Bắc Kinh sử dụng chiến thuật ‘độc’, thao túng chính trường Canada
Học giả người Úc Clive Hamilton cho biết chiến thuật của Trung Cộng trong việc sử dụng những kiều dân, dưới sự điều khiển của họ, để đứng ra tranh cử ở Canada là tinh vi hơn so với ở các nước khác. Theo ông, ảnh hưởng của Trung Cộng là rất sâu rộng trong các tổ chức của Canada.
Ông Clive Hamilton, giáo sư ngành đạo đức công chúng tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, vừa viết một cuốn sách miêu tả theo trình tự thời gian cách mà Bắc Kinh sử dụng giới chủ lưu ở các nước nằm trong tầm ngắm để mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng tại nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Hamilton nói: “Trung Cộng luôn tìm đến những nơi có quyền lực”.
Trong cuốn sách mới ra gần đây nhất có nhan đề “Hidden Hand”, đồng tác giả Mareike Ohlber, thành viên kỳ cựu của Chương trình châu Á tại Quỹ German Marshall, đã thẩm tra ảnh hưởng của Trung Cộng ở Bắc Mỹ và châu Âu, cùng nhiều chiến thuật, cả mới và cũ, mà nó dùng để mở rộng quyền lực và định hình lại thế giới.
Ông Hamilton nói Trung Cộng đã tăng cường rất nhiều về chiến thuật để phát triển tầm ảnh hưởng ra nước ngoài trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, một số trong những chiến thuật này thậm chí đã có trong “túi” họ từ trước khi cộng sản chiếm lĩnh Trung Quốc vào năm 1949.
Một trong những chiến thuật đó được phát triển khi Trung Cộng rút lui khỏi các thành phố trong cuộc chiến với Quốc Dân Đảng và tiếp tục chiến tranh từ các vùng nông thôn vào thời trước 1949. Bài học từ chiến thuật này, gọi là “dùng nông thôn để bao vây thành thị”, về sau Trung Cộng đã dùng chiến thuật này ở các vũ đài khác.
Trong cuốn sách, ông Hamilton và bà Ohlber cho biết: “Không nên hiểu khẩu hiệu này chỉ theo nghĩa đen; ý tưởng của nó là đi đến những nơi mà kẻ địch của Trung Cộng yếu hoặc thưa thớt, rồi tổ chức dân chúng ở đó, sau đó dùng họ để bao vây thành lũy của đối phương”.
Ông Hamilton nói rằng chiến thuật này đang được dùng ở châu Âu, nơi mà Trung Cộng đang củng cố ảnh hưởng của nó ở xung quanh thành trì cuối cùng của Liên minh Châu Âu, nước Đức.
Ông nhận định: “Trung Cộng đang rất nỗ lực để thiết lập ảnh hưởng ở các nước phía Nam châu Âu là Italy và Hy Lạp, và cả một số nước ở Nam u và Trung u. Nó bao vây châu Âu và gây tác động từ đường biên”.
Trong một số nước khác mà Trung Cộng nhắm tới, như Canada và Úc, người ta có thể nhìn ra chiến thuật của nó thông qua cách Bắc Kinh phát triển ảnh hưởng lên các chính trị gia cấp thành phố, cấp tỉnh, và bang.
Theo “Hidden Hand”, mối quan hệ của Trung Cộng với những chính trị gia địa phương này là đòn bẩy để gây áp lực lên chính phủ quốc gia.
Trong một cuộc phỏng vấn nổi tiếng của CBC năm 2010, người đứng đầu Cục Tình báo An ninh Quốc gia Canada thời đó là ông Richard Fadden nói, các thành viên nội các ở 2 tỉnh bang, và các chính trị gia cấp thành phố ở tỉnh bang British Columbia, đã bị tình nghi là chịu ảnh hưởng của chính phủ nước ngoài. Ông gợi ý rằng Trung Quốc là nước muốn giành lấy sự ảnh hưởng đến Canada một cách quyết liệt nhất.
Về sau tờ The Globe and Mail phát hiện ra rằng một trong các thành viên nội các tỉnh bang mà ông Fadden nhắc đến hồi đó là ông Michael Chan, thành viên nội các của Ontario thời đó. Ông Chan đã đệ đơn kiện The Globe vì họ đã đưa các tin tức này.
Bắc Kinh tổ chức một buổi tiệc cocktail ở hội nghị hàng năm của Liên đoàn các Thành phố của British Columbia (Union of B.C. Municipalities, UBCM). Năm ngoái, Thị trưởng Port Coquitlam Brad West đã chỉ trích gay gắt sự tài trợ của Trung Cộng. Ông nói việc Bắc Kinh trả tiền để tiếp cận được với các quan chức cấp thành phố là điều không đúng đắn. Cuối cùng, UBCM quyết định chấm dứt thông lệ này trong sự phẫn nộ của công chúng, bất chấp một số thị trưởng của B.C. vẫn tiếp tục ủng hộ việc nhận tài trợ nước ngoài.
Tiến xa nhất ở Canada
Ông Fadden nói trong lần phỏng vấn năm 2010 rằng trong nhiều trường hợp việc can thiệp từ nước ngoài liên quan đến việc các chính phủ nước ngoài hậu thuẫn cho các kiều dân của họ, trong một số trường hợp “còn là con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba của họ”, để “có liên hệ với cố quốc”.
Ông giải thích, mối quan hệ này được xây dựng với các cá nhân, và các cá nhân lại được tài trợ tiền cho những chuyến đi trở về quê nhà.
Ông nói, khi cá nhân nào đó có được một vị trí quyền lực, thì “đột nhiên họ không đưa ra quyết định trên cơ sở là lợi ích của công chúng, mà là dựa trên cơ sở mối quan hệ đã được xây dựng với quốc gia khác”.
Ông Hamilton nói, dân tộc Hoa không có nhiều người đại diện trong lĩnh vực chính trị phương Tây và còn phải khuyến khích họ tham gia, [do vậy] Trung Cộng lợi dụng các quy trình dân chủ và lôi kéo các ứng cử viên từ những cộng đồng người mà nó khống chế được để đứng ra tranh cử. Ông nói, nếu phanh phui những điều này thì đều bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc.
Theo “Hidden Hand”, Trung Cộng bắt đầu thực thi chiến thuật thúc đẩy người Hoa ra tranh cử từ năm 2005.
Cuốn sách còn nói thêm rằng các tổ chức của Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng, được Trung Cộng ủy nhiệm tăng cường tầm ảnh hưởng ở nước ngoài, “đang tăng cường tuân theo lời khuyên được các chiến lược gia Trung Cộng đưa ra vào năm 2010, đó là xây dựng các tổ chức chính trị dựa trên cơ sở là tộc người Hoa, thực hiện viện trợ chính trị, ủng hộ các chính trị gia người gốc Hoa, và tham gia bỏ phiếu để lật ngược kết quả của những cuộc bầu cử cạnh tranh sát nút”.
Ông Hamilton nói chương trình này được sử dụng ở nhiều nước như Úc, New Zealand, và nhiều nước châu Âu, nhưng được sử dụng mạnh nhất ở Canada.
Ông nói, một phần là vì ở Canada, các tổ chức Mặt trận Thống nhất dường như đã được củng cố chắc chắn hơn. Một nguyên nhân khác là vai trò của dòng tiền của cộng đồng những người Hoa di cư tới Canada, vốn được hình thành sớm hơn các nơi khác, như Úc chẳng hạn.
“Dòng người di cư đem theo rất nhiều tiền chảy vào Canada, đặc biệt là ở Vancouver và Toronto, và tiền thì mang đến ảnh hưởng chính trị”.
Ông Hamilton cho rằng có một cách để biết một ứng viên có chịu ảnh hưởng của Trung Cộng hay không, đó là xem họ có tránh né nói điều gì chỉ trích chính quyền đó không. Một cách khác, tương đối chính xác, là xem ứng viên đó có phải là một thành viên nổi bật của các nhóm Mặt trận Thống nhất phục vụ cho Bắc Kinh hay không.
“Thâm nhập sâu trong các cơ quan của Canada”
Trong cuốn sách, ông Hamilton và bà Ohlberg viết rằng các mạng lưới ảnh hưởng của Trung Cộng bám rất chắc vào giới tinh anh của Anh quốc, đến mức nước này “đã vượt qua điểm giới hạn để có thể quay về, và không thể nào thoát khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh nữa”.
Trong trường hợp của Canada, ông Hamilton nói nước này “ngập sâu trong rắc rối vì giới tinh anh”, ví dụ như mạng lưới quan hệ thân cận mà Thủ tướng Trudeau có trong giới kinh doanh và chính trị.
Ông nói: “Ngày càng có nhiều điều tiếng hơn về vấn đề các tinh anh trong giới chính trị và kinh doanh Canada vướng mắc vào các tinh anh chính trị và tập đoàn Trung Quốc, kết quả là về hoạt động ngoại giao, Canada đã phải phục tùng Trung Quốc một cách ngoan ngoãn”.
“Sự hăm dọa và bắt nạt mà Canada phải chịu trước Bắc Kinh là điều đáng xấu hổ đối với bất kỳ quốc gia nào dù chỉ với một chút lòng tự trọng”.
Hiện Bắc Kinh đang bắt giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor vì cáo buộc gián điệp, và kết án tử hình cho bốn công dân Canada với lý do buôn ma túy. Đó là những hành động diễn ra sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei, theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Chính quyền này cũng chặn việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Canada, và thường xuyên chỉ trích Canada vì không thả bà Mạnh.
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Nanos Research cho thấy hơn một nửa số người Canada cho rằng Ottawa cần phải có những hành động quyết liệt hơn để ép Trung Cộng thả hai công dân Kovrig và Spavor, trong khi một cuộc thăm dò khác thực hiện bởi Angus Reid cho thấy 14% người Canada có cách nhìn tích cực đối với Trung Quốc.
Ông Hamilton nói, trong môi trường như vậy và “sự dịch chuyển mạnh mẽ về mặt cảm tính của công chúng”, cũng như việc “cảnh sát [Trung Cộng]” tác động nhiều hơn tới truyền thông, thì giới tinh anh đang thấy rằng ngày càng khó để dỗ dành Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông đã rút ra được bài học về việc đánh giá thấp sức mạnh của các lực lượng thân Bắc Kinh bên ngoài Trung Quốc.
Ông nói: “Có thể giờ thì họ im lặng, nhưng họ sẽ quay lại”.
“Nếu Canada muốn tái khẳng định quyền độc lập, thì đây không phải là điều có thể làm trong một, hoặc hai tháng. Đây là cuộc chiến 10 năm, vì Trung Cộng đã có ảnh hưởng rất sâu trong các cơ quan của Canada”.
Giới chủ lưu
Ông Hamilton nói Trung Cộng xem xét kỹ lưỡng và xác định nơi nào là trung tâm chính trị, kinh tế, và sức mạnh văn hóa, và những ai là người có quyền lực nhất trong các lĩnh vực đó. Sau đó, nó sẽ tạo hồ sơ về mỗi người, và tìm cách tiếp cận họ rồi đưa vào vòng ảnh hưởng.
Ông nói: “Trung Cộng săn đón những điểm yếu của họ, nó dụ dỗ những dục vọng và hy vọng của họ. Họ giống như một nạn nhân hết sức tình nguyện của kiểu thao túng này”.
Ông cũng cho rằng Trung Cộng rất giỏi “ngụy trang các hoạt động của nó”, do vậy nó có thể duy trì sức ảnh hưởng của mình ở phía sau hậu trường trong nhiều năm.
“[Nó thực hiện chiến thuật] bằng cách giấu mình phía sau những ý tưởng như trao đổi con người, tham gia vào sự hợp tác và hòa bình quốc tế, như hợp tác ‘đôi bên cùng có lợi’ và xây dựng các liên kết kinh tế”.
Ông Hamilton chỉ ra rằng, bước đầu tiên để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng là vạch trần nó và đưa các hoạt động của nó ra ánh sáng. Thứ hai là truy cứu trách nhiệm đối với những nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp đang vào vai “người biện hộ cho Bắc Kinh”. Thứ ba là ban hành bộ luật [chống] nước ngoài can thiệp như Úc đã làm.
Bộ luật này được thông qua năm 2018, gồm những hình phạt nặng hơn cho các hoạt động gián điệp và yêu cầu các cơ quan đại diện cho các nhân vật chính trị nước ngoài phải công khai đăng ký tên của họ.
Ông nói: “Một điều luật [chống] nước ngoài can thiệp sẽ gây khó khăn rất lớn cho Trung Cộng trong việc tham gia vào các hoạt động can thiệp nước ngoài của nó. Điều đó có nghĩa là Trung Cộng phải chìm sâu vào trong bóng tối hơn nữa, và nhiều hoạt động Mặt trận Thống nhất của nó sẽ trở thành phi pháp”.
Tác giả: Omid Ghoreishi