Bắc Kinh nên chiếm Đài Loan và TSMC nếu phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ
Một nhà kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại một diễn đàn Mỹ-Trung đã đề nghị rằng Bắc Kinh nên tiếp quản Đài Loan và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) nếu Hoa Thịnh Đốn trừng phạt Bắc Kinh như nước này đã làm với Moscow.
Theo các hãng thông tấn nhà nước, nhà kinh tế Trung Quốc Trần Văn Linh (Chen Wenling) cho biết hôm 30/05 tại một diễn đàn do Viện Nghiên cứu Tài chính Sùng Dương tổ chức, “Nếu Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt hủy diệt đối với Trung Quốc như cách họ đối xử với Nga, chúng ta phải giành lại Đài Loan.” “Đặc biệt trong việc tái thiết ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng, chúng ta phải chiếm TSMC, một công ty vốn dĩ thuộc về Trung Quốc.”
Bà Trần là nhà kinh tế học hàng đầu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, một tổ chức tư vấn nhà nước do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, giám sát. Nhận xét của bà được đưa ra khi TSMC, một công ty hàng đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn, ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh thiếu hụt vi mạch bán dẫn toàn cầu.
“Họ đang đẩy nhanh việc di chuyển sang Hoa Kỳ để xây dựng sáu nhà máy ở đó,” bà nói thêm. “Chúng ta không được để tất cả các mục tiêu của việc chuyển giao được hoàn thành.”
Chế độ Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã đe dọa gây chiến để đưa hòn đảo này về dưới trướng của đại lục. Hòn đảo tự quản này là một quốc gia độc lập trên thực tế, có chính phủ được bầu cử dân chủ, quân đội, hiến pháp, ngoại giao và tiền tệ của riêng mình.
Trong khi đó, bà Trần kêu gọi Bắc Kinh công khai hỗ trợ Moscow nhiều nhất trong khả năng có thể, viện dẫn cuộc diễn tập không quân chung gần đây giữa hai nước đồng minh như một ví dụ.
Vị chuyên gia cho hay: “Trung Quốc và Nga có thể đoàn kết bằng cách làm cho Sáng kiến Vành đai và Con đường phù hợp với liên minh Á-Âu rộng lớn do ông Putin đưa ra.” “Điều đó sẽ tạo thành một vành đai chiến lược có chiều sâu cho đất nước chúng ta, một vành đai kinh tế dọc theo Con đường Tơ lụa, và một vành đai an ninh năng lượng, sẽ đóng vai trò là một vùng đệm chính cho [Trung Quốc] đối với những lo ngại về an ninh trong tương lai.”
Hôm 24/02, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, mà Điện Kremlin gọi là “một chiến dịch quân sự đặc biệt.” Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tính đến ngày 08/06, 4,266 thường dân đã thiệt mạng, trong đó có 67 trẻ em và 5,178 người bị thương ở Ukraine, với hơn 6.5 triệu người tị nạn sang các nước láng giềng.
Ngoài ra, bà Trần nói rằng Trung Quốc có thể tấn công mạnh mẽ đối thủ của mình theo cách bất lợi nhất cho đối thủ khi những thành tựu cải cách mà nước này đạt được trong 40 năm qua gặp rủi ro.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do, nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ (Wang Ting-Yu) đã tuyên bố bài diễn văn của bà là “vô trách nhiệm và khiêu khích.”
Ông Vương nói: “Ý tưởng chiếm Đài Loan và TSMC bằng vũ lực làm nổi bật sự thiếu hiểu biết, kiêu ngạo, và hiếu chiến của Trung Quốc.” “Hơn nữa, nó báo hiệu rằng họ [chính quyền Trung Quốc] sẽ có nguy cơ bị coi là một kẻ thù của thế giới vì lợi ích kinh tế của [họ].”
Người dùng Internet Triệu Minh đã đăng trên Twitter rằng bà Trần khó có thể được gọi là một nhà kinh tế học, vì ông nói rằng bà cho thấy không có nhận thức thông thường trong lĩnh vực của mình. “Kinh tế thúc đẩy sự di chuyển tự do của nhân tài, vốn, và công nghệ trong khi tư duy của bà Trần Văn Linh bận tâm nhiều đến sự cướp bóc.”
The Epoch Times không thể liên lạc với bà Trần Văn Linh để yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.