Bắc Kinh đáp trả bài diễn văn của ông Shinzo Abe về vấn đề Đài Loan
Hôm thứ Tư (01/12), Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cảnh báo Trung Quốc không nên “đánh giá sai” tình hình ở Biển Hoa Đông và “đi vào con đường sai lầm” trong một buổi nói chuyện trực tuyến với một tổ chức tư vấn của Đài Loan về chủ đề các mối quan hệ giữa Nhật Bản và quốc đảo này.
Bài diễn văn của ông đã khiến Bắc Kinh tức giận. Nhà cầm quyền này đã chuyển lời qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao rằng họ “rất không hài lòng và kiên quyết phản đối” các tuyên bố của ông Abe, đồng thời đưa ra các khiếu nại “cứng rắn” với Nhật Bản thông qua các kênh ngoại giao.
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng, “Đài Loan là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc, tuyệt đối không dung thứ cho bất kỳ sự tùy tiện can thiệp nào từ bên ngoài.”
Ông Quách Dục Nhân (Kuo Yu-jen), một giáo sư tại Đại học Quốc lập Tôn Trung Sơn của Đài Loan và là giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Quốc Sách, người đã tham dự diễn đàn này, nói với The Epoch Times rằng, “Ông Abe đã ba lần đề cập rằng ông hy vọng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ không đánh giá sai; thứ nhất là, quyết tâm bảo vệ Đài Loan của Hoa Kỳ và Nhật Bản, thứ hai là, sự quyết tâm của Nhật Bản đối với việc bảo vệ lãnh thổ của mình ở Biển Hoa Đông, và thứ ba là, việc kích hoạt chiến tranh nhắm vào Đài Loan có thể sẽ dẫn đến sự thất bại cho nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông Quách cho biết, “Từ bài diễn văn của ông Abe, tôi có thể cảm thấy rằng ông ấy có cùng quan điểm với Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản Fumio Kishida.”
Một giáo sư Đài Loan khác đã tham dự diễn đàn này, ông Thái Tích Huân (Tsai Hsi-hsun), giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị và Kinh tế Nhật Bản tại Đại học Đạm Giang, nói với The Epoch Times rằng, “[Tôi nghĩ] thông điệp chính mà [ông Abe đã đưa ra] là: Tình huống khẩn cấp của Đài Loan là một tình huống khẩn cấp của Nhật Bản, và vì thế đây là một tình huống khẩn cấp của liên minh Nhật Bản–Hoa Kỳ.”
Một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh tiếng nhất của Trung Quốc, người đã lắng nghe các nhận xét trên nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, với điều kiện ẩn danh, rằng anh đồng ý với lời bình luận của ông Abe về vấn đề Đài Loan, và cảm thấy rằng lời chỉ trích của ông Uông về bài diễn văn này thật là nực cười. Ở Trung Quốc đại lục, người dân sẽ bị tống giam vì chỉ ra những sai lầm của nhà cầm quyền.
Ông Uông cũng nói rằng, “[Ông Abe] đã công nhiên nói những lời chỉ trích hồ ngôn loạn ngữ về vấn đề Đài Loan và đưa ra những lời nhận xét tùy tiện và táo bạo về các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.” “… Bất cứ ai dám đi lại con đường quân phiệt cũ và thách thức giới hạn của nhân dân Trung Quốc tất sẽ phải ‘dập đầu chảy máu!’” ông Uông nói, khi trích dẫn một câu thành ngữ của Trung Quốc.
Người thanh niên Trung Quốc này nói rằng chính ông Uông là người “đã hồ ngôn loạn ngữ”.
Ông nói: “Những lời nói của ông Uông chỉ đơn giản là kích động tinh thần đoàn kết dân tộc, đó không phải là thái độ chuẩn mực để đối phó với những thách thức và không giải quyết được vấn đề này.”
Bài diễn văn của ông Abe
Hôm 01/12, ông Abe đã có bài diễn văn dài 20 phút tại Diễn đàn Tác động, do Viện Nghiên cứu Quốc Sách của Đài Loan tổ chức, và sau đó ông đã dành khoảng 30 phút để trả lời các câu hỏi từ những người tham dự.
Trung Quốc, nước láng giềng cạnh Nhật Bản và Đài Loan, được Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đầy tham vọng cai trị, là một trong những chủ đề chính mà ông Abe đàm luận — đặc biệt là lời hăm dọa xâm lược Đài Loan bằng vũ trang của Trung Cộng sẽ gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản.
“Quần đảo Senkaku (mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư Đài), Quần đảo Sakishima và Đảo Yonaguni chỉ cách Đài Loan khoảng 100km (62 dặm),” ông Abe nói. Một tình huống khẩn cấp ở Đài Loan là một tình huống khẩn cấp của Nhật Bản, và vì thế đây là một tình huống khẩn cấp của liên minh Nhật Bản–Hoa Kỳ.”
Ông Abe kêu gọi các nhà chức trách Bắc Kinh xem xét tình hình này một cách đúng đắn, bởi vì đối với Trung Quốc, ông nói rằng “việc tham gia các cuộc phiêu lưu quân sự chẳng khác nào đang đi trên con đường tự sát về kinh tế.”
“Trung Quốc quả thực rất lớn và có mối quan hệ mật thiết với nền kinh tế thế giới. Nếu các hành động mạo hiểm quân sự được thực hiện đối với Đài Loan, điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, và cái được chẳng bõ cho cái mất,” ông Abe nói.
Về mặt lịch sử, Đài Loan từng là một phần của Trung Quốc. Năm 1949, chế độ cai trị lúc bấy giờ của Trung Quốc chạy ra hòn đảo này vì Trung Cộng đã chiếm được đại lục. Trong những thập niên gần đây, Trung Cộng đã tuyên bố rằng hòn đảo này là của riêng mình, bất chấp việc Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, có quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ và hiến pháp riêng của mình.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: