Bắc Kinh khuyến khích truyền thông Úc ‘hãy nói thật hay về Vành đai và Con đường’
Trong chuyến thăm Sydney vào năm 2017, Tan Tianxing, Thứ trưởng cơ quan thu thập thông tin tình báo và ảnh hưởng nước ngoài của Trung Quốc, thuộc Cục Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD), trong một buổi tập hợp các kênh truyền thông Trung Quốc có trụ sở tại Úc đã yêu cầu quảng bá những lợi ích của Bắc Kinh bằng cách tạo một trục xoay tích cực quanh Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tranh cãi của Trung Quốc.
Ông Tan nhấn mạnh hy vọng rằng các phương tiện truyền thông tiếng Trung của Úc sẽ tích cực “Truyền đi tiếng nói của Trung Quốc” và kể “những câu chuyện về Vành đai và Con đường, và ghi lại kỷ nguyên vĩ đại của Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Những sự việc này được tiết lộ khi chính phủ liên bang tiến hành đồng bộ việc đẩy lùi can thiệp của nước ngoài trên nhiều mặt.
Roadshow truyền thông Vành đai và Con đường
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã chống lưng cho những cuộc đột kích chớp nhoáng quan hệ công chúng toàn cầu nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trung Quốc đã khởi xướng một loạt các sáng kiến dưới danh nghĩa của chương trình này bao gồm: Diễn đàn Vành đai và Con đường cho Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội Luật sư Quốc tế Vành đai và Con đường, Liên minh Truyền thông Tiếng Trung của các quốc gia Vành đai và Con đường, và Hội nghị chuyên đề Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Hội nghị chuyên đề [Sáng kiến Vành đai và Con đường] được tổ chức vào ngày 8/2/2017 tại Sydney do chi nhánh tại Úc của hãng thông tấn China News Agency (Thông tấn xã Trung Quốc) chủ trì (người đứng đầu chi nhánh này, ông Tao Shelan, đã bị cấm tái nhập cảnh vào Úc năm 2020).
Trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo Tan của UFWD [Cục Công tác Mặt trận Thống nhất] khoe rằng có 40 triệu người gốc Hoa sống ở nước ngoài tại các quốc gia và khu vực tham gia BRI [Sáng kiến Vành đai và Con đường].
“Họ là những người quảng bá và là cầu nối quan trọng cho việc xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường,” ông Tan nói.
Cũng phát biểu tại hội nghị chuyên đề, Chủ tịch Thông tấn xã Trung Quốc Zhang Xinxin đồng ý rằng truyền thông nên “gánh vác nhiều trọng trách hơn”.
Ông Zhou Manqi, Trưởng ban biên tập của tập đoàn Nanhai Media (Nanhai) có trụ sở tại Sydney cho biết: “Với tư cách là một kênh truyền thông tiếng Trung của Úc, chúng tôi hy vọng sử dụng các báo cáo khách quan và sinh động để tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho mạng lưới bạn bè của [Trung Quốc], để kênh truyền thông [của chúng tôi] có thể trở thành chất xúc tác cho Vành đai và Con đường… ”
Tờ Sydney Morning Herald đã cáo buộc Nanhai, tập đoàn điều hành các kênh WeChat và các tạp chí cộng tác với Vogue và Qantas, đã nhận tài trợ từ Bắc Kinh cho các sự kiện văn hóa.
Cùng tham dự hội nghị này còn có chủ tịch của tờ The Australian News Express Daily, thuộc sở hữu của tỷ phú Chau Chak Wing, được biết đến với khoản tài trợ 20 triệu USD của ông ta cho việc xây dựng Tòa nhà Tiến sĩ Chau Chak Wing tại Đại học Công nghệ Sydney.
Trong một bản tin, tờ Sydney Morning Herald đã xác nhận rằng cựu trưởng điệp viên Úc Duncan Lewis đã cảnh báo các đảng chính trị lớn vào năm 2015 về việc chấp nhận các khoản tài trợ từ ông ta, do lo ngại sự can thiệp của nước ngoài.
Ông John Zhang cũng đã có mặt tại hội nghị. Ông Zhang sở hữu một tập đoàn truyền thông và hiện đang bị cơ quan an ninh điều tra cùng với cựu thành viên Quốc hội New South Wales Shaoquett Moselmane.
Sau khi nghe đại diện các kênh truyền thông tiếng Trung sở tại phát biểu, ông Tan bày tỏ “sự tôn trọng sâu sắc và lòng biết ơn chân thành” vì sự đóng góp của họ và vì việc “phổ biến ý tưởng vĩ đại về Vành đai và Con đường”, bên cạnh những đóng góp khác.
Đẩy lùi sự can thiệp của nước ngoài trên nhiều mặt trận
Những tiết lộ mới nhất được đưa ra khi Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews tiếp tục phải đối mặt với những lời chỉ trích vì quyết định ký kết với BRI.
Vị Thủ hiến này đã ký hai Biên bản ghi nhớ với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, một vào năm 2018 và một vào năm 2019.
Vào cuối tháng 8, Thủ tướng Scott Morrison đã công bố Dự luật Quan hệ Đối ngoại mới mà các chuyên gia tin rằng sẽ nhắm tới BRI cũng như một loạt các thỏa thuận được ký kết giữa các chính phủ tiểu bang ở Úc với Bắc Kinh.
Luật này sẽ trao cho bộ trưởng ngoại giao quyền xem xét và quyền phủ quyết các thỏa thuận được cho là đi ngược lại lợi ích quốc gia.
Đồng thời, quyền Bộ trưởng Nhập cư Alan Tudge đã lên tiếng về sự can thiệp của nước ngoài vào các cộng đồng đa văn hóa ở Úc, nói rằng họ tạo ra mối đe dọa đối với sự gắn kết xã hội.
Ông nói với Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia vào ngày 28/8 rằng: “Thông tin hoặc tuyên truyền độc hại có thể được lan truyền qua các phương tiện truyền thông đa văn hóa, bao gồm cả các phương tiện truyền thông bằng tiếng nước ngoài do các bên nhà nước kiểm soát hoặc tài trợ.”
Ông Tudge đã tham gia các phương tiện truyền thông đa văn hóa thường xuyên hơn, và cũng đã công bố một bài kiểm tra quốc tịch sửa đổi nhấn mạnh hơn vào việc học và hiểu các giá trị Úc.