Bắc Kinh đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ lò mổ thứ sáu của Úc
Bắc Kinh đã mở rộng lệnh ngừng nhập khẩu thịt bò Úc sang nhà cung cấp thứ sáu, theo một thông báo đưa ra hôm thứ Hai (7/12). Tổng cục Hải quan Trung Quốc không đưa ra lý do về quyết định chặn nhập khẩu từ nhà cung cấp đến từ Queensland này.
Kể từ thứ Hai, các đơn đăng ký và đăng kiểm các lô hàng thịt bò từ [công ty] Meramist đã bị tạm dừng. Trước đó, việc nhập khẩu từ cơ sở giết mổ John Dee Warwick (nhà cung cấp thứ năm) đã bị đình chỉ vào tháng 8 và thông báo chặn nhập khẩu thịt bò từ bốn nhà cung cấp khác đã được công bố vào tháng 5.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham lưu ý rằng việc đình chỉ dường như nhằm vào “các vấn đề kỹ thuật cao.”
The Epoch Times đã liên hệ với Meramist để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi trong thời gian xuất bản [bài báo này].
Lệnh đình chỉ mới nhất được đưa ra sau tuần các sự cố ngoại giao do Bắc Kinh khởi xướng được công bố rộng rãi, bao gồm các mức thuế quan trọng từ 100% – 200% được áp dụng đối với rượu nhập khẩu của Úc, và một bài đăng khiêu khích trên Twitter của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong đó đăng tải một bức hình giả mạo dàn cảnh một người lính Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) đang cầm dao kề cổ một đứa trẻ Afghanistan.
https://twitter.com/zlj517/status/1333214766806888448?s=20
Kể từ tháng 4, Trung Cộng đã ban hành một loạt lệnh cấm và đình chỉ đối với hàng hóa nhập khẩu của Úc sau khi Ngoại trưởng Marise Payne kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Cho đến nay, các biện pháp cấm vận được áp dụng đối với các mặt hàng nhập khẩu là thịt bò, lúa mạch, rượu vang, than đá, bông, tôm hùm và gỗ Úc.
Đầu tháng 12, một Liên minh toàn cầu đại diện cho 200 nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới – Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) – đã phát động một chiến dịch ủng hộ rượu vang Úc và phản đối việc Bắc Kinh gia tăng “bắt nạt” thông qua các lệnh cấm thương mại.
IPAC đã đăng một video trên Twitter hôm 1/12, trong đó các thành viên liên minh kêu gọi công dân các quốc gia tương ứng của họ tạm thời bỏ qua đồ uống của quốc gia mình trong tháng 12, và thay vào đó mua rượu vang Úc.
Trong đoạn video, Thượng nghị sĩ Úc Kimberley Kitching đã mô tả một vụ việc xảy ra vào tháng 11 khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra trình bày với báo giới một bộ hồ sơ gồm 14 khiếu nại, yêu cầu Chính phủ Úc nhượng bộ trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của mình.
“Đây không phải là một cuộc tấn công vào Úc, mà là một cuộc tấn công vào các quốc gia tự do ở khắp mọi nơi,” Kitching nói.