Bắc Kinh dùng ảnh hưởng truyền thông trên toàn cầu để thao túng tin tức về đại dịch
Theo một báo cáo gần đây, Bắc Kinh đã tập trung vào bối cảnh truyền thông của từng quốc gia để đẩy mạnh tin tức của mình về đại dịch.
“Khi đại dịch bắt đầu lan rộng, Bắc Kinh đã sử dụng các cơ sở truyền thông của mình trên toàn cầu để gieo rắc những tin tức tích cực về Trung Quốc trên các kênh truyền thông quốc gia, cũng như huy động nhiều chiến thuật mới lạ hơn như việc tung thông tin sai lệch,” Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) có trụ sở tại Brussels tuyên bố trong báo cáo nghiên cứu mới nhất của mình.
Báo cáo này dựa trên một cuộc khảo sát của 54 nghiệp đoàn nhà báo đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2021. Các quốc gia này thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ và Trung Đông.
Trên toàn cầu, có đến 56% số người cho biết tin tức trên các kênh truyền thông nước họ về Trung Quốc trở nên tích cực hơn sau khi bùng phát đại dịch COVID-19, bệnh dịch do virus Trung Cộng gây ra. Trong khi đó, 20% số người cho biết không có thay đổi gì, và 24% còn lại cho biết các tin tức chuyển sang hướng tiêu cực hơn.
Báo cáo này cũng cho thấy rằng khi các quốc gia nhận được trợ cấp y tế COVID-19 từ Trung Quốc, cụ thể là vaccine do Trung Quốc sản xuất, thì tin tức trên kênh truyền thông của các quốc gia đó có cái nhìn thiện cảm hơn về nước này.
Báo cáo này nêu rõ: “Các quốc gia mà có phần lớn tin tức trên các kênh truyền thông nói rằng ‘Hành động nhanh chóng của Trung Quốc trong việc chống dịch Covid-19 cũng như [chính sách] ngoại giao y tế của nước này đã giúp ích cho các quốc gia khác,’ thì hơn hai phần ba trong số đó là các nước nhận vaccine Covid của Trung Quốc.”
Những phản ứng tồi tệ của Bắc Kinh đối với đại dịch đã thu hút sự chỉ trích của quốc tế, kể cả cách mà chế độ này đã bịt miệng các bác sĩ tố giác và ngay từ đầu đã không tiết lộ rằng virus này có thể truyền từ người sang người. Trong nỗ lực xoay chuyển phản ứng gay gắt từ quốc tế, Trung Cộng đã tìm cách quảng bá hình ảnh của mình thông qua việc tận dụng các nguồn cung y tế như khẩu trang và vaccine cho các hoạt động ngoại giao.
Tại một buổi họp báo thường nhật hôm 17/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng Bắc Kinh đã cung cấp “hỗ trợ vaccine cho hơn 80 quốc gia” và “xuất cảng vaccine sang hơn 50 quốc gia khác.”
“Về phía Trung Quốc, những gói cứu trợ này đã đáp ứng nhu cầu rất thiết thực về hỗ trợ y tế đồng thời đem lại một lợi thế trong tuyên truyền, trong đó thể hiện vị thế của Bắc Kinh như một đối tác hào phóng đối với các quốc gia cần được hỗ trợ,” báo cáo trên nêu rõ.
Theo báo cáo này, tin tức truyền thông tương tự nói rằng “hành động chống dịch Covid 19 nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp ích cho các quốc gia khác” chỉ xuất hiện ở 25% trong số các quốc gia không nhận vaccine của Trung Quốc. Ở 60% trong số các quốc gia không nhận hỗ trợ vaccine này, thì tin tức trên các kênh truyền thông phần lớn đều nói rằng sự che đậy ban đầu của Trung Cộng là nguyên nhân gây ra đại dịch toàn cầu.
Báo cáo cũng cho biết: “57% trong số các quốc gia nhận vaccine của Trung Quốc cho biết họ đã nhìn thấy nỗ lực của những tác nhân người Trung Quốc nhằm định hình các tin tức trên truyền thông liên quan đến chính trị ở nước họ, so với 34% trong số các nước không nhận vaccine.”
Điển hình như một trường hợp xảy ra tại Ý. Theo báo cáo trên, một phóng viên người Ý ẩn danh nói rằng các quan chức Trung Cộng địa phương đã yêu cầu họ “dành thêm chỗ cho bài diễn văn năm mới” của nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Bài diễn văn của ông Tập đã được dịch sang tiếng Ý khi các quan chức này đưa cho họ.
Vào ngày 31/12/2020, ông Tập đã có bài diễn văn năm mới đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch toàn cầu. Theo các hãng thông tấn nhà nước Trung Cộng, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc “đã khắc phục được hậu quả của đại dịch” và “đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc phối hợp ngăn chặn và kiểm soát [dịch].”
Cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chiến đấu với đại dịch. Tính đến ngày 17/05, giới chức trách Trung Cộng đã gia tăng cảnh báo tại 17 khu vực của hai tỉnh, xác định rằng những khu vực này có “nguy cơ trung bình” trong việc lây nhiễm virus, sau một làn sóng các ca nhiễm mới.
Theo như báo cáo trên, “Các phóng viên thừa nhận rằng ngày càng có nhiều nội dung của Trung Quốc đang xâm nhập vào hệ sinh thái tin tức của họ, cụ thể là mỗi ngày sẽ có một bài báo được đăng trên báo chí của Serbia và 50 bài báo của Tân Hoa Xã [kênh truyền thông nhà nước của Trung Cộng] được đăng trên trang tin tức của hãng thông tấn Ansa ở Ý.”
Tại Tunisia, Đại sứ quán Trung Quốc đã cung cấp nước rửa tay diệt khuẩn và khẩu trang cho một nghiệp đoàn nhà báo giấu tên, báo cáo cho biết. Ngoài ra, đại sứ quán này cũng cố gắng cung cấp trợ cấp tài chính cho một số hãng thông tấn tư nhân.
“Ở một số quốc gia, Trung Quốc cũng được coi là quốc gia cung cấp thông tin chính xác nhất về loại virus corona mới này, điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của chính quyền này đối với việc đưa tin trên toàn cầu,” báo cáo nêu rõ.
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị, một trong số đó là để Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) thiết lập các hội thảo khu vực nhằm nâng cao nhận thức về cánh tay truyền thông trên toàn cầu của Trung Cộng.
Do Frank Fang thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: