Bắc Kinh có thể trả đũa sau bản án lịch sử của Hoa Kỳ dành cho một gián điệp
Theo các chuyên gia, việc kết án một nhân viên tình báo Trung Quốc gần đây tại Hoa Kỳ có thể khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ trong các hoạt động gián điệp của họ vào thời điểm này, các chuyên gia cho rằng một người Mỹ thiếu cảnh giác ở Trung Quốc có thể trở thành phương tiện để họ trả đũa.
Hôm 05/11, một bồi thẩm đoàn liên bang đã kết tội ông Từ Diên Quân (Xu Yanjun) vì vai trò của ông ta trong một âm mưu chiêu mộ gián điệp và đánh cắp công nghệ hàng không nhạy cảm cho chính quyền Trung Quốc. Ông Từ, một phó giám đốc chi nhánh tỉnh của cơ quan tình báo hàng đầu của Bắc Kinh, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), bị kết án ở tất cả các tội danh, bao gồm cả âm mưu gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại.
Ông Từ là nhân viên tình báo Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để hầu tòa.
Các công tố viên cho biết, kể từ năm 2013 ông Từ tích cực tham gia vào việc chiêu mộ nhân sự từ các công ty hàng không hàng đầu của Hoa Kỳ và ngoại quốc. Hồi tháng 03/2017, ông ta bắt đầu thu thập thông tin từ một kỹ sư Hàng không của GE.
Hồi cuối năm 2017, vị kỹ sư này đã bắt đầu làm việc cho FBI. Họ lên một kế hoạch để dẫn dụ ông Từ đến Bỉ với lời hứa của vị kỹ sư rằng sẽ cung cấp các hồ sơ nhạy cảm liên quan đến công nghệ lắp ghép độc quyền động cơ quạt của phi cơ của GE Aviation cho ông Từ. Ông Từ đã cắn câu và bị bắt tại Bỉ hồi tháng 04/2018, sau đó bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.
Hiện ông ta phải đối mặt với án tù lên đến 60 năm; ngày tuyên án vẫn chưa được ấn định.
Ông Alan E. Kohler Jr., trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI, cho biết trong một tuyên bố hôm 05/11 rằng, “Đối với những người nghi ngờ các mục tiêu thực sự của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], thì đây nên là một lời cảnh tỉnh; họ đang đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và quân sự của họ.”
Ông James Olson, cựu giám đốc cơ quan phản gián CIA và đồng thời là tác giả cuốn sách “To Catch a Spy: The Art of Counterintelligence” (Để bắt một Điệp viên: Nghệ thuật Phản gián), đã mô tả những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ với “quy mô lớn và thâm nhập khắp mọi nơi.”
Ông nói với The Epoch Times rằng “Hầu hết người Mỹ sẽ không bao giờ hiểu được toàn bộ những gì đang diễn ra.”
Ông Olson mô tả vụ án của ông Từ là “rất lớn” và “mang tính lịch sử.”
Ông David Sauer, một sĩ quan cao cấp của CIA đã nghỉ hưu, từng là trưởng trạm và phó đồn trưởng ở nhiều vị trí chỉ huy ở hải ngoại ở khu vực Đông Á và Nam Á, cũng đồng ý như vậy.
“Việc truy tố ông Từ là một lời cảnh báo rõ ràng,” ông nói. “FBI và DOJ [Bộ Tư pháp] đã thực hiện một chiến dịch tuyệt vời bằng cách dẫn dụ ông Từ đến Bỉ, nơi mà họ biết ông ta có thể bị dẫn độ và đưa về Hoa Kỳ để xét xử.”
Theo ông Olson, việc ông Từ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ sẽ có “một tác động mạnh mẽ” đến cách mà nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp cận việc chiêu mộ gián điệp và đánh cắp bí mật thương mại trong tương lai. Ông nói rằng việc này sẽ khiến MSS của chính quyền Trung Quốc phải thận trọng hơn, vì sự kiện mang tính bước ngoặt này có thể báo hiệu rằng tội phạm gián điệp sẽ không còn được phép thực hiện mà không bị trừng phạt.
Trả đũa
Ông Olson nói rằng đối với Trung Cộng, việc dẫn độ ông Từ là “một hành động rất gây hấn và khiêu khích” mà Hoa Kỳ đang làm.
Việc kết tội ông ta là “một đòn thậm tệ” đối với MSS và “trả đũa là không thể tránh khỏi,” ông nói. “Chính quyền Trung Quốc sẽ muốn ông Từ trở về nước, và họ sẽ thực hiện các biện pháp cực đoan để biến điều đó thành hiện thực.”
Ông Sauer cũng đồng tình với đánh giá này.
Ông nói, “Phía Trung Quốc sẽ trả đũa vào một số thời điểm mà họ lựa chọn; bây giờ là vấn đề họ sẽ làm gì và họ sẽ làm như thế nào. Có khả năng là bất kỳ biện pháp trả đũa nào như vậy “có thể là một vấn đề lớn,” nhưng ông vẫn để ngỏ lựa chọn rằng Bắc Kinh sẽ “làm điều gì đó kém ngoạn mục hơn một chút để tránh thu hút sự chú ý nhiều hơn.”
Ông Olson dự đoán rằng “một doanh nhân Mỹ hay nhà báo Mỹ ở Trung Quốc sẽ bị nhắm vào.” Ông nói, Trung Cộng sẽ “bịa đặt ra một vụ án nhắm vào người này và đẩy anh ta vào phiên tòa xét xử” để kết tội anh ta.
Tương tự như vậy, ông Sauer nói rằng Bắc Kinh “có thể thu thập các cáo buộc và cố gắng dẫn độ CIA, FBI, hoặc bất kỳ ai từng hoạt động chống lại Trung Quốc mà trở lại Bắc Kinh.”
Theo ông Olson, trong kịch bản này, họ sẽ cáo buộc rằng người Mỹ này dính líu tới hoạt động gián điệp và bằng chứng sẽ được dựng lên để làm cho nó có vẻ như vậy. Sau khi vụ này được thực hiện, ông nói, “họ sẽ có miếng mồi thương mại.”
Ông giải thích rằng người này sau đó sẽ được đề nghị để đổi lấy ông Từ, và cảnh báo rằng “có thể họ đang xem xét các mục tiêu tiềm năng ngay lúc này.”
Ông Sauer nói rằng cá nhân ông “sẽ không đi đến những khu vực mà chính quyền Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng và có thế lực ở đó.”
‘Tham lam’
Ông Sauer tự tin rằng Trung Quốc đã đánh giá các phương án khả thi để giành lại ông Từ, và có thể sẽ không bao giờ tiến hành các hoạt động ở những khu vực mà Hoa Kỳ có quan hệ ngoại giao bền vững nữa, chẳng hạn như Bỉ.
“Họ sẽ tập trung các hoạt động ở những khu vực mà họ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các quốc gia đó — ví dụ như ở Đông Nam Á — nơi họ có rất nhiều ảnh hưởng để có thể đưa một người như ông Từ ra ngoài nếu ông ta gặp rắc rối.”
Trong những trường hợp gián điệp bị bắt dưới vỏ bọc ngoại giao, “đó không phải là một thảm họa,” ông Olson cho hay và nói thêm rằng, trong những trường hợp đó, thủ phạm sẽ đơn giản được tuyên bố không phải là nhà ngoại giao được thừa nhận và bị trục xuất khỏi quốc gia đó.
Nhưng trường hợp của ông Từ thì khác vì ông ta không đến Bỉ dưới vỏ bọc là một nhân viên ngoại giao.
Ông Olson nói rằng, “Những gì ông Từ đã làm [bằng cách đến Bỉ để gặp một nguồn tin] là rất, rất táo bạo.” Đây không phải là rủi ro mà MSS thường chấp nhận, vì ông Olson coi việc một thành viên của tình báo Trung Quốc gặp gỡ bên ngoài Trung Quốc là điều vô cùng hiếm hoi.
Ông nói: “Việc [MSS] đồng ý cử ông Từ đến Bỉ để gặp một người được cho là một tân binh là dấu hiệu cho thấy họ tham lam đến mức nào, và họ thực sự muốn công nghệ động cơ phản lực đó đến mức nào.”
Theo ông Olson, MSS không muốn hoạt động bên trong Hoa Kỳ hay ở bất kỳ quốc gia nào khác mà không có quyền miễn trừ ngoại giao đối với vấn đề đó. Thay vào đó, MSS muốn đưa những tân binh đến Trung Quốc.
“Tại đây, họ có thể thẩm vấn và khai thác thông tin tình báo trong sự an toàn của lãnh địa của chính họ,” ông nói.
Ông Olson cho hay, “Việc ông Từ bị kết án sẽ làm thay đổi chiến lược của họ” và nói thêm rằng ông sẽ rất ngạc nhiên nếu MSS đồng ý gặp gỡ bất kỳ thứ quý giá nào khác bên ngoài Trung Quốc trong tương lai gần.
Ông Từ đã nói gì?
Ông Olson đã chứng kiến những đồn đoán rằng những thông tin tình báo có giá trị đã được khai thác từ ông Từ, nhưng ông không tin vào điều đó. Ông nghi ngờ rằng ông Từ là một sĩ quan tình báo và công dân Trung Quốc “rất kỷ luật, trung thành”. Nếu ông ta đã “khai”, thì có thể có được sự khoan hồng — nhưng điều đó đã không xảy ra, ông Olson nói.
Ông nói, không hề có một thỏa thuận nào cả, “có vẻ như DOJ thực sự không có gì để thương lượng.” Theo ông Olson, liệu phe biện hộ có muốn ông ta đạt được thỏa thuận bằng cách nói ra hay không là điều mà công chúng Hoa Kỳ có thể sẽ không bao giờ biết được, theo ông Olson.
Theo kinh nghiệm của ông Olson, ông nói “rất khó có khả năng một người như viên chức MSS này đã từng cân nhắc khai ra bất kỳ thông tin nào.”
Tăng cường hoạt động điệp viên hai mang
Các hoạt động như vụ dẫn đến kết án ông Từ đầy phức tạp và khó thực hiện.
“Không phải là [các cơ quan tình báo] đã không làm gì cả. Đó là họ đã tương đối không hiệu quả trong việc ngăn chặn đánh cắp công nghệ và thông tin nghiên cứu và phát triển,” ông Sauer nói.
Tuy nhiên, theo ông Olson, toàn bộ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ được “tiếp thêm sinh lực” và “được khuyến khích” bởi cuộc điều tra và kết tội ông Từ – và ông Sauer cũng đồng ý.
Ông Olson cho biết các hoạt động của MSS và Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), quân đội của nhà cầm quyền này, chống lại Hoa Kỳ phải tiếp tục bị ngăn chặn và ông đưa ra hai giải pháp để thực hiện điều đó.
Trước tiên, ông nói, “Hoa Kỳ phải thâm nhập vào cộng đồng tình báo Trung Quốc để chúng ta có các nguồn nội bộ nói cho chúng ta biết chính xác những gì họ đang làm, cách họ làm và ai đang được chiêu mộ từ bên trong Hoa Kỳ để giúp họ làm điều đó.”
Và thứ hai là “Hoa Kỳ cần phải tiến hành nhiều hoạt động điệp viên hai mang hơn nữa” — và “vụ hàng không GE là một ví dụ điển hình” về hoạt động như vậy, ông nói.
Trong trường hợp đó, “FBI đã nắm quyền kiểm soát kỹ sư của GE – chỉ thị hoạt động cùng với ông ta như một điệp viên hai mang chống lại tình báo Trung Quốc – và việc này đã rất rất thành công,” ông Olson nói.
“Các hoạt động điệp vụ hai mang khác có thể bắt đầu khi có một ứng cử viên sáng giá để dụ Trung Cộng.”
Người này sẽ phải có quyền tiếp cận với chính quyền Trung Quốc, có thể tiếp xúc để trao đổi và trông giống như một tân binh giỏi.
Ông Olson nói, “Để có thể dụ được Trung Quốc, chúng ta cần bảo đảm rằng chúng ta thả một số miếng mồi thực sự hấp dẫn cho họ [với đặc vụ này] bởi vì họ sẽ tóm lấy nó — và một khi họ làm như vậy, chúng ta sẽ có hoạt động của một điệp viên hai mang.”
Ông nói, mục tiêu của cộng đồng phản gián Hoa Kỳ là để cho chính quyền Trung Quốc biết rằng họ vẫn “năng động, hiệu quả, thực sự hung hăng và thực sự ranh ma.”
Theo ông Olson, nếu Hoa Kỳ tăng cường hoạt động điệp viên hai mang, điều này có thể khiến Trung Cộng tạm dừng chiêu mộ người Mỹ vì mục tiêu này có thể bị FBI hoặc CIA kiểm soát.
“Điều đó sẽ khiến họ e dè khi nhắm mục tiêu vào người Mỹ trong tương lai,” ông nói.
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: