Bắc Kinh ép các nước trục xuất công dân Đài Loan về Trung Quốc
ĐÀI BẮC, Đài Loan — Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid đã nêu trong báo cáo mới nhất của mình rằng Trung Quốc đang gây áp lực buộc các nước trục xuất công dân Đài Loan về Trung Quốc đại lục.
Hôm 30/11, trong một báo cáo có nhan đề “Cuộc Săn Lùng Người Đài Loan ở Hải Ngoại của Trung Quốc”, tổ chức nhân quyền này đã viết rằng khi hành động như vậy, chế độ cộng sản này chính là đang phá hoại chủ quyền của hòn đảo tự trị. Những công dân người Đài Loan đang bị chính quyền này nhắm mục tiêu để trục xuất hoặc dẫn độ về Trung Quốc đại lục là những người bị tình nghi phạm tội bên ngoài Đài Loan.
Theo báo cáo này, các nghi phạm Đài Loan hầu như không phải là nhóm người duy nhất vi phạm các chuẩn tắc quốc tế mà chính quyền Trung Quốc truy lùng “không chút do dự”. Các nhóm khác bao gồm những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ, những người bảo vệ nhân quyền, và những người Hồng Kông đang đào thoát [khỏi quê nhà].
Tuy nhiên, báo cáo này lưu ý rằng hoàn cảnh của các công dân Đài Loan ít được chú ý hơn nhiều, vì một thực tế là có hơn 600 công dân Đài Loan ở khắp nơi trên thế giới đã bị dẫn độ về Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2019.
Theo báo cáo này, trong khoảng thời gian bốn năm đó, Tây Ban Nha đã trục xuất tổng cộng 219 công dân Đài Loan về Trung Quốc, con số cao nhất trong số 8 quốc gia. 117 công dân như vậy cũng đã bị Campuchia trục xuất, 79 người ở Philippines, 78 người ở Armenia, 53 người ở Malaysia, 45 người ở Kenya, 18 người ở Indonesia, và 1 người ở Việt Nam.
“Vấn đề căn bản ở đây là hành vi tước đoạt các quyền căn bản của con người ở Trung Quốc, cụ thể là quyền được xét xử công bằng và không bị tra tấn, đều bị phủ nhận một cách có hệ thống,” ông Michael Caster, cố vấn cao cấp của Safeguard Defenders, người đã chỉnh lý bản báo cáo này, nói với The Epoch Times trong một email. “Theo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, nguyên tắc không gửi trả quy định rằng không cá nhân nào bị gửi trả lại một quốc gia mà họ có nguy cơ bị ngược đãi và bị tước đoạt các quyền căn bản.”
Hệ thống tòa án của Trung Quốc nổi tiếng là một công cụ được Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) sử dụng để bịt miệng những người chỉ trích và trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Các tù nhân và những người bị giam giữ đã báo cáo về các vụ đánh đập, tấn công tình dục, tra tấn, hạn chế hoặc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, và các hình thức đối xử tệ bạc khác bên trong các nhà tù và trung tâm giam giữ ở Trung Quốc.
“Về cách đối xử với các công dân Đài Loan sau khi bị ép buộc chuyển đến Trung Quốc, chúng tôi đã chứng kiến nhiều báo cáo trái chiều,” ông Caster nói. “Đáng quan tâm là đã có những trường hợp bị ép thú tội. Trong các trường hợp khác, công dân Đài Loan đã bị từ chối không cho thăm hỏi hoặc liên lạc với các thành viên gia đình của họ ở Đài Loan.”
Ông Caster cho biết trong năm vừa qua tổ chức Safeguard Defenders đã không thấy [có báo cáo về] những trường hợp công dân Đài Loan được đưa đến Trung Quốc và cảnh báo rằng rủi ro vẫn hiện hữu đối với những người đến từ hòn đảo tự trị này.
“Không nghi ngờ gì nữa, đây không phải là một dấu hiệu cho thấy xu hướng này đang thoái trào mà thay vào đó đây chỉ là vì COVID,” ông nói.
Sự ủng hộ quốc tế
Safeguard Defenders đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra một lập trường phản đối thông lệ hiện tại của Trung Quốc đối với người dân Đài Loan.
“Hoa Kỳ và các chính phủ khác nên khẳng định quan điểm rằng họ sẽ không đồng ý trục xuất hoặc dẫn độ công dân Đài Loan từ quốc gia của họ về Trung Quốc,” ông Caster nói. “Xét đến mức độ nghiêm trọng của các mối lo ngại về nhân quyền ở Trung Quốc, không chỉ công dân Đài Loan, tất cả các quốc gia nên lập tức tuyên bố tạm ngừng tất cả các vụ dẫn độ và trục xuất về Trung Quốc.”
Báo cáo khẳng định rằng vấn đề chủ quyền của Đài Loan thậm chí không phát sinh nếu các chính phủ chọn đứng về phía hòn đảo này.
Báo cáo viết: “Sự phủ định này thậm chí không cần phải đi sâu vào các câu chuyện về ‘Một Trung Quốc’ gây tranh cãi về mặt chính trị, mà chỉ nên dựa trên các chuẩn tắc quốc tế và nghĩa vụ của các quốc gia.”
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, sẽ được thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Do đó, chế độ cộng sản này cho rằng chính phủ Đài Loan không có quyền thực hiện hoạt động giao thiệp cấp chính phủ với các quốc gia khác hoặc tham gia vào các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (gọi tắt là Interpol).
Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, ôm giữ “chính sách một Trung Quốc”, vốn tuyên bố rằng chỉ có một quốc gia có chủ quyền với tên gọi “Trung Quốc”, mặc dù điều đó khác với “nguyên tắc một Trung Quốc”, theo đó chính quyền Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã áp dụng chính sách “một Trung Quốc” phù hợp với quan điểm của Trung Cộng. Năm 2016, khi Kenya trục xuất 45 công dân Đài Loan về Trung Quốc, chính phủ Kenya tuyên bố rằng họ coi Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”. Quyết định của Kenya đã nhận được sự biểu dương của chế độ cộng sản này, khen ngợi quốc gia Phi Châu này vì đã ủng hộ “nguyên tắc một Trung Quốc”.
Chính phủ Đài Loan đã cố gắng can thiệp trước khi công dân của họ được gửi trả về Trung Quốc. Theo báo cáo này, hồi năm 2017, trước khi Campuchia dẫn độ bảy nghi phạm người Đài Loan về Trung Quốc, Bộ Tư pháp Đài Loan đã cố gắng thương lượng với Bộ Công an Trung Quốc và các quan chức Campuchia, nhưng đều vô hiệu.
Báo cáo này hoan nghênh quyết định của Tối cao Pháp viện Cộng hòa Séc vào tháng 04/2020 khi từ chối yêu cầu dẫn độ của Trung Quốc đối với tám công dân Đài Loan.
Một lý do được tòa án này viện dẫn để từ chối yêu cầu của Trung Quốc là họ nhận thấy những bảo đảm ngoại giao của Trung Quốc rằng công dân Đài Loan sẽ không bị đối xử vô nhân đạo là “không đủ” và “không đáng tin cậy”.
Một lý do khác được đưa ra là tòa án cho biết họ không đủ tin tưởng rằng nhân viên lãnh sự Séc tại Trung Quốc sẽ tiếp cận những công dân Đài Loan này vì “quyền tiếp cận không được bảo đảm theo luật pháp Trung Quốc.”
“Phán quyết của Tối cao Pháp viện Cộng hòa Séc nên được coi là tiền lệ toàn cầu và định hướng các quyết định dẫn độ công dân Đài Loan về sau,” báo cáo viết.
Trong tương lai, báo cáo này yêu cầu Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận với Đài Loan về hợp tác trong thi hành pháp luật và tư pháp. Báo cáo nêu rõ cộng đồng quốc tế cũng “cần tăng cường” trong việc hoan nghênh Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Interpol.
“Theo gần như tất cả các chỉ số, Đài Loan mạnh về các quyền dân sự và quyền chính trị, quyền tự do Internet cũng như các chỉ số nhân quyền và pháp quyền quan trọng khác,” ông Caster nói. “Đài Loan nên được tất cả các chính phủ dân chủ chấp nhận như một đối trọng quan trọng trước sự phổ biến mang tính áp chế của mô hình Trung Quốc, trong khu vực và trên toàn thế giới.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: