Bắc Kinh muốn đồng nhân dân tệ ra quốc tế mà vẫn giữ quyền kiểm soát vốn
Bắc Kinh muốn đồng nhân dân tệ thực sự có giá trị toàn cầu, nhưng điều này sẽ không khả thi được trừ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát vốn và cho phép thị trường xác định giá trị tiền tệ. Ngay cả khi đó, đồng USD rất có thể sẽ tiếp tục là tiền tệ của thế giới.
Trong hai tháng qua, đồng nhân dân tệ đã thực hiện một số bước hướng tới quốc tế hóa với việc phát hành đồng nhân dân tệ điện toán, cũng như việc Nga sử dụng đồng nhân dân tệ, giao dịch dầu bằng đồng nhân dân tệ với Ả Rập Xê Út, và các cuộc thảo luận về dự trữ ngoại tệ bằng nhân dân tệ tại các quốc gia khác.
Nhiều người suy đoán rằng việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có thể được đẩy nhanh bởi ĐCSTQ tham gia để giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề là trong khi Trung Quốc muốn tiền tệ của mình được sử dụng rộng rãi, như đồng USD hoặc đồng euro, thì chính quyền trung ương lại không muốn cho phép tiền tệ tự do di chuyển qua biên giới của mình, cũng như không cho phép thị trường mở hoàn toàn quyết định tỷ giá hối đoái .
Với hệ thống hiện tại, ĐCSTQ có thể điều chỉnh khối lượng đồng nhân dân tệ chảy vào và ra khỏi đất nước. Ngân hàng trung ương Trung Quốc có ảnh hưởng phần lớn giá trị của đồng nhân dân tệ.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là một ví dụ kinh điển về cái mà các nhà kinh tế học gọi là bộ ba bất khả thi. Về cơ bản, một chính quyền trung ương không thể cùng lúc có ba thứ: tiền tệ ổn định, vốn luân chuyển tự do, và chính sách tiền tệ độc lập. Để đồng nhân dân tệ được quốc tế hóa, Bắc Kinh sẽ phải từ bỏ ít nhất một trong những hạn chế này, điều mà dường như họ chưa bao giờ muốn làm.
Để đồng nhân dân tệ có thể thay thế USD trở thành đồng tiền toàn cầu của thế giới, đồng nhân dân tệ cần phải có khả năng chuyển đổi hoàn toàn. Hiện tại, đồng nhân dân tệ chỉ được coi là có thể chuyển đổi một phần. Để đạt được khả năng chuyển đổi hoàn toàn, đồng nhân dân tệ sẽ phải tiếp xúc với các lực lượng thị trường, vốn đòi hỏi phải tự do hóa kinh tế đáng kể và một cuộc đại tu hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh muốn các nước khác giữ đồng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ, thì số lượng nhân dân tệ ở ngoại quốc sẽ phải tăng lên. Và điều này chỉ có thể đạt được bằng cách loại bỏ các biện pháp kiểm soát dòng vốn của chính phủ. Nếu thực hiện các bước đi này, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với việc định giá cao đồng nhân dân tệ mà họ đã đấu tranh để ngăn chặn trong nhiều thập kỷ. Trong lịch sử, ĐCSTQ muốn hạ thấp giá trị của đồng nhân dân tệ, để giữ cho lao động Trung Quốc không đắt và khiến hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường ngoại quốc.
Hiện tại, đồng USD chiếm 60% dự trữ ngoại tệ thế giới, với các ngân hàng ngoại quốc nắm giữ 950 tỷ USD tiền mặt và 7.55 ngàn tỷ USD bằng trái phiếu kho bạc. Do đồng nhân dân tệ được sử dụng trong chưa đến 2% thanh toán thương mại toàn cầu và chỉ chiếm 2.5% dự trữ ngoại tệ, nên số lượng đồng nhân dân tệ có sẵn trên thị trường thế giới sẽ phải tăng gần 30 lần để thay thế đồng USD.
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, quốc gia này hứa sẽ tự do hóa các quy tắc trao đổi. Nhưng với sự can thiệp và điều tiết tài chính thái quá của ngân hàng trung ương trong hai năm qua, Bắc Kinh dường như không sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát. Trong lịch sử, ĐCSTQ đã coi việc kiểm soát vốn là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mình.
Bằng cách áp đặt giá trị của đồng tiền, Trung Quốc đã có thể giữ cho xuất cảng ở mức rẻ, thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất cảng. Do đó, các công ty, tổ chức tài chính và cá nhân ở Trung Quốc phải tuân theo chính sách tài khoản vốn “đóng” của ĐCSTQ, ngăn chặn tiền tự do di chuyển sang các quốc gia khác.
Ngoại hối được giám sát bởi Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). SAFE chịu trách nhiệm thiết lập các quy định liên quan và quản lý dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Phê duyệt SAFE cũng là cần thiết đối với khoản thanh toán ngoại hối ra ngoại quốc.
Ngoài SAFE, các khoản đầu tư ra ngoại quốc phải được xem xét bởi ba cơ quan khác, bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Thương mại (MOFCOM) và PBOC.
Nếu một công ty không tuân thủ các yêu cầu của SAFE, thì sở ngoại hối có thể tiếp quản tài khoản vốn của họ và các ngân hàng sẽ từ chối xử lý hoạt động kinh doanh ngoại hối của công ty. Các ngân hàng cũng sẽ ngăn cản công ty chia lợi nhuận cho các cổ đông ngoại quốc. Những thực tế này có nghĩa là có những hạn chế đối với chuyển tiền ra ngoại quốc, tài trợ thương mại xuyên biên giới, và tài trợ đầu tư xuyên biên giới.
Ngay cả khi ĐCSTQ ban hành những thay đổi cấu trúc cần thiết để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thì đồng USD vẫn có khả năng vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới trong nhiều năm tới. Trước khi chọn một loại đồng tiền để đầu tư, một ngân hàng trung ương sẽ xem xét một số thông số.
Đầu tiên, họ xem xét cơ hội vỡ nợ của người đi vay. Chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ, làm cho rủi ro đối với các trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ thực tế là bằng không.
Tiếp theo, chủ ngân hàng muốn biết liệu thu nhập thu được từ khoản đầu tư có thể bị mất giá do đồng tiền ấy mất giá hay không. Một ví dụ gần đây về loại rủi ro tiền tệ này là các khoản đầu tư bằng đồng rúp. Ngay cả với lãi suất 20%, các khoản đầu tư bằng đồng rúp vẫn sẽ bị thua lỗ vì đồng tiền này đã mất hơn 30% giá trị kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Với đồng USD, rất ít khả năng xảy ra tình trạng giảm giá mạnh kiểu này.
Cuối cùng, một chủ ngân hàng cần biết liệu khoản đầu tư có thể dễ dàng bán hoặc chuyển đổi thành tiền mặt hay không. Nợ chính phủ Hoa Kỳ được coi là có tính thanh khoản gần như tiền mặt, vì có một thị trường rộng lớn nơi các trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ có thể được bán ngay lập tức với bất kỳ số lượng nào. Trung bình, hơn nửa nghìn tỷ USD Trái phiếu Kho bạc được mua và bán mỗi ngày.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: