Bắc Kinh đang đi dây thăng bằng với thị trường nhà ở trong nước
Nhà phát triển bất động sản Evergrande có thể là giọt nước làm tràn ly.
Cuối năm 1979, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang lúc bấy giờ là ông Paul Volcker đã công bố một kế hoạch táo bạo nhằm thoát khỏi tình trạng lạm phát cao đã gây khó khăn cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong phần lớn những năm 1970 – tăng lãi suất lên 20%.
Động thái này đã khiến nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào vòng xoáy suy thoái nghiêm trọng trong vài năm đầu sau đó, nhưng cuối cùng đã mở đường cho một thập kỷ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Động thái này được nhà kinh tế học Mohamed El-Erian gọi là “Khoảnh khắc Volcker” nhiều năm sau đó.
Có phải Trung Quốc đang bắt đầu “Khoảnh khắc Volcker” của riêng mình? Đó là luận điểm của nhà kinh tế trưởng Ting Lu của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, khi ông mô tả những gì đang xảy ra trên thị trường bất động sản nóng bỏng của Trung Quốc.
Đó không phải là một phép ngoại suy hoàn hảo, nhưng có một số điểm tương đồng. Mục tiêu hiện tại của Bắc Kinh không phải là ngăn chặn lạm phát, mà là ngăn chặn một thập kỷ đầu cơ bất động sản tràn lan và tăng trưởng nợ.
Nomura nêu trong một bản tóm tắt phân tích của ông Lu: “[Trung Quốc] đã coi trọng tầm quan trọng chiến lược quốc gia là kiềm chế lĩnh vực bất động sản, can thiệp trực tiếp vào nguồn cung tín dụng và không để lại phạm vi để rút lại những hạn chế này.”
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang gây khó khăn hơn cho các nhà phát triển bất động sản trong việc tìm kiếm tài chính và các hộ gia đình mua hàng ở một số khu vực nhất định. Các sắc lệnh gần đây đã kìm hãm sự tăng giá nhà ở và giảm tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng. Một số hành động quản lý nhất định – chẳng hạn như chỉ thị “ba vạch đỏ” nhằm giảm đòn bẩy nợ của các nhà phát triển bất động sản – đã trực tiếp gây tổn hại cho các nhà phát triển, với Evergrande, một trong những công ty lớn nhất, đang trên bờ vực phá sản.
Nhưng chúng ta đã thấy điều này diễn ra trước đây.
Trong nhiều năm, tôi đã viết trong ấn phẩm này về sự diệt vong sắp xảy ra của thị trường bất động sản Trung Quốc – và đã bị chứng minh là sai – nhiều lần hơn so với câu châm ngôn “kêu cứu giả vờ.”
Những độc giả thường xuyên biết rằng thị trường bất động sản Trung Quốc có xu hướng lên xuống. Trung Quốc đã ở trong một chu kỳ kiềm chế và sau đó kích thích thị trường bất động sản của họ tốt hơn trong 20 năm qua. Các cơ quan quản lý công bố các biện pháp chống đầu cơ có mục tiêu, và nếu giá bất động sản giảm, họ sẽ tăng tính thanh khoản và nới lỏng các tiêu chí vay vốn. Theo thời gian, giá bất động sản đã tăng đều đặn trên toàn quốc.
Bắc Kinh đã quản lý cẩn thận sự tăng trưởng ổn định của giá bất động sản trong những năm qua và có lý do chính đáng. Bất động sản đóng vai trò là phương tiện làm giàu chính của hầu hết người dân Trung Quốc – ngoài những người đứng đầu ngành công nghiệp và các quan chức Trung Cộng.
Đối với các gia đình trung lưu và thượng lưu Trung Quốc, việc tích lũy tài sản có thể đến từ đầu cơ bất động sản hoặc thị trường chứng khoán, và hầu hết các nhà đầu tư có đẳng cấp đều chọn bất động sản. Một phần của sự tự tin đó là sự hiểu biết ngầm rằng Trung Cộng sẽ không thực sự để thị trường bất động sản Trung Quốc sụp đổ.
Ông Lu nói rằng, “Nhưng lần này thì khác,” nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của việc đưa ra tuyên bố như vậy ở Phố Wall.
Ông Lu tin tưởng rằng Bắc Kinh hoàn toàn cam kết giảm phát thị trường nhà ở. Và ngân hàng (trung ương của Trung Quốc) đã trích dẫn ba mục tiêu để làm như vậy: giảm sự phụ thuộc của đất nước vào công nghệ ngoại quốc, nâng cao tỷ lệ sinh của Trung Quốc, và giảm bất bình đẳng giàu nghèo.
Nhưng tôi không tin rằng đây là mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh.
Ông chủ của Trung Cộng Tập Cận Bình tin rằng bất bình đẳng giàu nghèo là một vấn đề xã hội. Nhưng thị trường bất động sản là yếu tố đóng góp vào “sự thịnh vượng chung” hơn là yếu tố để gièm pha.
Có thể lập luận rằng thị trường bất động sản đã một tay tạo ra tầng lớp trung lưu của Trung Quốc. Tất nhiên, có những công dân giàu sở hữu nhiều bất động sản là những người giàu hơn những người khác. Nhưng phần lớn tài sản hộ gia đình của tầng lớp trung lưu Trung Quốc gắn liền với bất động sản, và Trung Quốc có hàng trăm triệu hộ gia đình chỉ có một hoặc hai căn hộ.
Với việc ông Tập mạnh dạn nhắm đến nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba của Trung Cộng vào năm tới, khó có khả năng ông sẽ chấp thuận việc giá bất động sản giảm mạnh. Các cuộc biểu tình trên đường phố và bất ổn xã hội là kẻ thù đối với sự cầm quyền của Trung Cộng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi thứ không thể xảy ra sai sót.
China Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, là một con bài khó đoán. Evergrande đã gặp khó khăn trong nhiều năm, nhưng gần đây nhất, hồi chuông cảnh báo đã vang lên về một vụ vỡ nợ sắp xảy ra.
Theo Bloomberg, các nhà phát triển bất động sản đã vỡ nợ hơn 6 tỷ USD vào năm 2021. Bắc Kinh đã để cho nhiều công ty vỡ nợ và có lẽ sẽ không phản đối việc để Evergrande vỡ nợ và gánh nặng 300 tỷ USD nợ phải trả của công ty này bị nổ tung, nếu không muốn nói đến vị trí quan trọng [của công ty này] như là nhà phát triển bất động sản hàng đầu của đất nước.
Hôm 09/09, Bắc Kinh đã cho Evergrande một cứu cánh bằng cách cho phép công ty này thương lượng lại một số điều khoản thanh toán với các bên ngân hàng cho vay. Hiện có 1.5 triệu khách hàng đã đặt cọc trước cho Evergrande và đang chờ căn hộ được xây dựng. Đã có báo cáo về các cuộc phản đối của các chủ sở hữu bất động sản đang phải chờ đợi yêu cầu Evergrande tiếp tục xây dựng để chuyển giao sản phẩm của họ.
Đó là một tình huống rất tế nhị, và tôi nghi ngờ rằng ông Tập đang muốn chứng kiến sự sụp đổ hỗn loạn của Evergrande. Cách Bắc Kinh quản lý tình hình Evergrande đáng được theo dõi. Liệu Evergrande sẽ được phép vỡ nợ hay không? Liệu công ty này có tiếp tục tái cấu trúc hay không? Liệu Bắc Kinh có cho phép Evergrande khoanh lại [nợ] và hoàn tiền cho những người mua nhà tiềm năng hoặc giao cho một công ty bất động sản khác hoàn thành việc xây dựng các dự án hiện có không?
Bất chấp điều đó, Trung Cộng đang đi dây thăng bằng. Để giảm đòn bẩy nợ và kiềm chế giá nhà đất trong khi ngăn chặn thảm họa là một nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Và tất cả điều này cần được quản lý trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu bên ngoài thấp hơn.
Trung Cộng đã giải quyết được vấn đề này trước đây, nhưng với lần này, biên độ sai sót cho phép gần như không tồn tại.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: