Bắc Kinh hứng chỉ trích từ quốc tế vì bỏ tù nhà báo công dân
Việc Bắc Kinh quyết định bỏ tù nhà báo công dân Trung Quốc Trương Triển vì báo cáo của cô về đại dịch virus Trung Cộng đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhóm nhân quyền quốc tế và các nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Cô Trương, một cựu luật sư 37 tuổi, bắt đầu đưa tin thực địa về Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch ở Trung Quốc hồi đầu 02/2020. Cô đột nhiên biến mất vào 05/2020. Một tháng sau, giới chức Trung Cộng thông báo rằng cô đã bị bắt. Hôm 28/12, cô Trương bị kết án 4 năm tù giam sau khi bị kết tội “gây gổ và kích động rắc rối,” một trong những tội danh phổ biến mà Trung Cộng sử dụng để bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Phiên tòa bí mật
Ông Ren Quanniu, một trong những luật sư bào chữa cho cô Trương, nói rằng phiên tòa xét xử thân chủ của ông không phải là phiên tòa mở, vì nó không được phát sóng trực tuyến. Trả lời phỏng vấn The Epoch Times tiếng Trung, ông Ren nói rằng những người duy nhất được tham dự phiên tòa là cha mẹ cô Trương và hai quan chức cấp cộng đồng do Trung Cộng chỉ định để giám sát họ.
Ông Ren nói rằng thân chủ của ông đã bị còng tay trên xe lăn trong suốt phiên tòa và cô đang trong tình trạng sức khỏe rất kém. Trước phiên tòa hôm thứ Hai (28/12), cô Trương đã tuyệt thực trong nhiều tháng để phản đối cáo trạng của mình. Các cai ngục đã bức thực cô-một phương thức đối xử mà Tổ chức Ân xá Quốc tế coi là tra tấn.
Cô ấy trở nên yếu đến mức cần một chiếc xe lăn để di chuyển.
Ông Ren nhớ lại rằng chủ tọa phiên tòa hôm thứ Hai (28/12) đã nhiều lần ngăn cản cô Trương phát biểu.
Ông Ren cho biết thêm, phiên tòa cũng được tiến hành một cách vội vàng và lưu ý rằng văn phòng công tố địa phương đã không xuất trình được đầy đủ bằng chứng và tài liệu trong quá trình xét xử. Ngoài ra, một số bản khai được ghi lại trước đó của cô Trương đã không được trình bày tại tòa.
Bản cáo trạng được công bố hồi tháng 11/2020 của cô Trương cáo buộc cô ấy “suy đoán ác ý” về đại dịch ở Vũ Hán bằng cách “nói chuyện với phương tiện truyền thông nước ngoài là Đài Á Châu Tự do và thời báo The Epoch Times.” Tài liệu tòa án nêu tên một số nhân chứng, những người mà theo các công tố viên, có thể làm chứng rằng cô Trương đã không tường thuật tình hình thực tế ở Vũ Hán.
Cô Trương đã nói chuyện với thời báo The Epoch Times tiếng Trung nhiều lần. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 03/2020, cô phản bác tuyên bố của chính quyền Trung Cộng rằng virus gây ra COVID-19 có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.
Trong một video đăng tải lên YouTube hồi đầu tháng 3/2020, cô Trương đã chỉ trích các biện pháp phong tỏa của Bắc Kinh, nói rằng các chính sách này là “vô nhân đạo” và vi phạm quyền sống cơ bản của công dân.
Theo ông Ren, mẹ của cô Trương đã khóc rất to sau khi nghe phán quyết của con gái mình vào thứ Hai (28/12).
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Đài Á Châu Tự do (RFA), mẹ của cô Trương giải thích rằng bà đã bị ép phải hợp tác với cơ quan an ninh địa phương. Bà đã không nói chuyện với phương tiện truyền thông nước ngoài nào vào mấy tháng trước.
Giờ đây, sau khi chứng kiến con gái mình phải chịu một bản án quá mức nặng nề, mẹ của cô Trương cho biết bà đã bị lừa khi đặt niềm tin vào các quan chức Trung Cộng.
“Họ không chỉ tuyên một bản án. Họ muốn giết Trương Triển. Họ biết rất rõ ràng về tình trạng sức khỏe của con gái chúng tôi,” mẹ của cô Trương nói với RFA.
Dựa trên mức độ nhanh chóng các thủ tục tố tụng của tòa án, ông Ren nói rằng ông tin rằng Bắc Kinh muốn biến việc xét xử cô Trương thành một án lệ.
“Nó có thể có tác dụng răn đe, trở thành mối đe dọa đối với công chúng-đặc biệt là đối với những người thích bình luận về các sự kiện xã hội quan trọng,” ông Ren nói.
Tòa án được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt vào hôm thứ Hai (28/12) khi cảnh sát mặc thường phục và sắc phục giải tán các nhà báo nước ngoài và người dân đến ủng hộ cô Trương.
Ông He Jiawei, một nhà hoạt động nhân quyền ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc, nói với thời báo The Epoch Times tiếng Trung rằng trước khi đến tòa án, ông đã bị cảnh sát bắt vào đồn gần đó vào sáng thứ Hai (28/12).
Trả lời phỏng vấn từ đồn cảnh sát, ông He cho biết ông nằm trong số hơn 10 người bị giam giữ ở đó, bao gồm một phóng viên Reuters đến từ Singapore và một nhà báo Nhật Bản.
Phản ứng từ quốc tế
Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã sử dụng tài khoản Twitter của họ để bày tỏ lo ngại về bản án của cô Trương.
“Luật sư Trương Triển bị bỏ tù vì cố gắng tiết lộ những gì chúng ta đều biết là sự thật. COVID-19 bắt đầu ở Vũ Hán, sự dối trá và lừa dối của Trung Cộng đã dẫn đến một đại dịch toàn cầu,” Dân biểu Ron Wright (Cộng Hòa-Texas) tuyên bố.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng cho biết trên Twitter rằng họ “quan ngại sâu sắc” về bản án dành cho cô Trương.
“Chúng tôi đã nêu trường hợp của cô ấy với các nhà chức trách trong suốt năm 2020 như một ví dụ về sự đàn áp quá mức đối với quyền tự do ngôn luận có liên quan đến COVID-19 và tiếp tục kêu gọi trả sự tự do cho cô ấy,” cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc tuyên bố.
Phái đoàn của Trung Cộng tại Liên Hợp Quốc đã ủng hộ bản án dành cho cô Trương trong một tweet, tuyên bố rằng “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.”
Bà Sophie Richardson, giám đốc về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, bác bỏ khẳng định của Trung Cộng và tweet rằng: “Nó hoàn toàn là vấn đề liên quan đến quyết tâm từ chính quyền của quý vị trong việc bịt miệng những người chỉ trích-và việc vi phạm luật nhân quyền của Trung Quốc và quốc tế.”
Tổ chức phi chính phủ Liên minh Phụ nữ trong Ngành báo (CFWIJ) có trụ sở tại New York cho biết trong một tuyên bố rằng họ “hoàn toàn thất vọng với quyết định của tòa án.”
“Đây là một biểu hiện đáng lo ngại khác về môi trường ngột ngạt đối với tự do báo chí ở Trung Quốc. Không một nhà báo nào đáng phải chịu sự ngược đãi tàn nhẫn, sự đàn áp hợp pháp từ chính quyền, đặc biệt là khi đưa tin cho công chúng về một dịch bệnh chết người đang lan rộng ra khắp đất nước,” liên minh tuyên bố.
Bà Barbara Trionfi, giám đốc điều hành của Viện Báo chí Quốc tế (IPI) có trụ sở tại Viên, thủ đô nước Áo, cho biết trong một tuyên bố rằng bản án dành cho cô Trương đã vi phạm “quyền của mọi người được nhận thông tin từ các nguồn khác nhau về một vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.”
Bà Trionfi nói thêm: “Khi thế giới đang vật lộn để đánh giá nguồn gốc, cách thức lây lan, và hậu quả của virus COVID-19, Trung Quốc lại đang trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ của mình bằng cách trừng phạt những nhà báo đã góp phần phổ biến thông tin có giá trị.”
Hiện vẫn chưa rõ tung tích của ba nhà báo công dân Trung Quốc khác đến Vũ Hán–luật sư Trần Thu Thực, cư dân Vũ Hán Phương Bân, và tình nguyện viên Lý Trạch Hoa–họ đã mất tích vào đầu năm nay (2020).
Frank Fang
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: