Bắc Kinh đã kiểm soát một công ty chế tạo phi cơ không người lái của Ý
ĐCSTQ đã sử dụng mọi cách để có được những công nghệ cao của phương Tây, trong đó đầu tư vào các công ty công nghệ ở nước ngoài là một trong những thủ đoạn quen thuộc của nó. Gần đây, người ta đã phát hiện ra một công ty chế tạo phi cơ không người lái của Ý đã bị ĐCSTQ kiểm soát, và công nghệ kỹ thuật cao của nó có thể đã bị chuyển cho quân đội của ĐCSTQ.
Tạp chí kinh tế The Wire China mới đây đã đăng một bài báo với tiêu đề “Náo kịch về phi cơ không người lái của Ý” (Italy’s Drone Drama), trong đó phân tích rằng ĐCSTQ đã mua và kiểm soát một công ty chế tạo phi cơ không người lái của Ý thông qua một công ty Hồng Kông vào năm 2018, với mục tiêu có được công nghệ phi cơ không người lái của công ty này.
Núp bóng dưới vỏ bọc công ty Hồng Kông, ĐCSTQ giấu giếm mua bán và sáp nhập bất hợp pháp
Công ty của Ý này có tên là Alpi Aviation, chuyên cung cấp các phi cơ quân sự không người lái công nghệ cao cho các lực lượng đặc biệt của Ý và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, vào năm 2018, công ty này đã bị ĐCSTQ bí mật kiểm soát.
Cảnh sát Ý thông báo vào ngày 2/9 năm nay rằng, vào năm 2018, Alpi đã được một công ty Hồng Kông mua lại 75% cổ phần với giá gấp 90 lần giá trị thị trường.
Đài CNA của Đài Loan đưa tin, cảnh sát Ý tiết lộ rằng đằng sau phía bên mua ở Hồng Kông là một mạng lưới sở hữu chéo phức tạp và không rõ ràng, có đến 15 công ty Trung Quốc có liên đới, và người ta cuối cùng truy ra được chủ sở hữu thực sự là hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Bài báo của The Wire China đã chỉ ra hai doanh nghiệp nhà nước này là China Corporate United Investment Holding (CCUI) và CRRC Corporation Limited.
Bài báo còn chỉ ra rằng, theo luật của Ý, các công ty Ý trong ngành công nghiệp vũ khí bắt buộc phải xin phép chính phủ mới có thể tiến vào bước đàm phán. Tuy nhiên, giao dịch này không chỉ đã qua đàm phán, mà còn đã hoàn tất việc mua lại và bán cho các nước không phải trong khối liên minh EU.
Do các bên tham gia mua bán không báo cáo với chính phủ Ý theo quy định của pháp luật, nên chính phủ Ý không biết rằng Công ty Chế tạo Phi cơ Alpi đã bị ĐCSTQ kiểm soát. Bài báo của The Wire China còn cho biết, giao dịch này đã vô tình bị bại lộ trong một cuộc điều tra khác của Ý về việc Alpi sử dụng trái phép các phi trường quân sự.
Mục tiêu của ĐCSTQ: Công nghệ phi cơ không người lái
Sau khi ĐCSTQ mua lại Công ty Chế tạo Phi cơ Alpi, giới truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về sự xuất hiện của phi cơ không người lái của Alpi tại Hội chợ Thương mại Trung Quốc 2019. Bài báo của The Wire China cho biết, chiếc UAV Strix do Công ty Chế tạo Phi cơ Alpi sản xuất đã từng được Không quân Ý sử dụng để trinh sát đường không ở Afghanistan. Vào năm 2009, Alpi đã bán một phiên bản phi cơ không người lái này cho Không quân Ý.
Bài báo tiết lộ rằng Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia, tin rằng mặc dù ĐCSTQ đã ở vị trí hàng đầu trong thị trường toàn cầu về hệ thống UAV cỡ nhỏ, nhưng nó vẫn đang thực hiện các vụ mua bán thương mại quy mô lớn đối với các công ty nước ngoài có tiềm năng và kĩ thuật.
Tờ Corriere della Sera của Ý đưa tin, cảnh sát Ý tin rằng mục đích của ĐCSTQ khi mua Alpi không phải để đầu tư, mà là để có được các công nghệ kỹ thuật và quân sự có liên quan.
Cảnh sát Ý đã cáo buộc 3 người Ý và 3 người Trung Quốc vi phạm “Luật lưu thông vũ khí” và “Luật Bảo vệ các công ty chiến lược” của Ý, vì các bên tham gia mua bán đã không báo cáo với chính phủ Ý theo quy định của pháp luật, hơn nữa ngoài việc đánh cắp công nghệ của Ý, thương vụ mua bán này còn lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất sang thành phố Vô Tích ở Trung Quốc.
Có khả năng công nghệ phi cơ không người lái đã bị chuyển giao cho quân đội Trung Quốc
Bài báo của The Wire China nói rằng, vì phi cơ không người lái của Alp là sản phẩm lưỡng dụng (quân dụng và dân dụng), nên không chắc liệu hai doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã chuyển giao công nghệ của họ cho quân đội Trung Quốc hay chưa.
Ông Stu Cvrk, một chuyên gia từng phục vụ 30 năm trong Hải quân Hoa Kỳ, đã có bài viết, cho biết theo Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), ĐCSTQ đã xây dựng và thực hiện chiến lược “tăng cường tối đa mối quan hệ quân sự-dân sự nhằm nâng cao sức mạnh quân sự và kinh tế”.
Ông Wilbur Ross, Cựu Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ đã tiết lộ trong một bài báo trên tờ Financial Times vào ngày 15/8/2017 rằng, chỉ tiêu xem xét đầu tư của ĐCSTQ không phải là tỷ suất sinh lời, mà chủ yếu là sở hữu các công nghệ mới, sau đó sử dụng nó cho các mục đích khác.
Ông Devin Thorne, một nhà phân tích tình báo về các mối đe dọa tại công ty an ninh mạng Recorded Future, nói với tạp chí The Wire China rằng, trong giao dịch này của Alpi vẫn còn tồn tại một số nguy cơ rủi ro, mà nổi bật nhất là sự tham gia của CRRC (công ty sản xuất xe lửa ở Trung Quốc). Ông nói: “Xem xét bản chất của hành động động viên quốc phòng của ĐCSTQ, cùng tầm quan trọng của đường sắt và các chuyến vận tải đường sắt, ngay cả khi CRRC không tham gia vào kế hoạch của quân đội, nó cũng có thể đã luôn tham gia vào kế hoạch phòng thủ quốc gia của ĐCSTQ”.
Ông Thorne đã đề cập đến một thỏa thuận vào năm 2008, trong đó CSR Corporation Limited (tiền thân của CRRC) đã gián tiếp mua lại công ty bán dẫn Dynex Semiconductor có trụ sở tại Anh. Nó tuyên bố mục tiêu là tích hợp công nghệ của công ty này với đầu máy xe lửa của CSR, nhưng công nghệ của Dynex cuối cùng lại nằm trong tay các kỹ sư quân sự của quân đội Trung Quốc.
“CRRC rất có khả năng sẽ tiếp bước CSR mà tham gia vào hội nhập quân sự-dân sự, cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào mà nó đã mua lại trước đây”, ông Thorne nói.
CRRC Corporation Limited – một trong hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mua lại Alpi, là công ty con của tập đoàn sản xuất đường sắt quốc doanh khổng lồ CRRC Group. Do nghi ngờ có quan hệ với quân đội Trung Quốc, nó đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen của Ngũ Giác Đài kể từ tháng 6/2020.
Do Ngô Hinh, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: