Bắc Kinh ra sức dẫn dụ Hoa Thịnh Đốn trở lại Đại Tây Dương
Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đang nỗ lực để bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ chuyển trọng tâm chiến lược của mình trở lại Đại Tây Dương và tránh xa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng ngay cả các biện pháp mạnh mẽ nhằm thể hiện sức mạnh của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) ở Đại Tây Dương có lẽ cũng không đủ sức để chuyển hướng bất cứ điều gì ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ các tài sản chiến lược của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, bất kỳ sự giảm sút năng lực nào của các lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh cũng như việc chuyển [trọng tâm] ưu tiên ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được coi là một phần thưởng cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong việc đặt cược vào một cuộc xung đột tiềm tàng gần hơn với Trung Quốc đại lục.
Bắc Kinh đã bắt đầu tiến tới việc xây dựng các cơ sở căn cứ ở Đại Tây Dương tại nước cộng hòa Guinea-Bissau trên bờ biển Trung Tây của Phi Châu, và trên chuỗi đảo Azores của Bồ Đào Nha ở giữa Đại Tây Dương. Nhà cầm quyền này cũng đã thúc đẩy chính phủ cánh tả của Tổng thống Alberto Ángel Fernández của Argentina khơi lại mối đe dọa đối với quyền sở hữu của Anh Quốc với quần đảo Falkland ở Nam Đại Tây Dương, [xem đó] như một phương tiện để lôi kéo [lực lượng] hải quân với năng lực hạn chế của Anh Quốc ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đến tháng 12/2021, Bắc Kinh lại gắng sức nỗ lực đánh lạc hướng sự tập trung của Hoa Thịnh Đốn khỏi hiệp ước quốc phòng AUKUS mới giữa Úc, Anh Quốc, và Hoa Kỳ. AUKUS được Úc định hướng rõ ràng là một liên minh toàn cầu với trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đe dọa trở thành “liên minh của tương lai” giữa ba cường quốc Anglophone (các quốc gia sử dụng Anh ngữ), cùng với nhau sẽ hình thành tầm với địa chính trị toàn cầu trên quy mô chưa từng có.
Hiệp ước AUKUS bắt đầu được chú trọng vào giữa tháng 12/2021, khi mà các quan chức từ ba nước thành viên của hiệp ước này được bổ nhiệm vào các nhóm công tác, với trọng tâm ban đầu là tăng cường năng lực tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Úc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nâng lên thành trạng thái chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gửi yêu cầu đến Quốc hội hôm 01/12/2021 đề nghị chấp thuận thời gian đàm phán 18 tháng nhằm chuyển giao công nghệ điện hạt nhân cho Úc “để tìm kiếm một hướng đi tối ưu để cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Hải quân Hoàng gia Úc trong thời gian sớm nhất có thể đạt được.”
“Các hoạt động đánh lạc hướng” mới nhất của Bắc Kinh không phải là một âm mưu mới. Các hoạt động này đã diễn ra nhiều lần trong thập niên vừa qua, nhằm buộc phương Tây tập trung vào các lực lượng phòng thủ tại Đại Tây Dương và Âu Châu để tránh một cuộc cạnh tranh đang được tái hiện lại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Cộng đã hành động như vậy ngay cả khi đang nỗ lực xây dựng lại các tuyến cung ứng hậu cần ở Phi Châu để giúp thương mại của Trung Quốc tập trung vào các cảng Bờ Đông (Ấn Độ Dương), cùng với các tuyến kết nối đường bộ và đường sắt mới, thậm chí chuyển hàng hóa thương mại Tây Phi đến và đi từ các cảng bên Bờ biển Đông Phi, đặc biệt là cảng mới do Trung Quốc kiểm soát tại Lamu, Kenya.
Ngày 20/01/2016, một tờ báo của Namibia đã xác nhận các báo cáo trước đó nói rằng Trung Quốc đang đàm phán về việc xây dựng một căn cứ Hải quân PLA tại Vịnh Walvis, Namibia, và muốn xây dựng 18 “căn cứ ở hải ngoại”, kể cả căn cứ ở Vịnh Walvis, cũng như ở Bắc Hàn (tại Chongjin), Thái Lan (tại Koh Lanta), và ở các địa điểm khác ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Việc mở rộng các cảng Gwadar (Pakistan) và Lamu (Kenya) ở Ấn Độ Dương sau đó đã được tiến hành thuận lợi, và [họ] cũng đã lên kế hoạch cho các cảng hải quân ở Tanzania. Vào thời điểm đó, Trung Quốc không nhất thiết đã cân nhắc đến việc họ có thể giành được quyền [kiểm soát] căn cứ quân sự ở Djibouti hay không, do sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Pháp tại đó, nhưng những sơ suất về ngoại giao của Hoa Kỳ tiếp sau đó đã thúc đẩy Tổng thống Djibouti Ismaïl Omar Guelleh [đồng ý] giao căn cứ cho Trung Quốc vào năm 2015.
Không rõ liệu các cuộc đàm phán “bí mật” 2020-21 giữa các quan chức của Trung Cộng và Tổng thống Teodoro Nguema Obiang Mangue của Equatorial Guinea có nên được bảo mật, hay liệu họ có mục đích nước đôi là vừa đạt được một căn cứ hải quân mới tại thành phố cảng Bata, trên Vịnh Guinea thuộc bờ biển rìa lục địa (duyên hải) của quốc gia này, vừa khiến Hoa Kỳ e ngại về việc tái tập trung vào Đại Tây Dương, hay không. Nhưng Hoa Thịnh Đốn đã mắc bẫy.
Hôm 05/12/2021, tờ Wall Street Journal ghi nhận rằng: “Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jon Finer đã đến thăm Equatorial Guinea (Guinea Xích đạo) hồi tháng 10 (năm 2021) với nhiệm vụ thuyết phục Tổng thống Teodoro Obiang Mangue từ chối những lời mời gọi của Trung Quốc.” Cho đến nay, Equatorial Guinea vẫn mắc kẹt trong các cam kết an ninh và thương mại với Hoa Kỳ, với việc đại tập đoàn năng lượng Exxon Mobil của Hoa Kỳ kiểm soát trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ của quốc gia này.
Tuy nhiên, hồi tháng 01/2020, Exxon Mobil đã công khai thảo luận về các kế hoạch bán cổ phần của họ ở Equatorial Guinea, kể cả cổ phần điều hành của họ tại hầm mỏ Zafiro, với năng suất 90,000 thùng/ngày và cung cấp phần lớn sản lượng của quốc gia này.
Điều đó bất ngờ mở ra cho Equatorial Guinea một sự thay đổi toàn diện về hướng đi chiến lược.
Xa hơn về phía bắc, ở Trung Đại Tây Dương, đã xuất hiện hành động khác của Bắc Kinh. Báo cáo của một tổ chức tư vấn phát hành hồi tháng 09/2021 với nhan đề “Phát triển Ngũ Nhãn: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh chiến lược,” lưu ý rằng: “Trung Quốc đã xác định vùng tự trị Azores là trung tâm trọng yếu của Đại Tây Dương và do đó, đã mua lại các căn cứ trên các hòn đảo này, chẳng hạn như các cơ sở lưu trữ bị bỏ hoang của Hoa Kỳ và một khách sạn của Pháp, được sử dụng làm nơi đồn trú cho 500 binh sĩ. Đáng chú ý, vùng tự trị Azores là then chốt đối với an ninh của các tuyến cáp ngầm dưới biển. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một căn cứ không quân tại Lajes trên đảo Terceira [Azores].” Báo cáo này do hai ông John Hemmings và Peter Varnish thực hiện, và đã được Viện Macdonald-Laurier của Canada cùng Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương Daniel K. Inouye của Hoa Kỳ công bố.
Các cáp ngầm thông tin liên lạc dưới biển là mối quan tâm trọng yếu của Bắc Kinh. Chúng thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Việc Bắc Kinh tập trung vào Quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương thực sự có liên quan rất lớn đến việc quần đảo này nằm gần các tuyến cáp ngầm thông tin liên lạc chính dưới biển đi xuyên qua Thái Bình Dương.
Bắc Kinh đã công khai theo đuổi việc đặt căn cứ, đầu tư và tiếp cận lãnh thổ đối với các vùng đất ở Bắc Đại Tây Dương; đồng thời đã có các hoạt động thương mại, tình báo, và chính trị mạnh mẽ xuyên suốt khu vực Nam và Trung Mỹ, cũng như vùng Caribe. Thật vậy, họ có các mục tiêu chiến lược thực sự trong khu vực này, nhưng không có mục tiêu nào trong số này vượt qua được việc cấp thiết phải ngăn chặn Hoa Kỳ tập trung quá lớn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hiệp ước AUKUS.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gregory Copley là chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Sinh ra ở Úc, ông Copley từng được trao huân chương “Thành viên Úc” (Member of the Order of Australia). Ông là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên ấn phẩm quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là “The New Total War of the 21st Century” (Cuộc Chiến Toàn Diện Mới Của Thế Kỷ 21) và “The Trigger of the Fear Pandemic” (Kích Hoạt Nỗi Sợ Hãi Của Đại Dịch).
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: