Bắc Kinh khôi phục đất canh tác để ngăn chặn thiếu lương thực do cuộc chiến Nga-Ukraine
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc đẩy chính phủ địa phương chuyển đổi các ao cá và vườn cây ăn trái trở lại thành đất canh tác để tăng diện tích đất canh tác và giải quyết khủng hoảng lương thực. Tuy nhiên, động thái này đã đe dọa sinh kế của người dân địa phương, với một số người cho rằng họ không được đền bù đầy đủ cho những thiệt hại của mình.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vì cả hai nước đều là nhà xuất cảng lớn của thế giới đối với các loại thực phẩm thiết yếu như lúa mì và ngô.
Theo một báo cáo vào tháng Hai của tờ Economic Daily của nhà nước, Trung Quốc ước tính rằng để duy trì khả năng tự cung tự cấp lương thực, Trung Quốc phải có ít nhất 300 triệu mẫu đất canh tác.
Thay vì bảo tồn số đất này để làm canh tác, ĐCSTQ đã chuyển đổi phần lớn số đất này để đánh cá, làm cảnh quan, xây dựng các tòa nhà, và các dự án sinh lời khác trong nhiều năm. Nhưng gần đây, ĐCSTQ đã quyết định chuyển đổi lại một số vùng đất trở lại để làm canh tác nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra.
Để bảo đảm rằng các quan chức địa phương tuân theo mệnh lệnh, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của họ được liên kết với số lượng đất mà họ có thể chuyển đổi sang làm canh tác. ĐCSTQ đang theo dõi trực quan tiến trình của họ thông qua hình ảnh vệ tinh. Trước áp lực đó, một số chính phủ địa phương cho biết đã rút cạn ao cá và san bằng rừng, đe dọa sinh kế của người dân.
Người dân địa phương chịu thiệt hại
Mặc dù những hành động này có thể được bảo đảm, nhưng không phải tất cả người dân đều hài lòng với việc ĐCSTQ đã thay đổi hoàn toàn các chính sách sử dụng đất.
Chính sách của ĐCSTQ cho phép các cá nhân sở hữu công trình tư nhân nhưng không cho phép sở hữu đất đai. Với một khoản phí, người dân có thể nhận quyền sử dụng đất đối với đất thuộc sở hữu nhà nước và đất tập thể ở các vùng nông thôn và ngoại thành trong một thời hạn nhất định. Họ cũng có thể cải thiện đất này để canh tác hoặc phục vụ các mục đích khác, và hầu hết trong số họ có được tiền thông qua các khoản vay. Tuy nhiên, người sử dụng đất có nguy cơ mất các khoản đầu tư của họ nếu chính quyền quyết định chuyển đổi lại [mục đích sử dụng đất] mà không hoàn trả mọi khoản chi phí đã đầu tư.
Ở tỉnh Hà Nam, một người sử dụng đất họ Wang gần đây đã nói với The Epoch Times: “Có một ao cá lớn trong khu vực của chúng tôi mà nhiều người đã đầu tư hết tiền của họ vào. Nhưng chính phủ đã thu hồi đất và lấp ao, phá hủy [sinh kế của] những gia đình đó. Mọi người đã vay hàng triệu USD cho dự án này và sau đó mất tất cả trong một đêm. Chính sách sử dụng đất của chính quyền thường xuyên thay đổi khiến người dân thường bị thiệt hại.”
Hơn nữa, ông Wang nói rằng “chỉ có một khoản hoàn trả tượng trưng hoặc hình thức được cung cấp, và không được có cơ hội thương lượng với chính phủ. Những người dân ở dưới đáy —những người không có quyền lực, không có các mối quan hệ, và không có tiền — thật khốn khổ.”
Một người dân họ Zhang ở thành phố Suqian, tỉnh Giang Tô, cho biết một trải nghiệm tương tự. Ông chia sẻ với The Epoch Times rằng chính phủ địa phương nói rằng cần phải khôi phục đất canh tác càng nhiều càng tốt. Kết quả là tất cả các ao cua, ao tôm, ao cá, đầm sen gần khu vực hồ Luoma đều bị lấp.
Một gia đình ở tỉnh Hắc Long Giang cũng bị đối xử tương tự. Sau khi người chủ gia đình, họ Chen, được hoàn lại một số tiền mang tính hình thức, các ao cá và tôm của ông đã bị thu giữ và lấp đầy để phục vụ mục đích canh tác.
Các nhà chức trách cảnh báo về khủng hoảng lương thực
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Đối Mặt” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vào năm 2019, ông Yuan Longping, một chuyên gia về gạo rất được coi trọng, đã cảnh báo công chúng về một cuộc khủng hoảng lương thực sắp xảy ra.
Ông nói, “Trung Quốc thiếu lương thực và phải nhập cảng. Đậu nành được nhập cảng khoảng 70 đến 80 triệu tấn mỗi năm. Giờ đây, Trung Quốc vẫn có tiền để mua lương thực. Nhưng nếu một ngày nào đó không có lương thực bán cho chúng ta, thì rồi sẽ sẽ có khó khăn, và người dân sẽ chết đói. Đây là một vấn đề lớn.”
Trong cuộc họp báo năm 2020 do Quốc vụ Viện của Trung Quốc tổ chức, ông Wang Guanghua, Thứ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên, cho biết việc sử dụng đất canh tác lâu dài để nuôi cá, làm lâm nghiệp, và trồng cây ăn quả, bao gồm cả việc trồng cây làm giống, cỏ, và các thảm thực vật trang trí khác, nên bị cấm.
Theo ông Wang, ĐCSTQ sử dụng 10 triệu vệ tinh để theo dõi các vùng đất nông nghiệp của Trung Quốc đang được chuyển đổi lại và canh tác nhanh chóng như thế nào. ĐCSTQ cũng có kế hoạch tiến hành các cuộc thanh tra không báo trước và đẩy mạnh nỗ lực điều tra và xử lý những người sử dụng đất bất hợp tác.
Bắc Kinh đối mặt với các vấn đề
Bất chấp những nỗ lực tích cực của ĐCSTQ nhằm khôi phục đất canh tác của Trung Quốc, vẫn có 3 trở ngại.
Thứ nhất, việc thu hút và giữ chân những người nông dân trồng ngũ cốc quy mô lớn không dễ dàng vì đây không phải là một công việc sinh lợi. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021 bởi Nhóm Kinh tế Nông thôn Trung Quốc của Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh cho thấy thu nhập ròng trung bình của nông dân trồng ngũ cốc quy mô lớn chỉ là 32 USD trên một mẫu Anh.
Thứ hai, một phần lớn diện tích đất canh tác của Trung Quốc không được canh tác. Dữ liệu vệ tinh do tờ Economic Daily của nhà nước công bố hồi tháng Hai cho thấy Trung Quốc chỉ sử dụng 70% diện tích đất canh tác để sản xuất lương thực.
Theo chính sách đất đai của ĐCSTQ, phần lớn diện tích đất canh tác chính của Trung Quốc đã được chuyển giao cho nông dân và được chuyển đổi mục đích sử dụng cho mục đích công nghiệp và canh tác “phi lương thực”. Chúng bao gồm rừng, vườn cây ăn trái, trà, và các loại thảo mộc, cùng những thứ khác. Kết quả là, những người lao động nhập cư và nông dân buộc phải rời khỏi những khu vực này để tìm việc ở các khu vực đô thị gần đó.
Một báo cáo do Cơ quan Khảo sát Đất đai Quốc gia Thứ ba của Trung Quốc công bố vào tháng Ba năm ngoái xác nhận rằng 18.5 triệu mẫu đất canh tác đã được chuyển đổi thành rừng và 10.4 triệu mẫu đất để làm cảnh quan từ năm 2009 đến năm 2019.
Thứ ba, những nỗ lực chuyển đổi đất ồ ạt này đã làm hư hại nhiều đất, khiến đất không thích hợp cho việc canh tác.
Trong cuộc họp báo diễn ra vào tháng Chín năm ngoái, các quan chức ĐCSTQ đã thừa nhận những hư hại về đất do những nỗ lực chuyển đổi đất trước đây gây ra.
Theo ông Wu Hongyao, một trong những quan chức hàng đầu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, một số diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã bị chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, chè, và thảo mộc Trung Quốc, và lớp [đất] canh tác của các diện tích này đã bị hư hại.
Ông Wu cho biết đất cần được bón phân và cải tạo trước khi có thể được sử dụng để sản xuất lương thực; một số diện tích đất trồng cây làm giống và cỏ đã bị hư hại nặng do chuyển dịch [mục đích sử dụng] và khai thác đất. Đặc biệt, cây dương và cây bạch đàn có bộ rễ ăn sâu sẽ tiêu thụ chất dinh dưỡng và phá hoại cấu trúc đất, khó trồng trọt cây lương thực trở lại.
Việc phi nông nghiệp hóa đất canh tác cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, và động lực chính đằng sau là nền kinh tế đất đai của các chính phủ địa phương của ĐCSTQ.
Theo cơ quan Khảo sát Đất đai Quốc gia Thứ ba, Trung Quốc có 87 triệu mẫu đất thành thị, nông thôn, và công nghiệp, trong đó 54 triệu mẫu, tương đương 62%, được sử dụng để xây dựng làng mạc.
Để đáp ứng thỏa thuận giữa Trung ương ĐCSTQ và các chính quyền địa phương nhằm cải tổ hệ thống chia sẻ thuế vào năm 1985, các chính quyền địa phương đã tích cực thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa và tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự thúc đẩy này đã dẫn đến việc thu giữ một lượng lớn đất canh tác kể từ những năm 1990. Khoảng 101 triệu mẫu đất đã được sử dụng để xây dựng vào năm 2019, tăng 21 triệu mẫu, tương đương 26.5% so với năm 2009.
Phù hợp với những kết quả khảo sát này, thống kê của chính quyền từ năm ngoái cho thấy từ năm 2009 đến năm 2019, diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã bị thu hẹp gần 18.6 triệu mẫu. Và tốc độ biến mất của đất canh tác ngày càng tăng nhanh. Mức giảm trung bình hàng năm của diện tích đất canh tác là hơn 1 triệu mẫu từ năm 1957 đến năm 1996. Tốc độ này đã tăng lên hơn 1.6 triệu mẫu từ năm 1996 đến năm 2008 và lên trên 1.8 triệu mẫu từ năm 2009 đến năm 2019.
Các nhà phân tích hiện cảnh báo rằng nếu diện tích đất canh tác của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp với tốc độ hiện tại, trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới mức tối thiểu 300 triệu mẫu cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực.
Hơn nữa, dữ liệu hải quan của Bắc Kinh xác nhận rằng nhập cảng thực phẩm của Trung Quốc đã tăng đều đặn từ 39 triệu tấn năm 2008 lên hơn 164 triệu tấn vào năm 2021.
Theo một nhà quan sát Trung Quốc, ông Zhuge Mingyang, ĐCSTQ chịu trách nhiệm về việc công nghiệp hóa đất canh tác của Trung Quốc và hiện phải chịu trách nhiệm khôi phục lại đất canh tác. Trong khi đó, những người sử dụng đất và lao động nhập cư của Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả của các chính sách sử dụng đất không nhất quán của ĐCSTQ.
Bà Anne Zhang là nhà văn của The Epoch Times tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2014.
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản the Epoch Times tiếng Nhật từ năm 2007.
Anne Zhang và Ellen Wan thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: