyền Trung Quốc sẽ cho phép họ “điều chỉnh lại các nỗ lực nhằm tác động đến người dùng trên các nền tảng [trực tuyến] phương Tây với độ chính xác ngày càng tăng”.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng: “Điểm cơ bản về các nền tảng [trực tuyến] phương Tây quy mô lớn là tương đối mới, và chúng ta nên mong đợi sự phát triển và cải tiến liên tục”.
The Epoch Times đã liên lạc với Twitter và Facebook nhằm phản bác lại những thông tin sai lệch của ĐCSTQ nhưng không nhận được phản hồi nào tính đến thời điểm [phát hành] bài báo này.
Mối đe dọa lớn hơn
Ông Mark Grabowski, phó giáo sư chuyên về luật mạng và đạo đức kỹ thuật số tại Đại học Adelphi, mô tả chiến dịch làm sai lệch thông tin của ĐCSTQ là một mối đe dọa “đáng sợ hơn nhiều” so với Nga.
Ông chỉ ra rằng ứng dụng video cực kỳ nổi tiếng TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh; có 37,2 triệu người dùng tại Hoa Kỳ vào năm 2019, và đã gia tăng vượt trội về mức độ phổ biến trong suốt đại dịch.
Ông Grabowski nói rằng: “Bằng cách phân tích kho dữ liệu của mình, chính quyền Trung Quốc có thể thu được tất cả các loại hình về những nhu cầu mong muốn của người dùng, diễn giải hành vi và xu hướng của người dùng và tận dụng nó để thao túng người dân Hoa Kỳ”.
Ông nói thêm: “Hiện tại, với rất nhiều người Hoa Kỳ liên tục dùng mạng trực tuyến, đặc biệt là trong thời gian phong tỏa [do dịch bệnh], Trung Quốc đã hiểu rất rõ xã hội Hoa Kỳ và họ biết làm thế nào để gây tác động”.
Các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ đã đưa ra quan ngại rằng dữ liệu được thu thập bởi ứng dụng Trung Quốc có thể được chuyển đến Bắc Kinh do luật pháp Trung Quốc buộc các công ty phải làm việc với chính quyền (trong các nỗ lực thu thập thông tin tình báo). TikTok đã bác bỏ các khiếu nại này, nói rằng dữ liệu của người dùng ở Hoa Kỳ được lưu trữ trong nước (Hoa Kỳ). Vì vấn đề rủi ro an ninh quốc gia, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ có thể đang xem xét việc mua lại ByteDance của Musical.ly, một ứng dụng video âm nhạc của Hoa Kỳ vốn là tiền thân của TikTok.
Ông Grabowski nhận thấy rằng TikTok có khả năng sâu rộng trong việc ảnh hưởng đến người dùng của mình. Ông nói rằng nó có thể “chặn các video chỉ trích Trung Quốc, và khuếch đại bất kỳ bài tường thuật, luận điểm hoặc bình chọn nào, bằng cách ‘thổi phồng’ các lượt chia sẻ (Shares) hoặc sửa lại các thuật toán của họ”.
The Epoch Times mới đây đã đưa tin rằng TikTok đã xóa tài khoản của một sinh viên quốc tế Trung Quốc tại Hoa Kỳ sau khi anh này đăng một video chế giễu quốc ca Trung Quốc.
Ông Grabowski cho biết chính quyền này cũng có thể khai thác những quan điểm chống lại chính phủ Hoa Kỳ của nhiều học giả, nhà báo và nhà lập pháp Hoa Kỳ để đẩy mạnh các bài tường thuật chống Hoa Kỳ. Chẳng hạn, họ có thể tìm một người dùng có tầm ảnh hưởng đăng bài trên Twitter rằng virus Corona Vũ Hán nên được gọi là “virus Trump” (“Trumpvirus”), và khuếch đại những quan điểm đó.
Thanh Liên