Bắc Kinh sẽ tự rơi vào rắc rối và cạm bẫy nếu ủng hộ Taliban
Khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul cách đây vài ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 17/08 rằng, Bắc Kinh đã luôn đóng “một vai trò mang tính xây dựng” tại Afghanistan. Trung Cộng coi tình huống này như một cơ hội chiến lược để tích cực can thiệp hơn nữa vào các vấn đề ở Afghanistan.
Hôm 28/07, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp mặt ông Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu của Ủy ban Chính trị Taliban của Afghanistan, tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Ông Vương cho hay: “Việc các binh lính Hoa Kỳ và NATO vội vàng rút khỏi Afghanistan thực sự đánh dấu sự thất bại trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Afghanistan.”
Có vẻ như ông Vương đang ám chỉ rằng Bắc Kinh có thể làm tốt hơn cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi tin rằng Trung Cộng sẽ thất bại trong việc bênh vực cho Taliban ở Afghanistan.
Cuộc gặp mặt của ông Vương với ông Baradar đồng nghĩa với việc Trung Cộng chính thức thừa nhận tính hợp pháp chính trị của Taliban. Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đã đưa tin hôm 16/08 rằng, sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đào thoát khỏi đất nước này, kênh truyền thông nhà nước CCTV đã đăng tải một đoạn video vào ngày 16/08 nhằm bao biện cho Taliban với nhan đề, “Lý giải Quá khứ và Hiện tại của Taliban trong 60 giây,” nhưng video này đã bị gỡ xuống trong vòng bốn giờ sau khi đăng lên do vấp phải vô số chỉ trích. Đoạn video này, hiện vẫn được đăng trên Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, trong đó ca ngợi Taliban, tuyên bố rằng đây là một nhóm gồm “các sinh viên tị nạn” có “những kỷ luật nghiêm khắc” và đã nhận được sự “ủng hộ” của các công dân Afghanistan.
Sẽ thật là ngớ ngẩn nếu Trung Cộng có kế hoạch ủng hộ cho Taliban ở Afghanistan.
Những cạm bẫy
Thứ nhất, Trung Cộng có thể sẽ được trải nghiệm một cuộc xung đột với Taliban về những hành vi vi phạm nhân quyền đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc.
Hôm 19/01, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo đã thông báo trong một tuyên bố rằng Trung Cộng đang thực hiện “tội ác diệt chủng nhắm đến những người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi và các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác tại Tân Cương.”
Cựu Ngoại trưởng Pompeo cho biết, “Tài liệu chi tiết của chúng tôi về các hành động của PRC [CHND Trung Hoa] ở Tân Cương đã xác nhận rằng, ít nhất là kể từ tháng 03/2017, chính quyền địa phương đã gia tăng đáng kể chiến dịch đàn áp kéo dài hàng thập kỷ nhằm chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số cũng như tôn giáo khác, bao gồm cả người Kazakhstan và người Kyrgyzstan.”
Mặc dù Taliban sẽ thuận theo Trung Cộng trên một vài phương diện, để đổi lấy sự ủng hộ và các lợi ích kinh tế, nhưng họ sẽ không từ bỏ sự ủng hộ đáng kể của mình đối với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và cũng không chiến đấu với nhóm này. Taliban sẽ không muốn mạo hiểm để đánh mất tính hợp pháp của mình hoặc gây ra các cuộc đấu đá nội bộ giữa các nhóm Hồi giáo khác nhau. ETIM là một nhóm ly khai người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh tuyên bố là phải chịu trách nhiệm cho nhiều vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương.
Thứ hai, Trung Cộng đang đứng trước những ràng buộc từ trong nội bộ của Taliban và từ cộng đồng quốc tế.
Vẫn còn một câu hỏi là liệu Taliban có thể hoàn toàn giành lấy quyền kiểm soát tình hình ở Afghanistan hay không.
Về phía Taliban, thì gồm có Taliban Afghanistan và Taliban Pakistan. Taliban Pakistan từng là một nhánh của Taliban Afghanistan và đã trở thành nhóm độc lập vào năm 2007 do những khác biệt về lợi ích. Bản thân Taliban ở Afghanistan không phải là một nhóm đồng thuận và giữa các thành viên của nhóm này cũng có những sự khác biệt đáng kể về quan điểm chính trị.
Về phương diện can thiệp của quốc tế, có ít nhất tám bên gồm—Hoa Kỳ, Nga, Pakistan, Ấn Độ, Iran, Ả Rập Xê-Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc—tất cả các bên này đều có mối quan hệ đan xen với nhau và rất phức tạp. Rõ ràng là, khả năng can thiệp vào Taliban và Afghanistan của Trung Cộng là có hạn.
Thứ ba, Trung Cộng đang đương đầu với hai mối đe dọa lớn trực tiếp từ Afghanistan.
Mối đe dọa đầu tiên được Trung Cộng gán cho danh hiệu “Ba Thế lực Tà ác” gồm : chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Tình trạng hỗn loạn tại Afghanistan đã làm phát sinh các lực lượng này và đã mở rộng sang Pakistan.
Hôm 14/07, một quả bom đã phát nổ trên một chuyến xe buýt chở đầy người lao động ở huyện Kohistan, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Các công nhân này đang trên đường đến công trường xây dựng dự án thủy điện Dasu, nằm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC)—một phần quan trọng của BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường) của Trung Cộng. Trong số mười ba người thiệt mạng, có chín người mang quốc tịch Trung Quốc. Có 28 công dân Trung Quốc bị thương trong vụ nổ bom này. Trung Cộng tin rằng vụ việc này là một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các công dân Trung Quốc.
Mối đe dọa thứ hai là nạn buôn bán ma túy xuyên biên giới mà Taliban đang dựa vào, vốn mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho họ.
Theo bà Irmgard Zeiler thuộc Văn phòng Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), “Nền kinh tế thuốc phiện bất hợp pháp của Afghanistan có quy mô đáng kể khi so sánh với nền kinh tế hợp pháp của nước này. Quốc gia này là nhà sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp hàng đầu thế giới và cung cấp đến hơn 80% sản lượng thuốc phiện bất hợp pháp trên toàn cầu. Tổng doanh thu bất hợp pháp của nền kinh tế thuốc phiện của Afghanistan ước tính vào khoảng 4.1-6.6 tỷ USD vào năm 2017 và 1.2-2.2 tỷ USD vào năm 2018.”
Các mối đe dọa và cạm bẫy được đề cập bên trên có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Taliban lên nắm quyền.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị “về những diễn tiến ở Afghanistan, kể cả tình hình an ninh cũng như các nỗ lực tương ứng của chúng tôi nhằm đưa các công dân của Hoa Kỳ và Trung Quốc đến nơi an toàn,” theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 16/08. Có lẽ lời kêu gọi này có thể nhắc nhở Bắc Kinh rằng không nên đánh giá sai tình hình, điều này có thể gây tổn hại cho cả Trung Quốc và cho chính Trung Cộng.
Tác giả Wang He có bằng thạc sĩ về luật và lịch sử. Ông đã nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế. Ông từng là giảng viên đại học và là nhà điều hành của một công ty tư nhân lớn ở Trung Quốc. Ông Wang hiện sống ở Bắc Mỹ và đã xuất bản các bài bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2017.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: