Bắc Kinh có thể trở thành ‘chủ sở hữu kiêm người kiểm soát’ Quần đảo Solomon
Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể trở thành “chủ sở hữu kiêm người kiểm soát” của Quần đảo Solomon nếu như nước này thực thi hiệp ước an ninh gây tranh cãi [với Trung Quốc].
Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hoa Kỳ, đang có chuyến thăm tới Úc, cùng với năm thượng nghị sĩ và dân biểu của Đảng Cộng Hòa, vì đây là “tâm chấn của thách thức toàn cầu” liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) .
Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News Australia, ông Menendez và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cho biết việc “bảo đảm không có căn cứ của Trung Quốc ở đó” là vì lợi ích của Quần đảo Solomon, Úc, và Hoa Kỳ.
Hồi cuối tháng Ba, những chi tiết về một thỏa thuận bí mật giữa Quần đảo Solomon và Bắc Kinh đã bị rò rỉ trên mạng, trong đó cho phép ĐCSTQ phái lực lượng đến để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở Quần đảo Solomon.”
Sau khi thỏa thuận này được công khai, các đại diện ngoại quốc từ cả hai chính phủ đã “ký tắt” thỏa thuận này ngay sau đó, làm dấy lên những lo ngại rằng nó có thể mở đường cho ĐCSTQ quân sự hóa khu vực này.
Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và nhà lãnh đạo Quần đảo Solomon đã bác bỏ mọi khả năng về việc tăng cường quân đội, các tài liệu bị rò rỉ vào ngày 07/04 dường như cho thấy Bắc Kinh đã nhiều năm do thám khu vực này cho các dự án quân sự.
Ông Menendez nói rằng mặc dù họ sẽ “tin tưởng” Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare, người đã kiên quyết phủ nhận bất kỳ ý định phát triển quân sự nào, nhưng vị thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ này nhấn mạnh rằng sự đầu tư của Trung Quốc luôn đi kèm với các ràng buộc.
“Tôi hy vọng rằng có một sự lý giải rộng hơn và sâu sắc hơn rằng Trung Quốc rốt cuộc sẽ thành chủ sở hữu kiêm người kiểm soát của quý vị,” ông nói.
“Đó là mục tiêu tối hậu của họ, và họ đã chứng tỏ ở Phi Châu và ở các khu vực khác trên thế giới rằng dường như họ đang đến đó với thiện ý — và rồi các chính sách và thông lệ kinh tế mang tính cưỡng chế của họ rốt cuộc [lại cho thấy là quý vị đang] thuộc sở hữu của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng không ai muốn bị Trung Quốc sở hữu cả,” ông nói, khi đề cập đến Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là chiến lược cơ sở hạ tầng toàn cầu của ĐCSTQ, nơi họ cấp vốn cho các dự án lớn ở các quốc gia đang phát triển với lãi suất nhiều khi cao ngất ngưởng. Khi mà các chính phủ không thể chi trả những khoản vay này, Bắc Kinh sẽ nắm quyền kiểm soát tài sản đó, vốn có thể được tái sử dụng cho mục đích quân sự.
Ông Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng của Viện Chính sách Chiến lược Úc, đã cho thấy những điểm tương đồng giữa vấn đề của Solomon và Djibouti ở Phi Châu, nơi ĐCSTQ thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại vào năm 2017, dù đã phủ nhận là họ có ý định làm như vậy.
“Chúng ta có thể nhìn thấy tương lai của Nam Thái Bình Dương sau những gì quân đội Trung Quốc đã làm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như Eo biển Đài Loan,” ông viết trong The Strategist.
Bà Cleo Paskal, một thành viên cao cấp của Chương trình Á Châu-Thái Bình Dương tại Chatham House (Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) có trụ sở tại London, cho biết hiệp ước an ninh này có thể đem lại cho chính phủ ông Sogavare chìm trong nguy khốn một cơ hội để củng cố quyền kiểm soát đất nước.
“[Ông Sogavare có thể nói,] ‘Chúng tôi cần sự giúp đỡ từ bên ngoài đến và tạo ra sự ổn định ở đất nước, và những bằng hữu của chúng tôi là Trung Quốc sẽ đến và làm điều đó,” bà Paskal đã nói với The Epoch Times trước đó. “Và đó là khi họ bắt giữ các thủ lĩnh, các thủ lĩnh người Malaita, và lạy Trời đừng để có chuyện gì xảy ra với họ trong trại giam.”
Bà kêu gọi chính phủ Úc phục hồi tiến trình dân chủ ở nước này và gây áp lực buộc Sogavare phải tuân theo Thỏa thuận Hòa bình Townsville năm 2000 — vốn đã chấm dứt bạo lực ở nước này và đặt nền móng cho chính phủ dân chủ.
Bà nói: “Hãy đưa ra các biện pháp mà các tỉnh bang khác nhau, bao gồm cả [tỉnh] Malaita, đã từng đồng ý. Có một chuỗi toàn bộ những điều đã được thương lượng — tất cả mọi người đều đã ký tên vào, kể cả chính phủ dưới quyền ông Sogavare.”
Khi lưu ý rằng ông Sogavare và Nội các của ông ta có thể mất các đặc quyền dành cho họ trong mối bang giao với nước Úc, bà Paskal nói: “Ông Sogavare và các thành viên Quốc hội của ông ấy được đưa cho một lựa chọn, ‘Các vị có thể đối phó với Trung Quốc, hoặc các vị có thể đối phó với phần còn lại của thế giới’”.
Bà Paskal cho biết áp lực này có thể buộc các bộ trưởng của Thủ tướng Sogavare phải can thiệp và ngăn chặn mọi thứ “đi quá xa”.
Các quan chức và bộ trưởng hàng đầu của Úc đã đưa ra nhiều lời phản kháng đối với ông Sogavare trong vài tuần qua, bao gồm cả Bộ trưởng về Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja, người đã kêu gọi chính phủ Solomon không ký kết hiệp ước an ninh [với Trung Quốc] này.
Trong khi đó, phái đoàn Hoa Kỳ đến Úc bao gồm các Thượng nghị sĩ (TNS) của Đảng Cộng Hòa: TNS. Richard Burr (Cộng Hòa-North Carolina), TNS. Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska), TNS. Robert Portman (Cộng Hòa-Ohio), và Dân biểu Ronny Jackson (Cộng Hòa-Texas).
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: