Bắc Kinh: Dịch bệnh nóng lên từng ngày, trường học ở quận Hải Điện, Bắc Kinh phải đóng cửa
Thế vận hội Mùa đông đang đến gần nhưng dịch bệnh ở Bắc Kinh lại đột ngột nóng lên. Vào ngày 13/11, Bắc Kinh đã ban hành quy định mới để hạn chế nghiêm ngặt người dân ra vào Bắc Kinh. Epoch Times đã phỏng vấn một số người dân về tình hình trong thành phố. Nhiều người đã bày tỏ không tin vào tác dụng của vaccine sản xuất trong nước. Họ cho rằng tác dụng phụ của vaccine nội địa không rõ ràng, muốn chích vaccine ngoại nhập nhưng không mua được.
Chiều 13/11 theo giờ địa phương, tại cuộc họp báo về dịch bệnh, chính quyền Bắc Kinh đã thông báo thực hiện các biện pháp quản lý mới về việc ra vào Bắc Kinh. Thông báo có hiệu lực từ 0 giờ ngày 17/11. Quy định mới yêu cầu: Người muốn ra vào Bắc Kinh phải có giấy chứng nhận âm tính với COVID trong vòng 48 giờ; Những người có tiền sử cư trú tại cửa khẩu gần biên giới trong 14 ngày trở lại đây nếu không có lý do đặc thù thì đều không được phép vào Bắc Kinh; kiểm soát chặt chẽ hội nghị cấp quốc gia ở Bắc Kinh v.v.
Siết chặt kiểm dịch ở quận Hải Điện, cho học sinh nghỉ học
Vào ngày 12/11, Ủy ban Y tế Trung Quốc thông báo, tính đến 24 giờ ngày 11/11, Bắc Kinh có 7 ca mắc, trong đó có 5 ca ở quận Hải Điện.
Về vấn đề này, ông Trần, sống ở quận Hải Điện, đã nói với Epoch Times rằng nơi ở của bệnh nhân COVID cách nhà ông không xa. Vào tối ngày 11/11, xã phường đã phát loa thông báo tất cả người dân phải test COVID.
“Test từng khu từng khu một, người dân đều xuống sảnh để test. Hôm nay chỗ chúng tôi đều đã test xong rồi”, ông nói.
Ông cũng cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh của quận Hải Điện hiện tại đã chặt chẽ hơn rất nhiều: “Ra vào đều phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, kiểm tra thông tin khai báo y tế online, test COVID, điền giấy tờ. Cửa ra vào tiểu khu cũng bị kiểm soát.”
“Hai cháu trai của tôi đang học online tại nhà, các trường đều đã nghỉ học. Hơn nửa cửa hàng trên phố đã đóng cửa, nhất là các cửa hàng tạp hoá, quán ăn nhỏ đều bị niêm phong rồi.”
Ông Trần thẳng thắn nói: “Tôi chưa chích vaccine, tôi không chích. Chích vaccine cũng có ích gì đâu, vẫn bị lây nhiễm như thường. Ngày nào tôi cũng ra ngoài mua đồ ăn, mua xong thì chạy nhanh về nhà, không được đi dạo xung quanh.”
Ông cho rằng chính sách Dữ liệu lớn (Big Data) để kiểm soát việc di chuyển của người dân hiện nay khiến công tác phòng chống dịch ngày càng trở nên phức tạp. Ông còn nói, nếu phải tự trả chi phí test COVID thì ông sẽ không đi, và sẽ không màng gì đến họ.
Tuyên truyền của Bắc Kinh khác xa với thực tế
Vào ngày 13/11, bà Lưu (bí danh), người Bắc Kinh, nói với phóng viên Epoch Time rằng tuyên truyền của Bắc Kinh khác xa so với tình hình thực tế.
Về việc gia đình 5 người ở Tây Tam Kỳ, quận Hải Điện mắc COVID, bà Lưu nói: “(Tây Tam Kỳ) rất gần Xương Bình, nằm phía bắc (Tây Tam Kỳ). Nếu như điều tra, thì phải đến khu cách ly, những nơi bệnh nhân ở Xương Bình từng đến, rồi kiểm soát những khu vực đó. Chính quyền chắc là đã kiểm soát hết những nơi đó rồi, cũng truy vết đến tận Tây Tam Kỳ rồi. Bệnh nhân đáng lẽ sẽ không đi lung tung nữa. Vậy tại sao COVID vẫn cứ lây lan?”
“Dù chặt chẽ đến đâu vẫn có sơ hở. Rốt cuộc thì tuyên truyền và thực tế vẫn có sai khác nhất định.”
Cô Lưu nói không tin vào tuyên truyền của nhà nước, cảm thấy vaccine sản xuất trong nước không hiệu quả và muốn chích vaccine nước ngoài. Tuy nhiên đến nay cô vẫn chưa mua được vaccine như mong muốn.
“Không biết nên tin tưởng ai đây. Hôm nay nói một đằng, nhưng nửa tháng sau lại nói một nẻo, chẳng khác nào tự vả vào mặt mình. Tôi thấy (Giám đốc Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải) bác sĩ Trương Văn Hồng nói rất có đạo lý. Nhưng ông ấy bị người ta công kích, nên cũng không dám lên tiếng nữa. Nên giờ tôi càng không dám tin tưởng ai.”
“Ai dám nói sự thật, nó (ĐCSTQ) sẽ tiêu diệt luôn người đó. Nó sẽ khiến dư luận tấn công người đó. Dần dần, rất nhiều người không dám nói sự thật nữa. Không ai dám nói thật, nên mọi người chỉ đành phải tự đoán già đoán non.”
Vaccine ngoại nhập đâu hết rồi?
Cô Lưu nói rằng, mọi người đều quan tâm chích vaccine có hiệu quả không.
Cô nói: “Như tôi đây, vẫn đang đợi (vaccine nhập cảng). Bạn bè của tôi cũng đều đang chờ vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech. Họ nói, vaccine ngoại nhập sẽ bắt đầu bán ra thị trường từ tháng 4, nói người dân được chích vaccine này. Đến tháng 6, lại nói là đã đạt tiêu chuẩn của Bộ y tế, báo cáo mỗi như vậy thôi, sau chẳng thấy thêm có thêm báo cáo nào nữa.”
“Nó (vaccine Comirnaty) có hiệu quả bảo vệ rất cao, hơn 95%. Còn vaccine Sinovac nội địa chỉ đạt 50-60%. Sao không cho chích vaccine Comirnaty? Kể ra đúng là kỳ lạ, chúng tôi đến bệnh viện khám bỏ tiền ra mua thuốc men. Tôi thấy tốt thì mua, không tốt thì không mua. Cũng như vaccine, có vaccine tốt hơn, thì chúng tôi tự bỏ tiền ra mua cũng được mà.”
“Chúng ta có thể lựa chọn chích bất cứ vaccine nào, đúng vậy không? Giờ lại bắt mọi người đi chích (vaccine Sinovac). Hơn nữa ai có thể bị lây nhiễm nhất? Giờ người mắc đều là thanh niên, người đi làm. Những thanh niên đi làm ấy hầu như đều đã chích vaccine, vì không chích vaccine thì không cho đi làm.”
“Anh chích ba mũi vaccine rồi thì sẽ không bị lây nhiễm sao? Nghe nói trong 21 người ở Đại Liên mắc COVID, thì có đến 18 người là đã chích 3 mũi vaccine.”
Người dân: Quan chức chỉ để mắt đến “mũ ô sa” trên đầu
Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc nói tại cuộc họp ngày 11/11, có một bệnh nhân mắc COVID người Cát Lâm và 111 người khác đã cùng tham gia cuộc họp. Hiện tại, toàn hệ thống tại Bắc Kinh của tập đoàn này đang trong tình trạng khẩn cấp, bao gồm Khu liên hợp dầu khí đường Học Viện gần địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, cũng đã bị đóng cửa.
Về sự việc trên, cô Lưu nói Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc là doanh nghiệp nhà nước và không chịu sự quản lý của chính quyền thành phố Bắc Kinh.
“Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Tổng công ty Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc đều là doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp kiểu này ở Trung Quốc đều phân chia cấp bậc rất chặt chẽ và không chịu sự quản lý của Bắc Kinh. Có rất nhiều thứ xảy ra ở Bắc Kinh, nhưng họ có thể không tin, không chấp hành cũng được. Thành phố yêu cầu không được tụ tập, không được tham gia tang lễ, không được ăn uống bên ngoài. Người dân đương nhiên phải vâng lời, nhưng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc lại không cần phải làm vậy.”
Phóng viên Epoch Times đã cố gắng liên lạc với Uỷ ban Khu sinh hoạt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau, nhưng các cuộc gọi đều hiển thị là nghiêm cấm tất cả các cuộc gọi từ nước ngoài và từ chối kết nối với lý do “các cuộc điện thoại bị hạn chế.”
Về việc ĐCSTQ sử dụng ứng dụng kho dữ liệu lớn để theo dõi di chuyển của người dân, cô Lưu cho rằng họ làm vậy là để bảo vệ “mũ ô sa” trên đầu.
“Theo dõi di chuyển? Theo dõi kiểu gì? Tôi thấy việc họ (quan chức ĐCSTQ) làm không phải để đẩy nhanh hiệu quả xử lý vấn đề.” Cô Lưu nói, giới chức trách ĐCSTQ làm vậy là để cố gắng tìm cớ bào chữa cho việc không đạt mục tiêu GDP.
“Người dân nào có nhìn được xa xôi như vậy. Nhưng chúng tôi nhìn thấy một điều, chính là khi anh làm như vậy, nó chẳng có ích gì. Đối với quan chức mà nói, họ sẽ không giải quyết chuyện của anh, mà chỉ lo giải quyết chuyện của bản thân họ. Thành tích chính trị là dựa trên GDP, nếu không đạt GDP thì làm sao đây? Không thể thăng chức thì làm thế nào đây? Nên họ chỉ có thể trong phạm vi quyền lực của mình, tạo ra một loạt các sự tình (như một cái cớ). Họ không phải là vì thực sự muốn tốt cho đất nước.”
Muốn chích vaccine nước ngoài nhưng không mua được
Vào ngày 13, anh Lí (bí danh), làm việc trong một ngân hàng ở Trung Quốc, nói với phóng viên Epoch Times rằng anh đã chích vaccine từ lâu rồi. “Vì ngân hàng bắt chích vaccine, không chích thì phải trình bày nguyên nhân. Muốn được chích vaccine nước ngoài thì phải đi cửa sau. Còn cụ thể làm thế nào thì tôi không rõ lắm.
Anh nhấn mạnh: “Nếu được thì đương nhiên sẽ chọn vaccine nước ngoài. Thứ nhất vì chúng có hiệu quả cao hơn. Thứ hai là chúng nói rõ ràng những tác dụng phụ sau khi chích vaccine hơn, còn vaccine trong nước thì mù tịt. Nhưng tiếc là tôi không có quyền lựa chọn, đành bất lực bị ép chích vaccine trong nước.”
Do Lâm Nghiên, Lạc Á, Triệu Phượng Hoa thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: