Bắc Kinh đình chỉ ‘vô thời hạn’ đối thoại kinh tế cao cấp với Úc
Chính quyền Trung Cộng đã đình chỉ “vô thời hạn” mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc-Úc, sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường hồi tháng trước (04/2021).
Trong khi động thái này đã được công khai trên một số kênh truyền thông nhà nước Trung Cộng, một chuyên gia đã gọi hành động này chỉ mang tính “biểu tượng.”
Hôm thứ Năm (06/05), Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (Trung Quốc)-NDRC đã đưa ra tuyên bố khẳng định rằng, “Gần đây, một số quan chức chính phủ Thịnh vượng chung Úc đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm phá vỡ sự trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Úc bởi vì tư tưởng Chiến tranh Lạnh và phân biệt ý thức hệ.”
“Dựa trên thái độ hiện tại của chính phủ Thịnh vượng chung Úc đối với hợp tác song phương Trung Quốc-Úc, NDRC của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã quyết định đình chỉ vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc-Úc.”
Đối thoại hợp tác này được Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr và Bộ trưởng Thương mại Craig Emerson thiết lập vào năm 2013 dưới thời chính phủ của cựu thủ tướng Gillard.
Cuộc họp thứ ba và cũng là cuộc họp cuối cùng được tổ chức trong khuôn khổ Đối thoại này là vào năm 2017, khi Thủ tướng Scott Morrison-lúc đó là Bộ trưởng Tài chính, đã gặp gỡ các nhà đầu tư Trung Quốc và ông Hà Lập Phong-Chủ tịch của NDRC.
Bất chấp việc đình chỉ này, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục mua một lượng lớn quặng sắt của Úc, vốn đã chứng kiến giá tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
Hơn nữa, đối thoại giữa các bộ trưởng Úc và những người đồng cấp Trung Quốc hầu như đã không hề diễn ra trong suốt một năm qua, khi mà chiến tranh thương mại do Bắc Kinh phát động chống lại Úc lên đến đỉnh điểm.
Trong khi đó, NDRC cũng là tác nhân chính trong việc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong năm 2018 và 2019, cơ quan nhà nước này đã ký kết hai thỏa thuận BRI với ông Daniel Andrews, Thủ hiến của bang Victoria.
Những thỏa thuận này đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Payne hủy bỏ vào tháng trước, bà tuyên bố rằng chúng không phù hợp với các mục tiêu “chính sách đối ngoại” của Úc. BRI đã bị cáo buộc là một “con ngựa thành Troy” và khiến các nước đang phát triển sa vào bẫy nợ nặng nề do các hoạt động cho vay đầy cạm bẫy.
Đáp trả trước hành động hủy bỏ này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cho biết động thái này là “vô lý và mang tính khiêu khích.”
Đồng thời, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã kêu gọi Úc “thu hồi” quyết định này, nếu không Bắc Kinh sẽ “kiên quyết thực hiện các hành động mạnh mẽ.”
Việc đình chỉ Đối thoại kinh tế cho thấy một phản ứng thiết thực đầu tiên hết sức quan trọng trước việc các thỏa thuận BRI bị hủy bỏ.
Ông Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “hết đạn dược.”
Ông viết trên Twitter rằng: “Vì những phản ứng ‘phát hỏa’ trong lĩnh vực thương mại vào năm 2020, giờ đây họ không còn biện pháp mạnh mẽ nào để trừng phạt Úc nữa, và phải tranh cãi lẻ tẻ để thể hiện các hành động mang tính biểu tượng thuần túy mà chẳng có tác động thực chất nào.”
Ông cho biết thêm: “Trung Cộng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với gần như tất cả các mặt hàng xuất cảng của Úc trong khả năng của họ, hoạt động đầu tư đã sụp đổ và các cuộc thảo luận liên chính phủ không còn tồn tại. Trung Cộng hiện chẳng còn đối trọng đáng kể đối với Úc nữa và phải viện đến các hành động mang tính biểu tượng mà hầu như là vô nghĩa.”
Trong suốt năm 2020, Bắc Kinh đã đặt ra hàng loạt thuế quan và đình chỉ đối với các mặt hàng xuất cảng chính của Úc, trong đó có than đá, thịt bò, rượu vang, lúa mạch, tôm hùm, gỗ, thịt cừu và bông.
Chiến dịch cưỡng ép về mặt kinh tế này bắt đầu sau khi Úc dẫn đầu vụ cáo buộc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.
Do Daniel Y.Teng thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: