Bắc Kinh nói Hoa Kỳ không thể chỉ rời bỏ Afghanistan trong cuộc tấn công tuyên truyền chống Hoa Kỳ
Trong loạt công kích mới nhất nhắm vào Hoa Thịnh Đốn, Bắc Kinh nói rằng Hoa Kỳ không thể chỉ đơn giản rời bỏ sự hỗn loạn ở Afghanistan, theo khuôn khổ một chiến dịch tuyên truyền nhằm tận dụng hết mức cuộc khủng hoảng của nhà cầm quyền này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 23/08 đã gán cho Hoa Kỳ là “căn nguyên chính và nhân tố lớn nhất” gây ra tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Afghanistan, nói rằng Hoa Kỳ “không nên đơn giản bỏ đi” mà thay vào đó nên cung cấp sự tái thiết và viện trợ nhân đạo.
Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước một cách chớp nhoáng, Bắc Kinh đã nhanh chóng lợi dụng tình trạng khủng hoảng để làm lu mờ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên vũ đài thế giới.
Nhà cầm quyền Trung Cộng cũng nhận thấy một cơ hội để lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ đã để lại trong một khu vực mà Bắc Kinh coi là sân sau của mình—Afghanistan có chung đường biên giới dài 47 dặm với Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền này cũng cảnh giác rằng sự bất ổn bên trong quốc gia này có thể lan sang các quốc gia láng giềng Pakistan và Trung Á và có khả năng tiến vào biên giới Trung Quốc.
Kể từ khi Afghanistan rơi vào tay Taliban, nhóm này và Bắc Kinh đều bày tỏ mong muốn duy trì liên hệ hữu nghị. Nhà cầm quyền Trung Cộng, chỉ thiếu nước công nhận nhóm này là kẻ thống trị mới, trước đây đã mô tả việc Taliban giành quyền kiểm soát là “ý chí và sự lựa chọn của người dân Afghanistan.” Trong cuộc họp báo hôm 23/08, ông Uông hứa rằng Bắc Kinh sẽ “đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hòa bình” ở Afghanistan và giúp quốc gia này “đạt được sự tự cường.”
Tuần trước (16-22/08), Taliban bày tỏ hy vọng rằng Bắc Kinh có thể đóng góp vào nỗ lực tái thiết đất nước, với một phát ngôn viên nói với thông tấn nhà nước Trung Quốc rằng nhóm này vẫn thường xuyên liên lạc với một phái viên Trung Quốc mà Bắc Kinh mới chỉ định làm người liên hệ với nhà cầm quyền mới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, mối tương giao giữa Trung Quốc và Taliban về bản chất sẽ là thực dụng hơn là tình hữu nghị nồng ấm được thông tấn nhà nước Trung Quốc miêu tả.
Ông Frank Lehberger, nhà Hán học và một nhà nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Usanas có trụ sở tại Ấn Độ, cho biết Taliban sẽ chỉ nỗ lực để đáp ứng mong muốn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) khi các yêu cầu của chính nhóm này được thỏa mãn; hiện tại, mối quan tâm chính của Taliban là dòng tiền.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Miễn là giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhanh chóng thanh toán số lượng ngoại tệ hoặc cung cấp tất cả các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mà Taliban ở Afghanistan muốn… thì Taliban sẽ rất ‘tử tế’ với Trung Quốc.”
“Nhưng nếu Trung Cộng không sẵn lòng hoặc không thể cung cấp tài chính kịp thời như kỳ vọng, hoặc nếu Trung Quốc làm bất cứ điều gì khiến Taliban phật lòng, thì Taliban sẽ rất nhanh chóng ăn cháo đá bát.”
Tài chính cũng là một thách thức cấp bách mà Taliban phải đối diện để củng cố quyền kiểm soát của mình. Hoa Kỳ đã chặn quyền sử dụng của Taliban đối với hàng tỷ dollar tiền dự trữ liên bang của Afghanistan được lưu trữ trong các tài khoản ngân hàng Hoa Kỳ, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã giữ lại 460 triệu USD tiền viện trợ. Áp lực tài chính này khiến Hoa Kỳ có một đòn bẩy tiềm năng khi căng thẳng tiếp tục leo thang.
Thêm phần phức tạp, Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại rằng nước này có thể chứa chấp các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, những người có thể tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực viễn tây Tân Cương của Trung Quốc, nơi sinh sống của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ mà nhà cầm quyền này đã đàn áp trong một chiến dịch rộng khắp nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố.
Tháng trước (07/2021), Taliban đã bảo đảm với Bắc Kinh rằng họ sẽ “không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc,” nhưng chưa rõ nhóm này có thể kiểm soát đất nước đến mức độ nào để tuân thủ cam kết này.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: