Bắc Kinh đang trong một tình huống rất khó xử vì bốn đánh giá sai lầm chính về EU
Mối bang giao giữa Trung Quốc và Âu Châu đang dần trở nên xấu đi, và Liên minh Âu Châu (EU) hôm 20/05 đã thông qua một nghị quyết đóng băng việc phê chuẩn Hiệp định Toàn diện về Đầu tư EU–Trung Quốc (CAI), nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các chính trị gia EU. Điều có thể dự đoán trước được về chính quyền ông Tập sẽ có những điều chỉnh thích hợp cho chính sách của mình đối với Âu Châu trong tương lai. Ở giai đoạn hiện tại, Bắc Kinh đang không quyết tâm hoặc chưa sẵn sàng biến EU trở thành một đối thủ khác ngoài Hoa Kỳ.
Một loạt các hành động gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cho thấy ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Cộng, đã nhiều lần đánh giá sai về Âu Châu, đây là một trong những nguyên nhân khiến mối bang giao giữa Trung Quốc và Âu Châu đi đến ngày hôm nay.
Đánh giá sai lầm 1:
Bắc Kinh cho rằng EU sẽ im lặng trước những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Vào tối ngày 30/12/2020, về nguyên tắc, Trung Quốc và Âu Châu đã kết thúc các cuộc đàm phán cho hiệp định CAI, khiến cho các hãng thông tấn chính thức của Trung Cộng reo hò mừng rỡ.
Trong nhiều năm, Trung Cộng đã giao dịch với Âu Châu và Hoa Kỳ thông qua việc đem lại các lợi ích kinh tế để đổi lấy ít hơn hoặc không bị chỉ trích về các vấn đề nhân quyền của Trung Cộng. Chiến thuật này đã nhiều lần đạt hiệu quả trong chừng một thập kỷ qua.
Vào ngày 07/12/2020, EU đã thông qua một quyết định và một quy định thiết lập một “cơ chế trừng phạt nhân quyền toàn cầu.” EU thông báo trong một tuyên bố rằng: “Lần đầu tiên, EU sẽ tự trang bị cho mình một khuôn khổ cho phép EU nhắm mục tiêu đến các cá nhân, các tổ chức, và các cơ quan—bao gồm cả các tác nhân nhà nước và phi nhà nước—chịu trách nhiệm về, tham gia vào, hoặc liên đới đến những vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới, bất kể chúng xảy ra ở đâu.”
Trước đó, đối thoại nhân quyền của EU với Trung Quốc đã được tổ chức 37 lần một cách bí mật theo yêu cầu của Bắc Kinh. Hiện nay, Âu Châu nhìn chung đã nhận ra rằng cuộc đối thoại này chẳng có mấy tác động đến việc khiến Trung Cộng cải thiện hồ sơ nhân quyền của họ.
Do đó, khi EU thông qua cơ chế trừng phạt nhân quyền mới và kết thúc các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về một hiệp định kinh tế tương tự như giai đoạn đầu của hiệp định kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, thì ông Tập đã mắc sai lầm đầu tiên khi cho rằng đây chỉ là một đề nghị cao hơn từ phía EU về mặt thừa nhận các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc một lần nữa, EU sẽ không hoàn toàn hướng về phía Hoa Kỳ, và sẽ giữ im lặng về các vấn đề nhân quyền của Trung Cộng như họ đã làm trước đây.
Thực tế đã là như vậy-Hiệp định CAI quả thực dựa trên việc Bắc Kinh đơn phương mở cửa thị trường cho EU-cho đến cuối năm ngoái (2020).
Đánh giá sai lầm 2:
Bắc Kinh không nhận ra rằng định hướng của EU đối với Trung Cộng đã thay đổi.
Năm 2003, Trung Quốc và Âu Châu thiết lập liên kết đối tác chiến lược toàn diện và hai bên đã tiến hành giao thương và hợp tác kinh tế đáng kể. Năm 2013, sau khi ông Tập lên nắm quyền, hai bên thậm chí còn công bố “Nghị trình Hợp tác Chiến lược EU-Trung Quốc 2020.” Nhưng kể từ đó, xung đột lợi ích của Trung Cộng với EU đã gia tăng trong nhiều lĩnh vực chính trị và kinh tế. Năm 2019, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, định hướng của EU đối với Trung Cộng đã thay đổi nhanh chóng.
Hồi tháng 03/2019, EU công bố “EU-Trung Quốc–Một triển vọng chiến lược,” theo đó mô tả Trung Cộng là một “đối tác,” “đối thủ cạnh tranh kinh tế,” và “đối thủ mang tính hệ thống.” Sự định vị này tương tự như định vị hiện nay của chính phủ ông Biden đối với Trung Cộng—cụ thể là EU sẽ hợp tác với Trung Cộng về các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, cạnh tranh về mặt kinh tế với Trung Cộng, và sẽ chống trả khi Trung Cộng đe dọa đến an ninh của chính mình.
Chính quyền ông Tập rõ ràng đã đánh giá sai sự định vị mới này của mối bang giao Trung Quốc-EU. Sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Cộng hồi tháng Ba năm nay vì các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Bắc Kinh đã nổi giận vì xấu hổ. Điều này được phản ánh trong những bình luận của ông Vương Nghị (Wang Yi), bộ trưởng ngoại giao của Trung Cộng.
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chúng tôi,” ông Vương cho biết khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 25/05. Theo thông tấn Âu Châu, ông này cũng đặt câu hỏi “làm thế nào mà một đối tác chiến lược có thể thực hiện hành động như vậy.”
Ông Vương thừa nhận rằng “Bắc Kinh đã bị sốc khi Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng,” Reuters đưa tin.
Ông Vương cũng nói rằng các lệnh trừng phạt đó nhắc nhở Trung Cộng về “những ngày họ bị các đế quốc Âu Châu bắt nạt.”
Đánh giá sai lầm 3:
Bắc Kinh đánh giá thấp những hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với Âu Châu, vì nhiều nhà lập pháp Âu Châu bị trừng phạt đã chống trả.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự giận dữ của Bắc Kinh là thiếu sự có đi có lại trong các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc và Âu Châu. Trung Cộng đã trừng phạt 10 cá nhân và 4 tổ chức của EU, trong khi EU chỉ trừng phạt 4 cá nhân và 1 tổ chức ở Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt của Trung Cộng đối với Liên minh Âu Châu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chính quyền ông Tập đã đánh giá sai hoặc đánh giá thấp những hậu quả này.
Hậu quả tức thì nhất là Nghị viện EU đã đóng băng việc phê chuẩn Hiệp định CAI hôm 20/05. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt của Trung Cộng đã gây ra nhiều hậu quả khác nhau.
Chẳng hạn như, ông Samuel Cogolati, một thành viên của Quốc hội Bỉ và là một trong số các quan chức Âu Châu bị Trung Cộng trừng phạt, được tin là đã tuyên bố rằng Alibaba (hãng khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc) là “một ổ gián điệp” cho Trung Cộng.
Loại phản ứng trước các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh này đã làm cho chính quyền Trung Cộng ngạc nhiên. Ngoài ra, bởi vì Trung Cộng đã áp lệnh trừng phạt lên các quan chức Âu Châu, nên các thách thức đối với vấn đề về lạm dụng nhân quyền vốn chỉ giới hạn ở Tân Cương, nay dần dần bắt đầu lan sang các khu vực khác.
Các hành động của Lithuania đã gây ra ảnh hưởng lớn nhất đến đường lối ngoại giao của Trung Cộng. Hôm 20/05, Quốc hội Lithuania tuyên bố Trung Cộng đang thực hiện “tội ác diệt chủng” ở Tân Cương. Một nghị quyết được bảo trợ bởi ông Dovile Sakaliene, một thành viên của Quốc hội bị Trung Cộng đưa vào danh sách đen, đã được “ba phần năm số thành viên quốc hội Lithuania ủng hộ,” theo Reuters. Nghị quyết không ràng buộc này kêu gọi “một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về các trại tập trung và yêu cầu Ủy ban Âu Châu xem xét lại quan hệ với Bắc Kinh.”
Hôm 22/05, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis đã bày tỏ trong một tuyên bố về việc Lithuania quyết định rút khỏi sáng kiến “17+1” của Bắc Kinh, một hành động khiến Trung Cộng bị lúng túng.
Diễn đàn “17+1,” nay trở thành “16+1,” được Trung Công khởi động vào năm 2012, ban đầu để nhằm tăng cường sự hợp tác của Bắc Kinh với 11 quốc gia thành viên EU và năm quốc gia Balkan. Năm 2019, Hy Lạp đã tham gia sáng kiến này, sau đó nó được đổi tên thành “17+1.”
Trong tương lai, vì giữ thể diện (tránh bị làm cho mất mặt), Trung Cộng có thể thu nạp các nước Âu Châu khác vào sáng kiến này và duy trì con số “17+1.” Tuy nhiên, Trung Cộng có thể phải đối mặt với các vấn đề khác nếu có bất kỳ xung đột lợi ích nào giữa các bên mới gia nhập và các nước Trung và Đông Âu ban đầu.
Một quốc gia Âu Châu khác đứng lên chống lại Trung Cộng là Anh Quốc.
Hôm 22/04, Quốc hội Anh tuyên bố việc Bắc Kinh đối xử với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một “tội ác diệt chủng.”
Theo một tuyên bố từ Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), nước đi của Anh Quốc “là hành động mới nhất trong một loạt các hành động phối hợp của các thành viên IPAC.” IPAC (Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc) “là một nhóm các nhà lập pháp quốc tế liên đảng làm việc hướng tới sự cải tổ trong cách các nước dân chủ tiếp cận Trung Quốc.”
Bà Miriam Lexmann, nghị viên người Slovakia phụng sự trong Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Âu Châu, cũng bị đưa vào danh sách đen trừng phạt của Trung Cộng hồi tháng Ba và bà cũng là thành viên của IPAC.
Các thành viên Âu Châu khác của IPAC đã ủng hộ tuyên bố của Anh Quốc về tội ác diệt chủng của Trung Cộng ở Tân Cương bao gồm thành viên IPAC người Ý Andrea Delmastro Delle Vedove, thành viên IPAC người Bỉ Samuel Cogolati, và hai thành viên IPAC Margarete Bause và Gyde Jensen đến từ Đức.
Đánh giá sai lầm 4:
Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt nặng tay đối với Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng Âu Châu.
Một đánh giá sai lầm khác là thông báo hôm 22/03 của Bộ Ngoại giao Trung Cộng nói rằng Ủy ban Chính trị và An ninh (PSC) của Hội đồng Âu Châu là một tổ chức bị trừng phạt.
Hội đồng Âu Châu “đặt ra nghị trình chính sách của EU,” theo trang web chính thức của tổ chức này, và “các thành viên của Hội đồng Âu Châu là những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của 27 quốc gia thành viên EU, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, và Chủ tịch Uỷ ban Âu Châu.” “Đại diện Cấp cao của Liên minh về Chính sách An ninh và Đối ngoại cũng tham gia các cuộc họp của Hội đồng Âu Châu khi các vấn đề đối ngoại được thảo luận.”
Ủy ban PSC “chịu trách nhiệm về Chính sách An ninh và Đối ngoại chung (CSFP) và Chính sách An ninh và Quốc phòng chung (CSDP) của EU,” và tổ chức này “bao gồm các đại sứ của các quốc gia thành viên có trụ sở tại Brussels và được chủ trì bởi các đại diện từ Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu Châu.” Vai trò của ủy ban này gồm có: theo dõi tình hình quốc tế, khuyến nghị các phương pháp tiếp cận chiến lược và các lựa chọn chính sách cho Hội đồng; cung cấp hướng dẫn cho Ủy ban Quân sự, Nhóm Chính trị-Quân sự, và Ủy ban về các khía cạnh Dân sự của Quản lý Khủng hoảng, và bảo đảm việc kiểm soát chính trị và định hướng chiến lược của các hoạt động quản lý khủng hoảng.
Bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cơ quan này, thì trên thực tế, Trung Cộng đang trừng phạt những người ra quyết định cho các chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU. PSC sẽ tiếp tục soạn thảo các chính sách liên quan đến Trung Cộng của EU trong tương lai cho dù Trung Cộng có thích điều đó hay không. Trong bầu không khí chính trị hiện nay, PSC khó có thể làm tiên phong trong việc thoái nhượng trước Trung Cộng.
Nghiêm trọng hơn, nếu Trung Cộng tuyên bố cấm những nhà ngoại giao trong tổ chức này nhập cảnh vào Trung Quốc, thì sẽ dẫn đến một tình huống khó xử trong mối bang giao với Âu Châu vì tầm quan trọng của những người này trong hệ thống ngoại giao của đất nước họ, một tình huống có thể được mô tả là mang tính hủy diệt đối với mối bang giao Trung Quốc-Âu Châu.
Có thể thấy trước rằng Bắc Kinh sẽ có những điều chỉnh thích hợp đối với chính sách Âu Châu của mình trong tương lai, nếu không thì liên kết giữa Trung Quốc và Âu Châu sẽ xuống dốc nhanh chóng. Trung Cộng không quyết tâm mà cũng chưa sẵn sàng để biến EU trở thành một đối thủ khác bên cạnh Hoa Kỳ. Do đó, Trung Cộng đã gửi đi một tín hiệu rằng họ sẽ mềm mỏng hơn.
Ấn bản hôm 29/04 của tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post-SCMP) đưa tin về việc [Bắc Kinh] hạ nhiệt đối với các lệnh trừng phạt.
SCMP đưa tin: “Nhưng có rất ít dấu hiệu từ lúc ấy cho thấy các biện pháp hạn chế của Trung Cộng áp dụng ra sao. Các nguồn tin ngoại giao cho hay các quan chức Trung Cộng đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của các lệnh trừng phạt [đối với Âu Châu] của họ và cố gắng chứng minh các chính sách [trừng phạt] này có vẻ ít mạnh mẽ hơn so với bề ngoài.”
Một số người trong giới ngoại giao Âu Châu biết rõ điều này.
Một nguồn tin nói với SCMP rằng: “Chúng tôi đã ngừng chất vấn vì điều đó sẽ buộc phía Trung Quốc phải định nghĩa nó [chi tiết về các biện pháp trừng phạt].”
Ông Lý Lâm Nhất (Linyi Li) là biên tập viên và nhà bình luận cao cấp tại The Epoch Times Hoa ngữ tập trung vào Trung Quốc và các vấn đề quốc tế. Trước đó, ông là một nhà báo ở Ottawa, Canada, tập trung vào các tin tức về Đồi Quốc hội.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Lí Lâm Nhất thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: