Bắc Kinh rầm rộ kỷ niệm ngày sinh Hoa Quốc Phong cho thấy tín hiệu gì?
Theo báo cáo từ các kênh truyền thông chính thức của Trung Cộng, hôm 20/02, Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng đã tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoa Quốc Phong tại Bắc Kinh. Tham dự buổi tọa đàm gồm có: Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng; Trần Hy, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Tôn Xuân Lan, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương kiêm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện; Trương Hựu Hiệp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương,… Vương Hỗ Ninh đã có một bài diễn văn kỷ niệm; Mao Tân Vũ, cháu trai hiếm khi lộ diện của Mao Trạch Đông cũng đã có mặt.
Vào ngày 21/01/2016, tài khoản WeChat có tên “Hải Vận Thương Nội Tham” của tờ “nhật báo Thanh niên Trung Quốc,” tài khoản đã từng công bố không ít tin tức về giới chức cao cấp Trung Cộng, đã đăng tải một bài viết tiết lộ và phân tích “huyền cơ” bên trong những yêu cầu về quy cách tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh các “đồng chí lão thành” của Trung Cộng, đồng thời tung ra các từ khóa quan trọng ở cuối bài cho biết những hoạt động kỷ niệm này là “tham khảo trọng yếu cho việc quan sát xu hướng biến hóa của chính trường Trung Quốc.”
Theo những gì được tiết lộ trong bài viết, đối với các nhân vật đã quá cố của các vị trí như Ủy viên Thường vụ Tổng cục Chính trị Trung ương Trung Cộng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Trung Cộng, Thủ tướng Quốc vụ viện, Chủ tịch Chính Hiệp Toàn Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó chủ tịch nước,… Trung Cộng có thể cử hành các hoạt động kỷ niệm ngày sinh cách mỗi 10 năm, 50 năm, 100 năm. Tuy nhiên quy cách tổ chức phải thấp hơn những nhân vật như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức… Vậy nên việc Trung Cộng tổ chức tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Hoa Quốc Phong cũng không có gì là không thỏa đáng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với hai buổi tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Dương Thượng Côn và Lý Tiên Niệm được tổ chức lần lượt vào năm 2007 và năm 2009, thì quy cách tổ chức cuộc tọa đàm kỷ niệm ngày sinh Hoa Quốc Phong, nhân vật từng là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Trung Cộng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thủ tướng Quốc vụ viện, vẫn có phần khiêm tốn hơn một bậc. Ít nhất tại hai buổi tọa đàm đầu tiên, có lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào tham gia phát biểu và tất cả các Ủy viên Thường vụ đều có mặt. Trong khi đó, buổi tọa đàm kỷ niệm ngày sinh Hoa Quốc Phong chỉ có hai Ủy viên thường vụ thứ năm và thứ bảy xuất hiện… Điều thú vị ở đây là hai Ủy viên Thường vụ Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính đều đến từ Thượng Hải và được coi là thành viên trong phe cánh của Giang. Không có ai trong số bốn vị Ủy viên Thường vụ là Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương Tứ tới tham dự.
Vậy thì, phải chăng việc kỷ niệm ngày sinh của ông Hoa Quốc Phong chỉ đơn thuần là để kỷ niệm? Mọi người đều biết, ông Hoa Quốc Phong là người được chỉ định kế thừa ông Mao Trạch Đông trước khi ông Mao qua đời, việc ông là con trai ruột của ông Mao vốn không phải là bí mật gì trong nội bộ Đảng Trung Cộng. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Hoa Quốc Phong đã không làm “phụ lòng”, ngoài việc đưa ra “hai điều phàm” [“phàm là những quyết sách do Mao Chủ tịch đưa ra, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ; phàm là những chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta đều triệt để tuân theo”] và tiếp tục tuân theo các chính sách và chỉ thị của ông Mao, ông còn bỏ ra một số tiền rất lớn để xây lăng mộ của ông Mao tại Quảng trường Thiên An Môn. Để củng cố quyền lực, ông Hoa Quốc Phong còn ủng hộ Diệp Kiếm Anh, Phó Chủ tịch Quân ủy, và Uông Đông Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương, loại bỏ cuộc “chính biến cung đình” do “bè lũ bốn tên” phát động. Sau này, ông Hoa Quốc Phong trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng Trung Cộng sau Mao, tập trung quyền lực của đảng, chính phủ và quân đội làm một, và cũng đồng ý cho ông Đặng Tiểu Bình tái nhậm chức.
Sau năm 1980, do phát sinh xung đột kịch liệt về đường lối chính trị với ông Đặng Tiểu Bình, ông Hoa Quốc Phong đã lựa chọn ly khai trung tâm quyền lực của Trung Cộng, để ông Đặng Tiểu Bình nắm giữ đại quyền. Ông Hoa dần mờ nhạt khỏi tầm mắt của người dân và bị xóa tên khỏi danh sách chính thức về chuỗi kế thừa quyền lực của Trung Cộng.
Theo tin tức truyền thông Nhật Bản vào năm 2001 và 2005, ông Hoa Quốc Phong từ lâu đã đề nghị với ông Hồ Cẩm Đào cho rút khỏi đảng với lý do Trung Cộng đã phản bội quyền và lợi ích chính đáng của giới công-nông dân, thực tế chỉ đại biểu cho lợi ích của quan chức tham nhũng và các nhà tư bản. Tài liệu chính thức của Trung Cộng cũng cho thấy kể từ phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng khóa 15 vào năm 1997, ông Hoa Quốc Phong với chức vụ là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, luôn viện lý do “sức khỏe” để vắng mặt, không tham dự bất kỳ cuộc họp toàn thể Trung ương hoặc bất kỳ hội nghị công tác Trung ương nào cho đến khi ông mất vào năm 2008. Vào thời điểm ông qua đời, chính quyền chỉ phát đi một bản tin vắn. Từ đó cho thấy sự “lạnh nhạt” của Trung Cộng đối với ông Hoa Quốc Phong.
Tháng 2/2013, hình ảnh ông Hoa Quốc Phong một lần nữa xuất hiện trở lại trong tầm mắt của người dân. Khi ấy, theo báo cáo từ các kênh truyền thông chính thức, vợ của ông Hoa Quốc Phong là bà Hàn Chi Tuấn đã nhận lời mời tham dự một cuộc hội kiến quy mô lớn được Trung Cộng tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân. Ông Tập Cận Bình đã “bắt tay thân mật với phu nhân Hoa Quốc Phong.” Trong các bức ảnh được đăng tải chính thức, ông Tập đã khom lưng cúi chào thể hiện sự tôn trọng đối với bà Hàn.
Tác giả đã từng phân tích về sự kiện này và nhận định rằng mục đích của việc bà Hàn Chi Tuấn xuất hiện chính là để gợi lại hình ảnh ông Hoa Quốc Phong, và việc gợi lại hình ảnh ông Hoa chính là để gợi nhắc đến sự kiện “đập nát bè lũ bốn tên” năm đó. Ông Tập Cận Bình mượn việc này để truyền ra cho ngoại giới ba thông điệp:
Thứ nhất, việc bắt Bạc Hy Lai dẫn đến sự phản công của thế lực phe cánh họ Giang đã khiến Trung Cộng rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có, thậm chí bị đặt vào tình huống phải đối mặt với sự diệt vong của đảng, [ông Tập] sẽ bám gót phương thức giải quyết “xuất quân chính đáng” giống như những lần đối mặt với khủng hoảng trước đó của Trung Cộng, đặc biệt là những thời điểm có “hai trung tâm quyền lực.” Hai là khẳng định cuộc “chính biến cung đình” năm đó là đúng. Ba là không loại trừ rằng lịch sử sẽ lặp lại.
Từ một loạt động thái của ông Tập đối với phe Giang sau khi lên nắm quyền, có thể thấy ông Tập đã có kế hoạch triệt để tiêu diệt “trung tâm quyền lực thứ hai” phía sau Bạc Hy Lai. Tuy nhiên đã gần mười năm trôi qua, ông Tập, người vốn cho rằng chỉ giữ vững đảng mới có thể giữ vững quyền lực, cuối cùng đã chọn cách thỏa hiệp với phe cánh họ Giang để bảo vệ quyền lực trong tay, làm ngơ trước những tội ác mà chặt tre cũng không ghi hết của Giang.
Trên bề mặt hai bên đã duy trì mối liên hệ tương đối yên ổn. Tuy nhiên khoảng hai năm gần đây (2019-2020), khi hàng loạt cuộc tấn công của chính phủ ông Trump vào Trung Cộng dẫn đến thiệt hại lợi ích ở phương Tây của các nhóm quyền lực bên trong Trung Cộng, bao gồm cả gia tộc họ Giang, thì các xung đột kịch liệt cũng theo đó mà nảy sinh, khiến ông Tập gặp phải thách thức tứ bề trong đảng.
Đối mặt với những sóng gió ngầm trong nội bộ đảng, vào đầu tháng 1 năm nay, trong bài diễn văn tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Tập Cận Bình đã phát đi tín hiệu về việc liên hệ vấn đề chống tham nhũng với an ninh chính trị, đồng thời đưa ra thông điệp “nghiêm túc điều tra giải quyết những kẻ hai mặt, trong ngoài bất nhất, không trung thành với đảng; nghiêm trị nạn tham nhũng trong hệ thống chính trị và pháp luật; đồng thời điều tra đến cùng những ‘ô bảo hộ’ cho tội phạm và tham nhũng trong lĩnh vực dân sinh.” Thông điệp truyền ra chính là: Hình thế bên trong đảng mà ông Tập đang phải đối mặt vẫn còn rất nghiêm trọng, những quan chức cao cấp trong nội bộ đảng thực sự trung thành với ông không nhiều, mà ngay an toàn của chính bản thân ông cũng chưa chắc có thể được bảo đảm.
Không nghi ngờ gì, bài diễn văn của ông Tập cho thấy rõ một làn sóng thanh trừng mới trong Trung Cộng đã bắt đầu. Mục tiêu chủ yếu chính là nhắm vào các thành viên trong phe cánh họ Giang. Vài ngày trước, tờ Wall Street Journal Hoa Kỳ đã đưa tin rằng lý do thực sự khiến ông Tập Cận Bình đình chỉ kế hoạch niêm yết của Ant Group vào năm ngoái là vì ông Tập phát hiện ra một số nhà đầu tư [của Ant Group] có “liên quan đến các gia tộc chính trị đang hình thành thách thức tiềm tàng đối với ông.”
Báo cáo dẫn lời “hàng chục quan chức Trung Cộng cùng cố vấn chính phủ” rằng một cuộc điều tra của nhà cầm quyền đối với cấu trúc vốn chủ sở hữu của Ant Group đã phát hiện ra, Boyu Capital được sáng lập bởi Giang Chí Thành, cháu trai của cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân, đã dùng những phương thức lắt léo thông qua quỹ đầu tư tư nhân “Quản lý Bắc Kinh” để nắm giữ cổ phần của Ant Group; Lý Bá Đàm, con rể của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm, cũng thông qua “Tập đoàn Đầu tư Chiêu Đức Bắc Kinh” do tự mình kiểm soát để nắm giữ cổ phần của Ant Group. Điều này khẳng định cuộc đối đầu thực sự giữa ông Tập và các gia tộc quyền lực trong phe cánh của Giang.
Trong bối cảnh này, phía sau việc Bắc Kinh rầm rộ tưởng niệm ông Hoa Quốc Phong không loại trừ việc phát đi một tín hiệu rằng rất có khả năng sẽ xuất hiện một cuộc “chính biến cung đình” mới. Trong bài diễn văn tưởng nhớ Hoa Quốc Phong, Vương Hộ Ninh nói, sau khi Mao qua đời, vấn đề Trung Quốc sẽ đi về đâu được đặt ra trước mặt Hoa Quốc Phong, ông đã đề nghị việc giải quyết vấn đề “bè lũ bốn tên,” cũng “thông qua việc đập nát ‘bè lũ bốn tên’ mà khởi tác dụng mang tính quyết định trong cuộc đấu tranh cho vận mệnh của đảng và quốc gia.” Từ đó “cứu vãn sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và thúc đẩy sự nghiệp của đảng và đất nước bước sang một trang mới.”
Vương Hộ Ninh còn nói, phương diện đáng học hỏi hàng đầu từ ông Hoa Quốc Phong là “kiên định đảng tính, trung thành với đảng,” ông Vương cũng trích dẫn lời của ông Hoa khi đứng trước việc “bè lũ bốn tên” đoạt quyền: “Lịch sử đã đẩy tôi đến vị trí này, tôi tất không kể an nguy cá nhân mà dũng cảm gánh vác.”
Rốt cuộc, Vương Hộ Ninh đang thay ông Tập Cận Bình ca ngợi ông Hoa Quốc Phong, để một lần nữa nhấn mạnh toàn đảng phải trung thành, và ra tín hiệu với ngoại giới rằng ông Tập sẽ ra tay nặng với phe cánh họ Giang; Hay là đang thay mặt phe cánh họ Giang gửi thông điệp uy hiếp “sẽ hất cẳng” tới Trung Nam Hải, xin để quý độc giả tự phán đoán. Tuy nhiên từ đây có thể khẳng định một điều, “trò chơi” giữa các phe cánh trong nội bộ Trung Cộng đã bước vào một giai đoạn kịch liệt chưa từng có. Người viết muốn nói với những nhân sỹ thức thời, vẫn còn nhân tính trong nội bộ Trung Cộng rằng, cuộc đấu tranh giành quyền lực trong thể chế tất sẽ làm gia tăng tốc độ diệt vong của Trung Cộng. Đối với một cá nhân mà nói, lối thoát duy nhất chính là noi gương Hoa Quốc Phong thoái xuất khỏi Đảng cộng sản và tích cực tham gia vào quá trình giải thể đảng tà ác này, như vậy mới có thể mở ra một tương lai tươi sáng cho bản thân.
Do PuShan thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: