Bắc Kinh đang tiến hành ‘cuộc diệt chủng lạnh’ đối với Pháp Luân Công
Theo lời một giáo sư người Canada, những hành động tàn bạo mà nhà cầm quyền Trung Cộng đã gây ra trong cuộc đàn áp kéo dài hàng thập niên đối với các học viên Pháp Luân Công đã trở thành một “cuộc diệt chủng lạnh.”
Bà Maria Trương (Maria Cheung), phó chủ nhiệm Khoa Công tác Xã hội tại Đại học Manitoba, đã có bài diễn văn tại phiên họp thứ năm của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức hôm 25/09.
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada; Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) có trụ sở tại Hoa Kỳ; và bà Trương thuộc nhóm bốn tác giả đã xuất bản bài báo năm 2018, “Cuộc Diệt chủng lạnh: Pháp Luân Công ở Trung Quốc,” trên Tạp chí Nghiên cứu và Phòng ngừa Diệt chủng: Một Tạp chí Quốc tế.
Bà Trương nói rằng những gì chế độ cộng sản này đã làm đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc – trong khi phù hợp với định nghĩa cổ điển về tội diệt chủng – là rất khác biệt, xét theo độ dài của cuộc bức hại – hiện đã là năm thứ 22.
Bà cho biết, “Đó là một cuộc diệt chủng bằng cách làm cho hao mòn sức lực, là một quá trình hủy diệt chậm chạp, phản ánh hiện tượng sát nhân hàng loạt đang diễn ra của một nhóm người được bảo vệ dưới lớp ngụy trang — công chúng không hề nhìn thấy một cái chết bạo lực được phơi bày ngay trước mắt.”
Bà lưu ý rằng bà và các đồng tác giả của mình gọi đây là một cuộc diệt chủng lạnh, vốn “được che giấu và tồn tại trong hơn hai thập niên mà không có nhiều sự chú ý.”
Trái ngược với các cuộc “diệt chủng lạnh” là “diệt chủng nóng,” mà các tác giả đã định nghĩa trong bài báo của họ là “những hoạt động hủy hoại với cường độ cao đã thủ tiêu nhóm nạn nhân này trong một khoảng thời gian ngắn.”
Các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã bị bức hại nặng nề ở Trung Quốc kể từ năm 1999. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, khu tâm thần, và các cơ sở ở Trung Quốc, với hàng trăm ngàn người phải đối mặt với sự tra tấn khi bị giam giữ.
Trong khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã từng thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết từ đầu những năm 1990, thì việc giam giữ hàng loạt này đã giúp mang lại một lượng lớn người dễ bị bức hại để có thể cung cấp nguồn nội tạng khi có nhu cầu cấy ghép tạng. Ngay sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc bắt đầu bùng nổ.
Nhiều học viên Pháp Luân Công đã chia sẻ về việc họ suýt là nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc. Họ nhớ lại đã nhiều lần bị yêu cầu khám sức khỏe, bao gồm cả các xét nghiệm máu, trong thời gian họ bị giam giữ.
Bà Trương cho hay, “Trong dữ liệu nghiên cứu gần đây của tôi đến từ ba quốc gia nói về sự tra tấn đối với những người tị nạn tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc, có khoảng 75% người đã từng phải chịu các quy trình sàng lọc chọn lọc cho hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức khi họ bị giam giữ ở Trung Quốc.”
Hồi năm 2019, một tòa án nhân dân có trụ sở tại London đã công bố một báo cáo kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang diễn ra trên một “quy mô đáng kể” ở Trung Quốc, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Bà Trương cho biết “cuộc diệt chủng lạnh” của Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công không chỉ là sự tàn phá về thể chất của nhóm người này, được cho là kết quả của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức — mà còn là sự tàn phá về mặt tâm lý và xã hội.
Ép không cho ngủ, ép uống thuốc hướng tâm thần và không ngừng xem phim tuyên truyền của Trung Cộng là một số chiến thuật tẩy não được biết đến mà các lính canh Trung Quốc thực hiện đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ nhằm buộc họ từ bỏ đức tin của mình.
Sự tàn phá xã hội đang diễn ra dưới hình thức bức hại tài chính, như khi nhà cầm quyền Trung Cộng buộc các công ty phải sa thải các học viên Pháp Luân Công hoặc tước lương hưu của họ. Các quan chức Trung Cộng cũng đã cố gắng cô lập các học viên trong xã hội bằng cách buộc các thành viên trong gia đình phải quay lưng lại với những người thân của mình và đồng nghiệp đối kháng lẫn nhau.
Bà Trương nói, “Cái chết xã hội và cái chết tinh thần, không hề giống như việc tàn sát về thể xác, thầm lặng và không đổ máu, nhưng chúng lại đạt được hiệu quả sâu sắc tương tự trong việc theo đuổi sự diệt chủng.”
“Chúng ta đang đối mặt với một chế độ toàn trị vẫn đang cố gắng tiêu diệt một nhóm nạn nhân [Pháp Luân Công] suốt một thời gian dài ẩn bên dưới lớp áo choàng của sự thiếu chú ý, thờ ơ và lãnh đạm. Đó không phải là vấn đề chỉ đối với các nhóm nạn nhân này, hay người dân Trung Quốc, mà còn là vấn đề của các công dân trên toàn cầu.”
Anh Frank Fang là một ký giả người Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: