Bắc Kinh đánh dấu lãnh thổ của mình: Ông Tập Cận Bình cảnh báo sự can thiệp ở Trung Á
Bắc Kinh đang thực hiện các bước để củng cố phạm vi ảnh hưởng của mình, gồm cả từ đồng minh thân cận là Nga, với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra thông điệp mạnh mẽ trong một chuyến thăm chính thức tới Kazakhstan.
Ông Tập cho biết các quan chức Trung Quốc rất muốn vun đắp mối bang giao với Kazakhstan và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào quốc gia Trung Á này.
Theo một thông báo từ văn phòng tổng thống Kazakhstan, ông Tập tuyên bố, “Dù tình hình quốc tế có biến đổi ra sao, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục ủng hộ Kazakhstan trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như kiên định ủng hộ những cải cách mà quý vị đang thực hiện nhằm bảo đảm ổn định và phát triển, đồng thời phản đối mạnh mẽ bất kỳ lực lượng nào can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước quý vị.”
Các chuyên gia tin rằng lời cảnh báo công khai từ nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là nhắm vào Nga, vốn từ lâu đã cạnh tranh giành quyền kiểm soát trong khu vực này.
Giáo sư Mark Katz, chuyên gia về chính sách ngoại giao của Nga tại Đại học George Mason, người đã nói chuyện với South China Morning Post trước chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Kazakhstan, cho biết, “Chuyến thăm của ông Tập tới Kazakhstan có thể được xem là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh coi Kazakhstan là bằng hữu— và Nga không được làm gì gây tổn hại đến bằng hữu của Bắc Kinh.”
Nga trợ giúp người Kazakhstan đối phó với ‘bọn cướp’
Cảnh báo của Bắc Kinh được đưa ra sau khi tình trạng bất ổn dân sự lan rộng làm rung chuyển Kazakhstan hồi tháng Một và tháng Hai, cũng như dẫn đến bạo loạn ở các thành phố lớn. Tình trạng bất ổn này đã dẫn đến 10,000 người bị bắt và hàng trăm người thiệt mạng hoặc bị thương sau khi chính phủ đàn áp.
Các nhà chức trách Kazakhstan đã tìm đến Nga để được trợ giúp trong khi cho rằng tình hình bất ổn này là do một thế lực ngoại quốc chưa được biết châm ngòi.
“Các chiến binh đã không hạ vũ khí; họ tiếp tục phạm tội hoặc chuẩn bị phạm tội,” Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nói trong một bài diễn văn trên truyền hình. “Ai không đầu hàng sẽ bị tiêu diệt. Tôi đã ra lệnh cho các cơ quan chấp pháp và quân đội bắn tử vong mà không cần báo trước.”
Các lực lượng chính phủ — do Nga hậu thuẫn — vẫn giao tranh với những “bọn cướp” được cho là trong nước hoặc đến từ ngoại quốc.
Ông Tokayev nói thêm: “Chúng tôi đã phải đối phó với những tên cướp có vũ trang và được huấn luyện, cả trong và ngoài nước. Đó là với những tên cướp và những kẻ khủng bố. Do đó, chúng cần phải bị tiêu diệt. Và điều này sẽ được sớm được thực hiện.” Ông cũng cho biết ông đã ra lệnh cắt thông tin liên lạc trên cả nước.
Theo các nhà chức trách, các lực lượng do Nga hậu thuẫn từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã không tham gia vào bất kỳ hoạt động an ninh nào của Kazakhstan.
Then chốt về mặt chiến lược đối với Nga và Trung Quốc
Nga và Trung Quốc xem Kazakhstan là đồng minh quan trọng vì có chung đường biên giới trên bộ, cũng là một điểm yếu chiến lược tiềm tàng. Ngoài ra, nước này giàu tài nguyên và có mối liên hệ kinh tế với Nga và Trung Quốc.
Ví dụ, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ US dollar vào Kazakhstan thông qua các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính.
Bà Eytan Goldstein, một chuyên gia về Đông Á, cho biết quốc gia Trung Á này là một liên kết quan trọng giữa Trung Quốc với Biển Caspi và các vùng xa hơn.
Bà viết trên tạp chí Harvard International Review, “Vì vậy, Trung Quốc háo hức đầu tư vào Kazakhstan và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.”
Trong khi đó, Nga tham gia sâu vào ngành năng lượng Kazakhstan với các đường ống dẫn dầu và khí đốt liên kết với Nga. Ngoài ra còn có các cam kết song phương quan trọng trong các lĩnh vực quốc phòng và phát triển cơ sở hạ tầng.
Hiện tại, 80% lượng dầu mà Kazakhstan xuất cảng được chuyển thông qua Tập đoàn Đường ống Caspi, công ty mà Nga nắm giữ 31% cổ phần.
Người Kazakhstan đang cân bằng mọi rủi ro
Cuộc co kéo vì quyền lực có nghĩa là một số nhà lãnh đạo Trung Á, kể cả ông Tokayev, đã duy trì các mối bang giao với Nga lẫn Trung Quốc để cân bằng mọi rủi ro.
Đó là trường hợp của Tổng thống Kazakhstan Tokayev, người mà mặc dù đã tìm đến Nga để chống đỡ cho quyền cai trị của mình hồi tháng Một nhưng vẫn giữ im lặng về cuộc xung đột quân sự Ukraine và cũng không thể hiện sự ủng hộ công khai với Nga.
Tờ The Moscow Times đưa tin, hồi tháng Sáu, tại Diễn đàn Quốc tế St. Petersburg, ông Tokayev đã từ chối công nhận cái mà ông gọi là “các tổ chức gần như nhà nước” ở vùng Donbas của Ukraine.
Kazakhstan cũng quyết định không giúp Nga lách các lệnh trừng phạt kinh tế toàn cầu do các nước phát triển đưa ra, đồng thời đã cấm các biểu tượng tuyên truyền quân sự của Nga tại nước này.
Đồng thời, trong vài tháng vừa qua chính phủ Kazakhstan đã hành động để hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times