Bắc Kinh ký thỏa thuận hợp tác về an ninh, kinh tế và cứu trợ thiên tai với Tonga
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cố gắng đạt được một số thỏa thuận song phương với Tonga về cứu trợ thiên tai, nông nghiệp, ngư nghiệp, y tế, và thiết bị cảnh sát ở giai đoạn cuối trong chuyến công du 10 ngày quanh Thái Bình Dương của mình.
Sự kiện ký kết này diễn ra sau khi Bắc Kinh cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các quốc gia Thái Bình Dương tham gia vào một thỏa thuận kinh tế và an ninh khu vực sâu rộng bất chấp sự thiếu đồng thuận giữa các quốc gia Thái Bình Dương về lời đề nghị ban đầu của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Cho đến nay, ông Vương đã đến thăm quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa và Fiji. Ông sẽ đến Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste trong những ngày tới.
Hôm thứ Ba (31/05), ông Vương đã gặp Thủ tướng Tonga Hu’akavemeiliku Siasi Sovaleni và Vua Tupou VI tại Cung điện Hoàng gia, nơi các nhà lãnh đạo đã ký một loạt các thỏa thuận song phương cho phép Trung Quốc cung cấp một phòng thí nghiệm cảnh sát và thiết bị kiểm tra hải quan cho Tonga, viện trợ cứu trợ thiên tai, hợp tác kinh tế xanh, và một dự án cải tạo lăng mộ.
Tuyên bố về mối bang giao song phương ngày càng sâu sắc này được đưa ra sau khi Tonga, một trong những quốc gia nghèo nhất Thái Bình Dương, đã đăng ký tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh vào năm 2021. Nước này cũng nợ 2/3 khoản nợ ngoại quốc — trị giá 195 triệu USD — đối với Export-Import Bank của Trung Quốc, báo cáo ngân sách của nước này cho thấy.
Tonga vẫn đang vực dậy sau một vụ phun trào núi lửa và sóng thần đã tàn phá quốc gia Thái Bình Dương này vào tháng Một. Sự kiện này đã chứng kiến các quốc gia lớn cam kết hỗ trợ tài chính nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng.
Bắc Kinh đã cử hai tàu Hải quân Trung Quốc, hai tàu cá Trung Quốc và hai phi cơ quân sự Y-20 đến Tonga để cứu trợ khẩn cấp. Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cũng đã viện trợ cho Tonga 100,000 USD tiền mặt.
Trong khi đó, Úc đã cung cấp gói 16 triệu USD để hỗ trợ quá trình tái thiết và phục hồi lâu dài của Tonga cùng với việc cung cấp gần 55,000 vaccine Pfizer để hỗ trợ đối phó với đại dịch của Tonga, và New Zealand đã cung cấp cho Tonga 3 triệu USD viện trợ nhân đạo.
Trung Quốc hiện đang trong quá trình tìm kiếm các mối liên hệ an ninh rộng lớn hơn ở các quốc gia Thái Bình Dương, mặc dù nước này có lượng dân số ít, nhưng lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và các vị trí quân sự chiến lược.
Tuần trước, một tài liệu dự thảo Tầm nhìn Phát triển Chung của các Quốc đảo Thái Bình Dương của Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch của Bắc Kinh về việc hợp tác với 10 quốc gia Thái Bình Dương trong các lĩnh vực thương mại tự do, nghề cá, an ninh, mạng, và lập bản đồ hàng hải.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị gác lại do thiếu sự đồng thuận, với ông David Panuelo, chủ tịch Liên bang Micronesia, đã cảnh báo rằng hiệp ước này có thể kích hoạt một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới.
Hôm 27/05, ông Vương đã gặp Phó Tổng thống Kiribati Teuea Toatu và cố gắng đạt được một cam kết làm sâu sắc hơn mối bang giao. Đại sứ của Kiribati tại Trung Quốc, ông David Teaabo, cho biết các nhà lãnh đạo phải ký tới 10 biên bản ghi nhớ, theo hãng thông tấn quốc doanh Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc.
Hôm 28/05, Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa đã cam kết hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với đại dịch, biến đổi khí hậu, và giáo dục.
Sau khi gia nhập, bà Mata’afa đã hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 100 triệu USD ở thủ đô Apia của đất nước này, tuy nhiên vị thủ tướng này vẫn muốn tiếp tục xây dựng mối bang giao với Bắc Kinh.
Cô Nina Nguyen là một phóng viên tại Sydney. Cô đưa tin về Úc với trọng tâm là các vấn đề xã hội và văn hóa. Cô thông thạo tiếng Việt. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected]