Bắc Kinh sẽ ‘đùa với lửa’ nếu thử nghiệm quyết tâm của Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan
HOA THỊNH ĐỐN – Theo các chuyên gia, cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Kabul của Hoa Kỳ đã mang đến một “cơ hội vàng” cho Trung Quốc, nhưng việc thử nghiệm sự quyết tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề độc lập tự chủ của Đài Loan sẽ là một tính toán sai lầm lớn của Bắc Kinh.
Thông qua các kênh truyền thông của mình, Trung Cộng đã đẩy mạnh [tuyên truyền] một luận điệu rằng “Hoa Kỳ không đáng tin cậy” và rằng nếu Bắc Kinh xâm chiếm hòn đảo này, thì Hoa Thịnh Đốn cũng sẽ để Đài Loan tự đối mặt với khó nạn giống như “việc bỏ rơi Afghanistan” của họ.
Theo ông Thành Bân (Dean Cheng), chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Di sản cho biết, Bắc Kinh đã tiến hành ngày càng nhiều các chiến dịch tuyên truyền và đe dọa quân sự nhắm mục tiêu vào hòn đảo dân chủ này, và những nỗ lực mới đây của Trung Cộng nhằm làm suy yếu niềm tin của người dân Đài Loan vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ là không có gì đáng ngạc nhiên. Thế nhưng, nếu như Trung Cộng chọn việc sử dụng vũ lực để chống lại Đài Loan, vậy sẽ là tham gia vào “hành vi vô cùng nguy hiểm.”
Ông nói với The Epoch Times: “Nếu như Bắc Kinh cố thử xem liệu Hoa Kỳ có tiếp tục cam kết với Đài Loan hay không, vậy thì chính là đang đùa với lửa, hơn nữa sẽ phải đối mặt với những rủi ro không thể tưởng tượng được.”
Ông cho hay, Hoa Kỳ có thể trở nên không thể đoán trước được khi quyết định sử dụng vũ lực để bảo vệ một quốc gia đang bị tấn công.
Ông nói: “Sẽ rất hữu ích nếu nhìn lại ví dụ của Hàn Quốc vào năm 1950 và ví dụ của Kuwait vào năm 1990” để nắm bắt tính khả năng trong việc bảo vệ Đài Loan của Hoa Kỳ.
Cộng sản Bắc Hàn đã xâm lược Hàn Quốc vào tháng 06/1950, và trong vòng vài ngày, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Nam Hàn mà không có bất kỳ cam kết hiệp ước quốc phòng nào.
Hoa Kỳ không có một mối liên kết ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng duy trì liên hệ không chính thức với hòn đảo tự trị này theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, vốn không bao gồm bất kỳ cam kết quốc phòng nào, mặc dù Đạo luật này có viết rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan một cách phi hòa bình… [đều là] mối quan tâm nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ.”
Tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Đài Loan đã tăng trưởng trong những năm qua, và nền độc lập của hòn đảo này đã trở nên quan trọng đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ. Một cuộc xâm lược quân sự của Bắc Kinh vào Đài Loan sẽ tạo thành những chấn động nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng của nhiều ngành công nghiệp, vì hòn đảo này là nơi đặt trụ sở của một số xưởng sản xuất vi mạch bán dẫn tiên tiến nhất và lớn nhất thế giới.
Chính phủ Tổng thống Biden đã đáp trả tuyên truyền của Trung Cộng, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên hôm 17/08 rằng: “Chúng tôi tin rằng cam kết của chúng tôi với Đài Loan và với Israel vẫn kiên định vững vàng trước sau như một.”
Theo ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ–Đài Loan, “Việc ông Sullivan kết hợp Israel và Đài Loan lại với nhau khi mô tả quyết tâm và cam kết của Hoa Kỳ” là một bước đi quan trọng.
Ông nói với The Epoch Times: “Không có đối tác an ninh nào ở Trung Đông quan trọng hơn Israel, và việc đặt Đài Loan vào cùng bối cảnh mang lại sự rõ ràng hơn và ít mơ hồ hơn về ý định của Hoa Kỳ ở Bắc Á. Xét về lâu dài, đây là một điều tốt và là một xu hướng lành mạnh.”
Mặc dù khó có thể so sánh giữa Đài Loan và Afghanistan, nhưng theo ông Thành, sự thất bại của Afghanistan là một “cơ hội vàng” cho Bắc Kinh, vì điều này đã làm suy yếu khả năng của Hoa Kỳ trong việc gây áp lực với Trung Quốc.
Ví dụ, ảnh hưởng này sẽ được phản ánh trong sự cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như việc Hoa Kỳ thúc đẩy loại bỏ các nhà cung cấp công nghiệp từ Trung Quốc.
“Tôi nghĩ một trong những đại thảm họa của Afghanistan là Trung Cộng sẽ gây sức ép lên các đối tác kinh tế của họ,” [yêu cầu họ] không dựa vào Hoa Kỳ, mà thay vào đó là tăng cường liên kết thương mại với Bắc Kinh.
Ông lưu ý rằng Trung Cộng đã đang chơi đùa với khía cạnh bảo đảm chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây, và thúc đẩy các công ty đa quốc gia và chính phủ ngoại quốc không nghe theo khuyến nghị của Hoa Kỳ về việc tách khỏi Trung Quốc.
“Thất bại ở Afghanistan không phải là thất bại về quân sự của Hoa Kỳ ở Afghanistan,” ông Thành nói, lưu ý rằng đó là về “những yếu tố kinh tế-chính trị này” sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Ông Thành cho hay, điều đó sẽ làm suy yếu khả năng của Hoa Kỳ trong việc gây áp lực lên Bắc Kinh và ngược lại củng cố khả năng của Trung Cộng trong việc gây sức ép với các công ty và các quốc gia.
Ông lưu ý rằng xu hướng này [thể hiện] rõ ràng trong việc mở rộng gần đây của đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tại các thị trường mới nổi sau khi hãng này bị đá ra khỏi các nước phương Tây do sự tẩy chay mà Hoa Kỳ khởi xướng.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: