Bắc Kinh hợp tác với Iran để khai thác các tuyến dầu ở Trung Đông
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng Iran để siết chặt gọng kìm của mình đối với các tuyến đường dầu mỏ chính của Trung Đông, với mục tiêu giành vị trí thống trị trong cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra. Oman, nơi cửa ngõ của Eo biển Hormuz, đã trở thành mục tiêu để Iran mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Oman cũng là một giao lộ hậu cần đường biển và đường bộ quan trọng trong Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) của ĐCSTQ, và là một phần quan trọng trong chiến lược năng lượng của quốc gia này trong khu vực.
Vịnh Ba Tư và cửa ra của vịnh này, Eo biển Hormuz, là tuyến đường cho ít nhất một phần ba các chuyến hàng vận chuyển dầu của thế giới. Vùng duyên hải của Iran ôm trọn bờ biển phía bắc của Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz, trong khi đó Oman và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất lại chiếm lĩnh bờ biển phía nam của eo biển này. Một phần của Oman nằm ở đỉnh chóp của điểm án ngữ hẹp và quanh co này — nơi tất cả các con tàu phải giảm tốc độ để đi qua.
Theo truyền thông Iran, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có chuyến thăm chính thức tới Oman hôm 23/05. Đây là chuyến thăm sau khi phái đoàn 50 thành viên của Iran đã đến thăm Oman một tuần trước đó để mở đường cho việc mở rộng giao thương giữa hai quốc gia.
Hôm 21/05, hãng thông tấn Amwaj.media có trụ sở tại Vương quốc Anh lưu ý rằng chuyến thăm của ông Raisi diễn ra nối tiếp việc Iran mở rộng giao thiệp với Qatar, Saudi Arabia, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) trong vùng Vịnh Ba Tư. Trước đó, những người đứng đầu Saudi Arabia và UAE đã từ chối các cuộc điện đàm từ Tổng thống Joe Biden vốn đang hy vọng thuyết phục họ tăng sản lượng dầu và kìm hãm giá dầu đang cao ngất ngưởng.
Trong chuyến thăm Oman, ông Raisi dự định ký một số thỏa thuận hợp tác với Oman, bao gồm cả việc hoàn thiện một đường ống dẫn dầu tới Iran, cho phép Iran tăng đáng kể xuất cảng xăng dầu sang Oman. Mặc dù dự án này đã bắt đầu hồi năm 2013 nhưng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Tác giả kiêm ký giả tài chính Simon Watkins, cho rằng dự án đường ống dẫn dầu nói trên sẽ cho phép Iran gia tăng ảnh hưởng của họ đối với Oman và các quốc gia láng giềng như Pakistan và Afghanistan. Dự án sẽ liên kết các quốc gia này với lưới điện trong khu vực mà Iran kiểm soát thông qua các thỏa thuận xuất cảng xăng dầu được ĐCSTQ và Nga hỗ trợ.
Ông Watkins cho là thỏa thuận mà ĐCSTQ đạt được với Iran hồi năm 2019 đã giúp củng cố quyền kiểm soát của quốc gia này đối với Eo biển Hormuz. Thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD này cho phép ĐCSTQ giao dịch để lấy nguồn cung cấp dầu của Iran, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ chống lại quốc này.
Thỏa thuận này cũng cho phép đầu tư của ĐCSTQ được sử dụng để phát triển các ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt, và hóa dầu của Iran; đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cảng bốc dỡ hàng hóa tại hai hải cảng là Chabahar và Jask, vốn cho phép Iran xuất cảng năng lượng mà không cần đi qua Eo biển Hormuz. Thỏa thuận này cũng giúp Iran thiết lập một mạng lưới hàng ngàn camera giám sát trên toàn quốc để củng cố quyền lực của họ.
Kể từ khi Tổng thống Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hồi năm 2018, ĐCSTQ đã không ngừng nhập khẩu dầu thô từ Iran. Theo báo cáo hồi tháng Tư của Vortexa Analytics, các chuyên gia theo dõi tàu chở dầu, Iran đã xuất cảng trực tiếp hơn 300 kbd (ngàn thùng/ngày) dầu thô/cô đặc sang Trung Quốc trong thời gian bị trừng phạt. Khoảng 200 kbd trong số đó đến từ Malaysia, Oman, hoặc Iraq.
Trung Quốc là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran, nhập cảng tổng cộng 440 kbd từ Iran kể từ tháng 06/2015, trong đó đã nhận được 30% khối lượng trong thời gian Iran chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hôm 18/05, Reuters đã đưa ra một báo cáo trích dẫn dữ liệu của Vortexa Analytics cho thấy rằng Trung Quốc đã nhận được gần 2 triệu thùng dầu từ Iran trong tuần đó, với lượng nhập cảng lớn tương tự đã nhận được trước đó hồi tháng Mười Hai (năm 2021) và tháng Một (năm 2022).
Hôm 23/04, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã đến thăm năm “quốc gia hữu hảo” ở Nam Á, Trung Á, và Trung Đông, trong đó có Iran và Oman. Ông Ngụy nhấn mạnh tầm quan trọng của hai quốc gia Arab này đối với chiến lược toàn cầu của ĐCSTQ.
ĐCSTQ tận dụng sự suy thoái tài chính của Oman
ĐCSTQ đã không ngừng tìm kiếm các cơ hội trong khu vực Trung Đông, không chỉ riêng ở Iran. Hồi năm 2018, khi tài chính của chính phủ Oman suy yếu trong vài năm, ĐCSTQ đã bắt đầu một mối liên kết đối tác với quốc gia này và ký Bản ghi nhớ cho Sáng kiến Một vành đai Một con đường (trang 38) (pdf). Hồi tháng 06/2020, dịch vụ đánh giá tín nhiệm Moody’s tiếp tục hạ cấp xếp hạng tín nhiệm chủ quyền của Oman xuống mức Ba3 trong cấp độ đầu cơ.
Khoảng 82.3% hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc từ Oman chủ yếu là dầu thô (trang 46). Các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, điện năng, năng lượng, cơ sở hạ tầng, thông tin và truyền thông của Oman, tương tự như các khoản đầu tư của họ vào Iran. Trong số các doanh nghiệp đầu tư vào Oman có đại công ty viễn thông Huawei và các tập đoàn dầu khí bao gồm Công ty Quốc tế Dầu khí Trung Quốc (PetroChina International Co.), Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc (China National Grid), và Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum).
Dự án lớn nhất của Trung Quốc ở Oman là khu công nghiệp Đặc khu Kinh tế Cảng Duqm khởi công hồi 05/2016 với tổng vốn đầu tư là 10.6 tỷ USD. Các khoản tiền này được sử dụng để nấu chảy dầu thô, sản xuất hóa chất khí tự nhiên, và sử dụng cho các dự án quang điện mặt trời và hậu cần (trang 50).
Cảng Dupm của Oman là một bến cảng chính cho các tàu container, tàu chở hàng tổng hợp, và tàu chở hàng rời. Đây cũng là một ngã tư quan trọng để dầu mỏ Trung Đông tiến vào Âu Châu thông qua Hồng Hải và Kênh đào Suez.
Phía nam Bán đảo Arab là “tuyến đường biển chính của thế giới” trải dài từ Vịnh Aden đến Hồng Hải và sau đó đến Âu Châu qua Kênh đào Suez. Ở lối vào của bán đảo, bên cạnh Eo biển Bab al-Mandab, là Djibouti, nơi ĐCSTQ đã sử dụng sáng kiến Vành đai và Con đường của họ để thiết lập căn cứ quân sự hồi tháng 07/2017. Hoa Kỳ, Pháp, Ý, và Nhật Bản cũng đặt căn cứ quân sự tại Oman.
Yemen, ở phía đối diện của eo biển Bab al-Mandab, đã trở thành một chiến địa của tranh đấu địa chính trị. Người Houthi do Iran hậu thuẫn vẫn đang cố gắng đối đầu với các cường quốc Arab như Saudi Arabia và UAE để giành quyền kiểm soát phần eo biển nằm ở cực nam của Yemen.
Bà Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về tin tức tại Trung Quốc.