Bắc Kinh nói hợp tác Trung-Mỹ về vấn đề Afghanistan phụ thuộc vào ‘thái độ của Hoa Thịnh Đốn đối với Trung Quốc’
Hôm 29/08, trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng “thái độ của Hoa Thịnh Đốn đối với Trung Quốc” sẽ quyết định cách hai nước làm việc cùng nhau về vấn đề Afghanistan.
Ông Vương không chỉ đặt ra các điều kiện hợp tác song phương mà còn cáo buộc Hoa Kỳ đang “chống khủng bố một cách có chọn lọc,” theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong khi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu chi tiết các yêu cầu của ông Vương đối với Hoa Kỳ, thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price [chỉ] đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về cuộc điện đàm này.
Ông Blinken và ông Vương đã nói về “tầm quan trọng của việc cộng đồng quốc tế buộc Taliban phải chịu trách nhiệm về những cam kết công khai mà họ đã hứa liên quan đến việc di chuyển an toàn và quyền tự do đi lại cho người dân Afghanistan và công dân ngoại quốc.”
Tuyên bố của ông Price không đưa thêm chi tiết nào khác về cuộc điện đàm này.
Ông Vương cho biết thái độ của Hoa Kỳ sẽ được đo lường bằng các hành động của họ: ngừng “phỉ báng và công kích” Bắc Kinh và ngừng “phá hoại” chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Vương nói Hoa Kỳ “nên xem xét một cách nghiêm túc” “hai danh sách” và “ba điểm mấu chốt” của Trung Quốc. Làm theo những gì Trung Quốc đã nói sẽ đưa mối bang giao song phương “trở lại đúng hướng” để đáp ứng mong muốn của Bắc Kinh, ông Vương nói thêm.
Không biết ông Vương đang ám chỉ đến những lời phỉ báng và công kích nào. Hồi tháng Bảy, chính quyền Trung Cộng cũng cáo buộc các ký giả phương Tây “bôi nhọ Trung Quốc” sau khi họ đăng các bài báo chỉ trích chính sách đối với lũ lụt tại địa phương của Trung Quốc. Cáo buộc do truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá đã khiến các công dân Trung Quốc quấy rối và đe dọa các ký giả phương Tây đưa tin về thảm họa tại hiện trường.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã đăng tải các báo cáo tiêu cực của riêng họ về Hoa Kỳ, chẳng hạn như gán cho Hoa Kỳ là một đối tác không đáng tin cậy vì cuộc rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan.
Bắc Kinh đã trao hai danh sách và ba yêu cầu cho Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman, khi bà tới Trung Quốc hồi cuối tháng Bảy để gặp ông Vương và cấp phó Tạ Phong của ông. Một trong hai danh sách đã yêu cầu Hoa Kỳ sửa lại “những hành vi sai trái” của mình, bao gồm cả việc thu hồi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Cộng.
Một trong các yêu cầu đòi hỏi Hoa Kỳ không được “can thiệp” vào việc Trung Cộng xử lý các vấn đề ở các khu vực nhạy cảm như Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Nhiều chính phủ phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở ba khu vực trên, đặc biệt là về việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Chế độ cộng sản này đã biến chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman — cũng như cuộc gặp hồi tháng Ba ở Alaska, khi ông Vương và quan chức chính sách ngoại giao của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã chỉ trích thậm tệ Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan — thành một cuộc tuyên truyền.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa ông Blinken và ông Vương về Afghanistan trong tháng này. Theo Bộ Ngoại giao, ông Blinken và ông Vương đã nói về “tình hình an ninh” ở Afghanistan trong lần điện đàm trước đó vào ngày 16/08 sau khi thủ đô Kabul thất thủ vào tay Taliban.
Trong cuộc điện đàm đó, ông Vương cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng “liên lạc và đối thoại” với Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến Afghanistan, nhưng ông chỉ trích việc rút quân nhanh chóng của Hoa Kỳ là có “tác động tiêu cực nghiêm trọng” đối với quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Vẫn còn phải xem Trung Quốc sẽ thực sự thu được bao nhiêu lợi ích từ một Afghanistan do Taliban kiểm soát.
Ông Gordon Chang, tác giả cuốn sách “The Coming Collapse of China” (“Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc”), đã nói trong một hội thảo trên web gần đây của EpochTV rằng, “Tôi không chắc Trung Quốc sẽ thực sự được hưởng lợi bởi vì Bắc Kinh hiện phải làm một việc mà họ chưa từng làm trước đây, đó là ứng phó với một tình huống an ninh rất khó khăn bên ngoài biên giới của họ.”
Bên cạnh vấn đề Afghanistan, ông Vương cũng cáo buộc các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã “phát minh ra” báo cáo của họ về nguồn gốc của virus Trung Cộng trong cuộc điện đàm mới nhất với ông Blinken, theo tuyên bố của Trung Quốc. Ông cũng yêu cầu Hoa Kỳ ngừng “chính trị hóa” việc truy tìm nguồn gốc của virus.
Báo cáo của tình báo Hoa Kỳ, được công bố hôm 27/08, tuyên bố rằng họ không thể đưa ra đánh giá chính xác về nguồn gốc của đại dịch, do Trung Quốc từ chối hợp tác.
Virus Trung Cộng có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc. Báo cáo kết luận rằng virus có thể bắt nguồn từ một động vật bị nhiễm bệnh hoặc từ một “sự cố liên quan đến phòng thí nghiệm.”
Viện Virus học Vũ Hán (WIV) của Trung Quốc, nơi đặt một trong những phòng thí nghiệm P4 có cấp độ an toàn sinh học cao nhất của Trung Quốc, đã bị theo dõi chặt chẽ vì [có khả năng] là nguồn của virus. Việc tài trợ của Hoa Kỳ, Canada và Pháp cho nghiên cứu tăng chức năng gây tranh cãi của phòng thí nghiệm này cũng thu hút sự chú ý gắt gao.
Một tờ thông tin của Bộ Ngoại giao công bố hồi tháng Một cho biết họ có lý do để tin rằng “một số nhà nghiên cứu trong WIV đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi ca nhiễm đầu tiên của đợt bùng phát được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả triệu chứng của COVID-19 và triệu chứng của các bệnh thông thường theo mùa.”
Ông Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Ông đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: